Nỗi lo bủa vây giới trẻ từ biến đổi khí hậu
Làm thế nào để bảo vệ bản thân khỏi khói bụi từ cháy rừng?
Hội nghị về Biến đổi khí hậu, Sức khỏe và Hệ thống y tế xanh Châu Á -Thái Bình Dương 2024
Bão YAGI và bài học về biến đổi khí hậu
"Siêu bão thế kỷ" Milton: Thực tế đáng sợ từ biến đổi khí hậu
Giới trẻ đối mặt với nỗi lo từ biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề môi trường mà còn trở thành áp lực tâm lý lớn đối với thanh thiếu niên. Abby Rafeek, 14 tuổi, sống tại Gardena, California (Mỹ) cho rằng, những nỗ lực hiện tại chưa đủ để ngăn chặn thảm họa khí hậu.
Abby đặc biệt lo ngại về cháy rừng, vấn đề thường xuyên xảy ra gần nơi cô sinh sống. “Không chỉ phá hủy môi trường, cháy rừng còn làm ô nhiễm không khí, điều đó khiến em càng thêm lo lắng về tương lai,” Abby nói.
Nhưng nỗi bất an này không chỉ riêng Abby cảm nhận được…
Một khảo sát tại Bệnh viện Nhi đồng Orange County (Mỹ) do bác sĩ Rammy Assaf thực hiện, đã thu thập ý kiến của hơn 800 trẻ từ 12-17 tuổi. Kết quả cho thấy, lo âu về biến đổi khí hậu là một vấn đề nghiêm trọng. Nhiều trẻ bày tỏ cảm giác “bất lực” và “vô vọng” khi nghĩ đến tương lai.
Theo thống kê của Harris Poll năm 2022, 89% thanh thiếu niên Mỹ thường xuyên suy nghĩ về vấn đề môi trường, trong đó phần lớn cảm thấy lo lắng hơn là hy vọng. Ngoài ra, 69% lo ngại rằng họ và gia đình sẽ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu trong tương lai gần; 82% cho rằng các quyết định lớn như nơi sinh sống hay việc có con sẽ bị chi phối bởi tình trạng môi trường.
Trên quy mô toàn cầu, khảo sát năm 2021 với 10.000 người từ 16-25 tuổi cho thấy 59% cảm thấy rất hoặc cực kỳ lo lắng về biến đổi khí hậu và 84% có ít nhất mức độ lo lắng trung bình.
Chuyên gia tâm lý tại Đại học Wooster, Susan Clayton, nhận định rằng, giới trẻ dễ chịu ảnh hưởng tâm lý hơn người ở độ tuổi trung niên hay người già, bởi họ lớn lên với nhận thức rõ ràng về tác động của biến đổi khí hậu. “Cảm giác bất an của họ còn trở nên nghiêm trọng hơn khi nhận ra rằng cơ quan chức năng không hành động đủ quyết liệt để giải quyết vấn đề này,” bà cho biết.
Tìm giải pháp giảm áp lực cho giới trẻ
Trước thực trạng này, các chuyên gia khuyến nghị, phụ huynh nên bắt đầu bằng việc lắng nghe con cái một cách chân thành. “Hãy để trẻ cảm thấy rằng chúng được lắng nghe và an toàn khi bày tỏ cảm xúc,” giáo sư Louise Chawla từ Đại học Colorado-Boulder (Mỹ) chia sẻ. Việc lắng nghe không chỉ giúp giảm áp lực tâm lý mà còn tạo cơ hội để cha mẹ hiểu rõ hơn những lo lắng của con mình.
Ngoài ra, việc khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường như tái chế, dọn dẹp rác thải hoặc tham gia các nhóm vì môi trường có thể giúp trẻ giảm cảm giác bất lực. Những hoạt động này không chỉ mang lại cảm giác tích cực mà còn giúp trẻ nhận ra sức mạnh của hành động cộng đồng.
Giáo sư Vickie Mays tại Đại học California (Mỹ) nhấn mạnh rằng, không nên coi mọi lo lắng là vấn đề tâm lý. Thay vào đó, hãy biến những nỗi lo về biến đổi khí hậu thành động lực để trẻ tìm kiếm tri thức, tham gia vận động hoặc sáng tạo ra các giải pháp mới. “Thử thách hay căng thẳng không phải lúc nào cũng tiêu cực. Đôi khi, chúng là chất xúc tác để thay đổi thực tế,” bà nói.
Biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề môi trường mà còn đặt ra thách thức lớn cho sức khỏe tâm lý giới trẻ. Để giảm bớt áp lực, phụ huynh, nhà trường và xã hội cần chung tay tạo nên những cơ hội để thanh thiếu niên hành động, đồng thời giúp họ nhận ra rằng họ không đơn độc trong cuộc chiến còn nhiều cam go này.
Bình luận của bạn