WHO kêu gọi 1,5 tỷ USD để ứng phó khủng hoảng y tế toàn cầu

Một em bé suy dinh dưỡng đang được điều trị y tế ở Haiti

DS. Nguyễn Xuân Hoàng: Chữa lành & Chủ động phòng ngừa trước biến đổi khí hậu

Giới trẻ và nỗi lo biến đổi khí hậu

Đảm bảo thường trực 4 cấp trong cấp cứu, khám chữa bệnh dịp Tết Nguyên Đán

Khám, chữa bệnh ở cấp nào được hưởng 100% bảo hiểm y tế?

Thế giới đang đối mặt với một chuỗi khủng hoảng chưa từng có, khiến 305 triệu người cần được hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp. Trước tình hình này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát động “Lời kêu gọi khẩn cấp về y tế” năm 2025 nhằm huy động 1,5 tỷ USD để triển khai các hoạt động hỗ trợ y tế trên toàn cầu.

Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã công bố lời kêu gọi này nhằm nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động nhanh chóng để giải quyết 42 cuộc khủng hoảng y tế hiện tại, trong đó có 17 trường hợp cần phản ứng ngay lập tức và phối hợp chặt chẽ để tối ưu hóa hỗ trợ.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus

Khủng hoảng y tế gia tăng trên toàn cầu

Theo ông Tedros, thế giới đang chứng kiến những cuộc khủng hoảng không còn là các sự kiện đơn lẻ mà trở nên liên tục và ngày càng nghiêm trọng: từ xung đột, dịch bệnh đến thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu. Ông nhấn mạnh: “Lời kêu gọi này không chỉ đơn thuần là huy động nguồn lực, mà còn nhằm cứu sống con người, bảo vệ quyền được chăm sóc sức khỏe và mang lại hy vọng tại những nơi tưởng chừng không còn gì để hy vọng.”

Thực tế, năm 2024 đã ghi nhận 1.515 vụ tấn công nhằm vào các cơ sở y tế ở 15 quốc gia, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, của cải và làm gián đoạn các dịch vụ thiết yếu.

Nỗ lực cứu trợ tại các khu vực dễ bị tổn thương

WHO đang triển khai các hoạt động cứu trợ tại những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất như Cộng hòa Dân chủ Congo, Lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, Sudan và Ukraine. Các hoạt động bao gồm:

-  Chăm sóc y tế khẩn cấp, đảm bảo điều trị cho cộng đồng bị ảnh hưởng bởi xung đột và thiên tai.

-  Tiêm chủng phòng dịch, với các chiến dịch nhằm ngăn ngừa bệnh bại liệt và sởi.

-  Hỗ trợ sức khỏe tâm thần, điều trị các chấn thương tâm lý cho những cộng đồng bị ảnh hưởng.

-  Cải thiện dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai, đặc biệt ở những khu vực suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

Tại Ukraine, WHO đã triển khai các phòng khám module (phòng khám có thể lắp ráp, di chuyển và sử dụng linh hoạt) thay thế cho các cơ sở y tế bị phá hủy, đảm bảo người dân di dời vẫn được chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, hơn một triệu liều vaccine bại liệt đã được phân phối thành công tại Gaza trong năm 2024, bất chấp các thách thức về an ninh, ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở trẻ em.

Xây dựng khả năng chống chịu dài hạn

Không chỉ tập trung vào các hoạt động cứu trợ tức thời, WHO còn hướng tới xây dựng khả năng chống chịu và phát triển bền vững trong cộng đồng. “Chúng tôi không chỉ giải quyết hậu quả mà còn xử lý các nguyên nhân gốc rễ, đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận dịch vụ y tế, dù họ sống trong hoàn cảnh nào,” ông Tedros cho biết.

WHO đặt mục tiêu tạo ra sự bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe, phá vỡ vòng luẩn quẩn của tình trạng dễ bị tổn thương và xây dựng nền tảng sẵn sàng ứng phó với các khủng hoảng tương lai.

Lời kêu gọi đoàn kết toàn cầu

Tuy nhiên, các nguồn tài trợ hiện tại chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu đã xác định trong năm 2024. Điều này buộc WHO phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về việc phân bổ nguồn lực, khiến nhiều khu vực dễ tổn thương tiếp tục đối mặt với nguy cơ.

Ông Tedros cảnh báo: “Nếu không có sự hỗ trợ tài chính ngay lập tức, hàng triệu người sẽ tiếp tục chịu rủi ro và các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.”

Khoản tài trợ này không chỉ giải quyết khủng hoảng hiện tại mà còn là một khoản đầu tư cho tương lai của sức khỏe toàn cầu. Với nguồn lực được huy động, WHO cam kết tiếp tục thực hiện các hoạt động quan trọng tại tuyến đầu, từ cung cấp chăm sóc y tế trong các vùng xung đột đến xử lý các hậu quả của biến đổi khí hậu, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

 
Đào Dung (Theo WHO)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin