Cung không đủ cầu, Việt Nam cần đẩy nhanh việc tự sản xuất vaccine COVID-19

Việt Nam cần tự lực gánh sinh, đẩy nhanh việc sản xuất vaccine ngừa COVID-19

Tiêm vaccine phòng COVID-19 an toàn góp phần đẩy lùi đại dịch

Hơn 63.700 người Việt Nam được tiêm vaccine phòng COVID-19

Hải Dương yêu cầu nhiều dịch vụ kinh doanh tiếp tục đóng cửa phòng COVID-19

Nhu cầu Vaccine COVID-19 trên thế giới đang nhiều hơn khả năng cung cấp

Tính cho đến thời điểm này, Việt Nam đã 3 lần được đón nhận vaccine COVID-19. Ngày 24/2/2021, Việt Nam đón lô vaccine đầu tiên với 117.600 liều của hãng AstraZeneca. Lần thứ 2 Việt Nam nhận là vaccine có tên Sputnik V, món quà từ nước Nga, với 1.000 liều (16/3). Kế đó, sáng 1/4, chúng ta đón nhận thêm 811.200 liều vaccine COVID-19 do chương trình cung ứng vắc xin toàn cầu COVAX tài trợ (Việt Nam sẽ có 30 triệu liều vaccine AstraZeneca do COVAX tài trợ và 30 triệu liều ta tự mua).

Dĩ nhiên ngần này vaccine vẫn chưa thể đủ để đưa ra tiêm phòng toàn dân. Mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đều đã có những chỉ đạo đến Bộ Y tế về việc cần nỗ lực tiếp cận nhiều nguồn vaccine hơn nữa để mua nhằm cung ứng đủ cho nhu cầu người dân trong nước.

Việt Nam đã được đón nhận những liều vaccine COVID-19 đầu tiên do COVAX tài trợ  

Dẫu vậy, đây không phải chuyện đơn giản. Trong cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chia sẻ, thế giới đang có hiện tượng vaccine cung cấp không đủ mua, đang ở trong “cuộc đua tranh khốc liệt”. Do đó, Việt Nam phải cố gắng hết sức để có vaccine ngừa COVID-19 sớm nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc mới trong tiếp cận, đàm phán mua các nguồn vaccine, thậm chí“phải chấp nhận rủi ro mới có thể tiếp cận được nguồn vaccine”.

Đại diện của WHO mới đây cũng thừa nhận đang nảy sinh khái niệm “chủ nghĩa dân tộc vaccine”. Cụ thể là: “Nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhiều nước đang đặt lợi ích của mình lên trên những nước khác và điều này đang khiến cuộc khủng hoảng y tế hiện nay do dịch bệnh COVID-19 gây ra trở nên tồi tệ hơn”.

Theo PGS.TS Lê Văn Truyền, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, điều này cũng không quá khó hiểu khi các nhà sản xuất ở vài quốc gia chủ chốt bị đặt dưới lệnh phong tỏa, vận tải hàng không, con đường để chuyển vật tư đi khắp thế giới dần sụp đổ, một số quốc gia quyết định hạn chế xuất khẩu, trưng dụng nguồn vật tư quan trọng vì mục đích quốc gia. Và hậu quả là chủ nghĩa dân tộc trong chuỗi sản xuất và cung ứng vaccine đã khiến đại dịch trầm trọng thêm, là một trong những lý do dẫn tới thất bại toàn diện của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhưng cũng chính từ đây, các quốc gia cũng phải tự tìm cho mình một con đường để giải quyết đại dịch. Việt Nam cũng như thế, chúng ta từ lâu đã bắt tay vào thực hiện ý tưởng và tìm kiếm phương án riêng. Chúng ta hiện đã và đang đưa vào thử nghiệm hai loại vaccine ngừa COVID-19 là Covivac và Nano Covax.

Đẩy nhanh việc tự sản xuất vaccine ngừa COVID-19
Vaccine Nano Covax đã bước sang giai đoạn thử nghiệm thứ 2 (3 giai đoạn) và những thử nghiệm đều cho kết quả tích cực, an toàn với người được tiêm, kháng thể tăng cao, khả năng trung hòa virus tốt. Vaccine Covivac cũng đã được đưa vào tiêm thử nghiệm và các tình nguyện viên đã chuyển sang tiêm mũi thứ 2 mà không gặp phải những phản ứng phụ đáng kể nào.

Về tình hình sản xuất vaccine trong nước, Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viên Quân y, Bộ Quốc phòng cho biết, ngày 15/4 tới sẽ kết thúc việc lấy mẫu máu người tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 của vaccnien Nano Covax tại 2 điểm nghiên cứu: Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng); Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh (cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

Dự kiến đầu tháng 5/2021, Học viện Quân y sẽ báo cáo Bộ Y tế và Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia xem xét, đánh giá các cơ sở khoa học của giai đoạn 2, cho phép xây dựng một liều tiêm; sau đó chuẩn bị song song vừa hoàn thiện giai đoạn 2, vừa tiêm giai đoạn 3.

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị tiếp tục đẩy nhanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị (không kể đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân) thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 và chuẩn bị phương án đầu tư, sản xuất nếu thử nghiệm thành công.

Dĩ nhiên việc đầu tiên sẽ là cung ứng đủ cho nhu cầu vaccine của người dân trong nước rồi mới đến tìm cách xuất khẩu ra nước ngoài. Với những kết quả thử nghiệm thu về rất tích cực như hiện nay, việc 2 loại vaccine của Việt Nam được đưa vào sản xuất kỳ vọng sẽ chỉ là chuyện sớm hay muộn.

Thế giới đang đứng trước những làn sóng COVID-19 mới và đòi hỏi cần tập trung phòng, chống cũng như có được những phương án mới tích cực hơn. Vaccine ngừa COVID-19 chắc chắn là sự lựa chọn tốt nhất lúc này.

Phương Lâm H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn