“Chim Lạc” không phải chim vật tổ lịch sử văn hóa Việt Nam

Chim lạc thực sự có vị trí như thế nào trong nền văn hóa Việt Nam?

Hình tượng con gà trong đời sống văn hóa Việt Nam

Chuyên gia phong thủy thế giới đoán tài vận năm 2017

Đã là "mọt phim" thì đừng bỏ lỡ top 6 bộ phim hot nhất Tết này

Nhan sắc mỹ miều thế, hỏi sao ai cũng mê những loại trái cây Tết này

Chim Lạc không hiện diện trong văn hóa vật tổ
Trên Đất Tổ Phú Thọ, người ta đã tìm thấy những di chỉ mảnh tước và hòn cuội tự nhiên được chế tác gò đẽo trực tiếp trên một mặt để chế tạo ra các hình công cụ rìa lưỡi dọc, rìa lưỡi ngang… từ thời Đá cũ ở xã Sơn Vi huyện Lâm Thao cách ngày nay hàng vạn năm. Chúng ta cũng đã biết nền văn hóa liền mạch Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun đến văn hóa Đông Sơn rực rỡ và Nhà nước Văn Lang ra đời ở chính Đất Tổ cách đây khoảng thế ký thứ 7  trước Công Nguyên (TCN).
Ngay chân núi Hùng, nơi thờ các Vua Hùng, đã tìm thấy chiếc trống đồng lớn nhất thời kỳ này, có đường kính 0,93m, cao 0,7m. Trống đồng loại cổ vật cổ điển hình văn hóa Đông Sơn, là vật tiêu biểu thời dựng nước. Trên trống đồng có hình con chim mỏ dài, cổ dài, chân dài, cánh ngắn gọi là Chim Lạc
Theo Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, “Trong Hán Ngữ quả có từ “Lạc điểu” (chim Lạc), nhưng tra từ điển “Từ Hải” và “Từ Nguyễn” thì ở đó thích nghĩa (Nguyên văn) là “Lạc điểu thị Dục kỳ dã” (Chim Lạc là chim Dục kỳ vậy), lại tra tiếp chữ “Dục Kỳ” thì thấy cả hình lẫn chữ đều là chim cú!
Văn hóa Việt Nam, không bao giờ có chuyện tôn thờ con vật chuyên “Kêu cho ma ăn cỗ” như thế cả!
Hình ảnh chim lạc được khắc trên trống đồng Đông Sơn
Về lịch sử - văn hóa nguyên thủy cho biết tôn giáo sớm nhất là thời vật tổ (totem). Chủ nghĩa totem tin rằng, “Tất cả các thành viên của một nhóm Thị tộc đều sinh ra từ một số động vật, thực vật, hoặc vật thể hay hiện tượng tự nhiên khác. Người trong Thị tộc đều có quan hệ họ hàng với “totem”, người đẻ ra do totem nhập vào, khi chết lại trở về với totem của mình. Đối với họ, totem là vật tổ - vị thần bảo vệ đặc biệt nên họ tín ngưỡng tôn thờ.
Vào những năm 1968 - 1971 liên tục có 4 cuộc hội thảo quốc gia về thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Về văn hóa tinh thần đã có tín ngưỡng totem khởi thủy từ hậu kỳ Đá Cũ gắn liền với Thị tộc – nhưng tập trung chủ yếu vào Tổ Tiên Chim và Rồng.
Ở Tây Bắc đặc biệt có tư liệu về dân tộc học. Những tộc người quen gọi là Xá, là những tộc người bản địa cổ nhất cho đến nay được biết ở địa phương. Trong các nhóm Xá người Khmu (Xá Cẩu) có tới 20 họ mang tên chim nhưng chim Phượng Hoàng đất là quan trọng nhất. Tộc người Xinh Mul tức Xá Puộc có nhiều họ chim, nhưng cả tộc thờ chim Đe Đe. Người Mạng có 3 trong 5 họ mang tên chim, 1 họ mang tên Hổ, 1 họ mang tên Rắn Đất.
Dân tộc Thái họ gốc là họ Lò mang tên chim Phượng Hoàng đất. Cũng theo tài liệu dân tôc học Tây Bắc cho thấy một khía cạnh khác với totem tín ngưỡng Rồng ở các tộc Xá và Thái có liên quan đến vấn đề nước, và gắn chặt với sản xuất làm ruộng và đi sông. Totem Rồng như là một thần quản mưa nắng, như một thứ ma nước.
Như vậy, ta không thấy totem các dân tộc Tây Bắc có tên con Chim Lạc. Lại theo thư tịch người Mường “Sử thi đẻ đất đẻ nước” trong đó chỉ thấy nói chim trống Tùng và chim mái Tót đẻ ra trứng, trứng ấp nở ra “Nghe thấy tiếng người Lào, Kinh, Mường, Mán, Mèo”… Vậy là các dân tộc Việt Nam trong quá khứ xa xăm cùng nguồn gốc cùng cộng cư để bảo vệ và phát triển. Ta cũng không thấy nói đến chim Lạc.
Tín ngưỡng đặc trưng của dân tộc Việt Nam là Rồng và chim Phượng có rễ sâu mạch dài theo dòng lịch sử văn hóa từ thời Thị tộc cho đến ngày nay. Trên các đình, đền, miếu, phủ còn thấy biểu tượng “Lưỡng long triều nguyệt”, trục biểu có 4 con chim Phượng tọa 4 góc Bắc, Nam, Đông, Tây bảo vệ nơi thờ cúng. Trong tổ chức lễ hôn, người nhân thường treo tranh “Rồng và Phượng” (Phượng Hoàng) và chữ Hỉ, Rồng Phượng như là một vị thần bảo vệ hạnh phúc lứa đôi.
Trong các đồ án mỹ thuật nơi thờ tự cũng như đồ gia dụng (Bàn ghế, giường, tủ) cũng không tìm thấy hình tượng con chim Lạc mà chỉ thấy hình bóng con Rồng cách điệu và con chim khác.
Hình tượng chim lạc được sử dụng nhiều trong các đồ án mỹ thuật hiện đại
Vậy con chim Lạc hư thực ra sao? 
Theo Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, chim lạc nằm trong hệ thống kết quả nghiên cứu của Giáo sư Đào Duy Anh về nguồn gốc dân tộc, “Chim lạc sở dĩ gọi thế là vì liên quan đến “Totem” của người Lạc Việt (Trong khi di cư, thấy loài “Hậu Điểu” này gắn bó nên thờ làm Vị Tổ luôn). Vào thế kỷ thứ 4 - 3 TCN do sức ép của Hán tộc đã có một cuộc di dân lớn từ Phúc Kiến xuống Phương Nam bằng đường biển bay theo thuyền đó là “Hậu Điểu” nay là “Chim Lạc”. “Chim Lạc” và cuộc di cư này được khắc trên trống đồng Đông Sơn. Nhưng niên đại trống đồng này được xác định từ thế kỷ 7 TCN, trước cuộc di cư tới 2 - 3 thế kỷ - tức là nó không phải con chim bay theo thuyền di cư thế kỷ 4 - 3 TCN.
Chim Lạc là âm Hán – Việt gốc từ Trung Hoa đọc là “Lúc” trong tiếng Việt không thứ chim nào gọi là “Lúc” mà chỉ có na ná với âm “Lúa”. Hội thảo quốc gia 1968 - 1971 về thời đại Hùng Vương đã có hội thảo chuyên đề về những hình chim trên trống đồng Đông Sơn. Chuyên gia đồ họa đầu ngành họa sỹ Phan Kế Anh và chuyên gia đầu ngành về ngôn ngữ học lúc bấy giờ, GS. Nguyễn Kim Thảo cùng chúng tôi đã nhất trí: Chẳng cần phải cầu kỳ rắc rối mà dùng thứ từ ngữ xa lạ để gọi những hình chim nói chung và hình con chim mỏ dài, cổ dài, chân dài, cánh ngắn được khắc họa trên đồ đồng Đông Sơn, mà hãy gọi thẳng bằng ngôn ngữ dân tộc phổ thông: “Con Cò”, giữa những con: Sếu, vạc, bồ nông… bình dị, thân thiết, là những con chim nước sống ở các cánh đồng ruộng nước, rất gần quanh các làng chạ và thân thiết với người nông dân trồng lúa nước của nước Việt ta, xưa cũng như nay. 
Theo dòng lịch sử từ Đinh, Lê, Lý, Trần đến thời Nguyễn cũng không tìm thấy hình tượng chim Lạc trong các đồ án thế mà thời nay nó xuất hiện nhan nhản trên nóc đền, trên trụ biểu, cổng… thấy cả trong dịp thi tháp Hùng Vương có tác giả thể hiện 18 chim Lạc ôm lấy bọc trăm trứng thì sai về văn hóa Việt Nam biết chừng nào.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Đài
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa