WHO cảnh báo đại dịch mới nguy hiểm gấp 20 lần COVID-19

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: AFP.

WHO: Gần 10.000 người tử vong vì COVID-19 trong tháng trước

Thông điệp cuối năm: WHO kêu gọi hiệp định đại dịch vào năm 2024

WHO cảnh báo mối đe dọa toàn cầu của bệnh sốt xuất huyết

WHO: Cô đơn là mối đe dọa cấp bách đối với sức khỏe toàn cầu

Theo Fox News, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos tuần qua, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus cho biết, ông hy vọng các nước sẽ đạt được thỏa thuận về đại dịch trước tháng 5 tới để đối phó với "kẻ thù chung" này.

Bệnh X là một loại dịch bệnh giả định, được WHO thêm vào danh sách nghiên cứu từ năm 2017. Nó xuất hiện từ một loại virus chưa biết, có thể nguy hiểm gấp 20 lần COVID-19 và gây ra đại dịch quốc tế nghiêm trọng.

Tổng giám đốc WHO cho rằng COVID-19 là bệnh X đầu tiên nhưng điều quan trọng là phải chuẩn bị cho một đại dịch khác. “Có những điều chưa biết có thể xảy ra và bất cứ điều gì xảy ra chỉ là vấn đề khi nào”, ông dự báo.

Theo ông Tedros, thế giới đã có nhiều người tử vong vì COVID-19 do từng không thể kiểm soát dịch bệnh. Theo trang Worldometer, thế giới đã ghi nhận hơn 702 triệu người mắc COVID-19 và 6,97 triệu người tử vong vì căn bệnh này.

"Chúng ta đã mất nhiều người trong đại dịch COVID-19 vì chúng ta không thể kiểm soát nó. Nhiều người có lẽ đã có cơ hội sống, nhưng bệnh viện không đủ chỗ và không có đủ ôxy. Vậy làm sao để có được một hệ thống có thể đáp ứng nhu cầu mở rộng khi cần?", lãnh đạo WHO nhấn mạnh.

Theo Tổng giám đốc WHO, chung tay hành động thông qua hiệp ước sẽ giúp thế giới ứng phó tốt hơn với một đại dịch khác.

Thế giới cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai - Ảnh: Getty Images

Thế giới cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai - Ảnh: Getty Images

"Thỏa thuận về đại dịch có thể gộp tất cả kinh nghiệm, tất cả thách thức mà chúng ta phải đối mặt và tất cả các giải pháp thành một. Thỏa thuận đó có thể giúp chúng ta chuẩn bị cho tương lai một cách tốt hơn. Đây là lợi ích chung toàn cầu và lợi ích quốc gia rất hạn hẹp không nên xen vào", ông Ghebreyesus nói.

Theo WHO, các hội đồng và chuyên gia độc lập đang nỗ lực tìm cách ứng phó tập thể và thời hạn để ký hiệp ước là tháng 5. Việc chuẩn bị có thể bao gồm hệ thống cảnh báo sớm, tổ chức chuỗi cung ứng và thúc đẩy nghiên cứu, phát triển để thử nghiệm thuốc.

Ngoài ra, chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng cần phải được xem xét vì các nước giàu từng ứng phó không tốt trong đại dịch COVID-19, khi phải vất vả đối phó những vấn đề cơ bản như truy vết tiếp xúc.

"Tốt hơn hết là nên lường trước điều gì đó có thể xảy ra vì nó đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử và chúng ta cần chuẩn bị cho điều đó. Không nên đối mặt với những điều không được chuẩn bị trước, chúng ta cũng có thể chuẩn bị cho một số điều chưa biết.", ông Ghebreyesus cho biết.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Fox News)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn