Vụ nước mắt nhân tạo nhiễm khuẩn ở Mỹ: Thêm 2 ca tử vong

Sản phẩm nước mắt nhân tạo bị thu hồi do nghi ngờ nhiễm khuẩn

FDA liên tục cảnh báo, thu hồi sản phẩm nhỏ mắt

Loại thuốc nhỏ mắt giúp kiểm soát cận thị tiến triển ở trẻ em

Thu hồi toàn quốc lô Dung dịch nhỏ mắt Tobradico vi phạm chất lượng

Đột phá: Thuốc nhỏ mắt mới hứa hẹn điều trị được bệnh khô mắt

Tính từ đầu năm, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) đã phát hiện 68 người tới từ 16 bang bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc Pseudomonas aeruginosa. 8 người trong số họ đã bị mất thị lực một hoặc cả hai mắt. 4 trường hợp đã phải phẫu thuật loại bỏ nhãn cầu, theo nguồn tin của chuyên trang Insider.

Với 2 ca tử vong mới ghi nhận, tổng cộng đã có 3 trường hợp qua đời liên quan đến sản phẩm nước mắt nhân tạo EzriCare. CDC đã cảnh báo người tiêu dùng về sản phẩm do nhà sản xuất Global Pharma của Ấn Độ phân phối. Công ty cũng đã thu hồi sản phẩm trên khỏi thị trường.

Sản phẩm nước mắt nhân tạo và thuốc nhỏ mắt do Global Pharma sản xuất nghi nhiễm một dạng trực khuẩn mủ xanh kháng kháng sinh. Trực khuẩn mủ xanh kháng nhiều loại kháng sinh và đã gây ra khoảng 32.600 ca nhiễm trùng phải nhập viện tại Mỹ, ước tính khoảng 2.700 ca tử vong. Tuy nhiên, chủng có liên quan đến đợt bùng phát này chưa từng được ghi nhận ở Mỹ trước đây.

Pseudomonas aeruginosa có thể gây nhiễm trùng máu, phổi và ảnh hưởng tới các vết thương trên cơ thể. Theo CDC, trực khuẩn này thường lây lan ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe do vệ sinh không đúng cách, tay không sạch hoặc thiết bị, bề mặt y tế không được lau chùi cẩn thận. Đối tượng có nguy cơ nhiễm Pseudomonas aeruginosa cao nhất là bệnh nhân dùng ống thông đường tiểu, người có vết thương phẫu thuật hoặc vết bỏng.

Người đàn ông bị tổn thương nặng ở mắt trái do nhiễm khuẩn Pseudomonas sau khi sử dụng EzriCare - Ảnh: CNN

Người đàn ông bị tổn thương nặng ở mắt trái do nhiễm khuẩn Pseudomonas sau khi sử dụng EzriCare - Ảnh: CNN

Theo CNN, tạp chí nhãn khoa JAMA Ophthalmology ghi nhận trường hợp một người đàn ông 72 tuổi bị viêm loét giác mạc do vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa. Người này sử dụng nước mắt nhân tạo EzriCare nhằm cải thiện tình trạng khô mắt. Sau 2 tháng điều trị nhiễm khuẩn, thị lực của ông chỉ còn 20/400 (tương đương 0,5/10, tức chỉ nhìn được trong khoảng cách bằng 20 feet trong khi người bình thường có thể nhìn xa 400 feet).

Từ trường hợp này, BS Marissa Shoji - Viện Mắt Bascom Palmer (Mỹ) cho hay, tình trạng viêm loét giác mạc do nhiễm khuẩn để lại hậu quả lâu dài với thị lực của người mắc. Ca bệnh trên có thể cần cấy ghép giác mạc để có tiên lượng tốt hơn.

Các chuyên gia về mắt khuyến cáo, người tiêu dùng nên giữ bình tĩnh và không hoang mang. Để sử dụng thuốc nhỏ mắt an toàn, nên chọn sản phẩm dùng một lần, kiểm tra hạn sử dụng đều đặn. Không để miệng của lọ thuốc chạm vào bàn tay, da hay mắt; Không dùng chung thuốc nhỏ mắt với người khác.

Một số dấu hiệu nhiễm trùng mắt cần được thăm khám hay gồm: Đau mắt, nhìn mờ, mắt chảy dịch. Khi tới bệnh viện, bạn nên mang theo thuốc nhỏ mắt, kính áp tròng… để các bác sỹ có thể xác định nguyên nhân gây bệnh.

 
Quỳnh Trang
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn