“Y đức là những bài học về tình yêu thương từ cuộc sống”

Con đường nào cho y đức?

Y đức: Xin hãy đánh giá đúng về chúng tôi

Bộ Y tế: Đường dây nóng luôn "nóng" vì y đức

Năm 2014: Nâng cao y đức, giáo dục nghề nghiệp

Là người đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển của đất nước nên khi bày tỏ về vấn đề y đức đang giảm sút so với giai đoạn trước, GS.TS Phạm Gia Khải cho rằng, đây cũng là quy luật vì thời kỳ hậu chiến, bao cấp rồi đến kinh tế thị trường, kinh tế có sự phát triển mạnh mẽ và thái độ sống của con người cũng thay đổi. Và khi chuyển từ trạng thái tâm lý này sang trạng thái khác thì đã bị làm quá lên. “Tôi không hoang mang trước vấn đề đạo đức mà biết nó bắt nguồn từ đâu trong đó có y đức. Tôi không mất hy vọng vào đạo đức mà biết rằng chúng ta đang thay đổi, cần thay đổi tư duy cho phù hợp thôi”.


Vấn đề đạo đức, y đức phải phù hợp với sự phát triển của kinh tế, xã hội

GS.TS Khải dẫn chứng, cách nghĩ của xã hội từ thời ông học đến nay cũng khác và những tiêu chí về đạo đức cũng thay đổi. Thời bao cấp, mọi người ít nghĩ đến cá nhân nhưng khi vào kinh tế thị trường, đất nước thay đổi thì cách nghĩ của người dân khác trước, họ nghĩ về cá nhân nhiều hơn. Thời đại trước không đặt vấn đề phong bì. Có bệnh nhân được cứu chữa đã cho bác sỹ nải chuối, con gà nhưng vẫn quý vì không có sự ép buộc ai cả mà là tình cảm đơn thuần.

“Hay như tình cảm giữa con người với nhau cũng đã thay đổi. Trong chiến tranh chống Mỹ, gia đình tôi được bệnh nhân cũ mời đến tá túc, tránh bom; hoặc năm 1972 khi Mỹ đánh bom ở Bệnh viện Bạch Mai, tôi đã được một sinh viên nhảy lên che cho mình khi quả bom rơi xuống. Lúc đó tình yêu thương con người rất vô tư, không tính toán gì. Khi bước vào kinh tế thị trường thì mặt tốt là mọi người đều phấn đấu để nhà cửa đàng hoàng hơn, kinh tế khá giả hơn, có xe máy, ôtô để đi, nhưng vấn đề tình cảm lại có nhiều thay đổi vì ai cũng cố gắng kiếm tiền, đặt quá nặng đồng tiền.

GS.TS Khải cho rằng, “liều thuốc” để chữa cho vấn đề đạo đức hay y đức hiện nay chính là cần có cách để làm cho đạo đức, tư tưởng phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Song song với sự phát triển kinh tế thì phải phát triển đạo đức. Tất nhiên không thể mang cái cũ của thế kỷ trước để áp dụng cho những giá trị đạo đức ở giai đoạn hiện nay.

“Tôi nghĩ rằng giáo dục y đức phải là những biện pháp cụ thể, để hàng ngày hàng giờ thấm vào máu chứ không thích những bài học riêng về y đức. Y đức thể hiện ở từng động tác, ví dụ như bệnh nhân che khăn lên mặt nằm, mình muốn kiểm tra xem họ ngủ chưa thì không nên kéo khăn ra tránh làm mất giấc ngủ của họ mà đi đến gần xem họ thở như thế nào; hoặc khi quay người cho bệnh nhân cũng cần có cách phù hợp để họ bớt đi sự đau đớn. Một bác sỹ không ngừng học hỏi cũng là y đức… Nhưng hiện nay, chúng ta dạy chưa tốt những kỹ năng chăm sóc người bệnh”.

GS.TS Khải cho rằng, để giải quyết được gốc rễ sâu xa của y đức, cần chú trọng chọn người vào ngành. Đồng ý rằng đầu vào điểm thi rất cao, nhưng làm sao để giáo dục cho học trò có đạo đức chứ coi nghề y chỉ để kiếm sống, quá coi trọng việc kiếm tiền là không nên. Thực tế hiện nay đào tạo hàng loạt theo kiểu “công nghiệp” thì khó tránh khỏi. Nhưng “chất lượng là quan trọng, số lượng cũng cần thiết nhưng không quan trọng bằng”.


Giải quyết vấn đề y đức nên bắt đàu từ việc chọn người vào ngành y

“Tôi thấy những cháu thi vào trường Y rất giỏi. Đấy là đầu vào nhưng quá trình rèn luyện, sinh viên có nghiêm khắc như đầu vào không? Xin nói là còn nhiều khiếm khuyết: Không có bệnh nhân, sinh viên không được khám, không được quan sát kỹ, thầy giảng vội xong đi làm việc của mình. Sinh viên không hiểu nhưng khi ra trường vẫn đỗ hàng loạt. Trong ứng xử không biết tâm lý người đối diện, cách xưng hô chưa đúng. Tôi thấy giao tiếp xã hội quan trọng không kém chuyên môn. Chương trình giáo dục đang có vấn đề, để thay đổi được thì lãnh đạo phải có tầm nhìn cao. Lãnh đạo không nhất thiết phải có bằng cấp cao. Vì thế, việc chọn người lãnh đạo rất quan trọng. Nói về điều này là quá sức của tôi nhưng tôi thấy có “vấn đề” trong đào tạo…".

Chia sẻ thêm về việc nhận phong bì, GS.TS Khải khẳng định chưa bao giờ “vòi vĩnh” người bệnh. "Không phải tôi quá giàu có, tôi cũng cần tiền chứ nhưng tôi kiếm tiền bằng cách đi làm thêm ngoài giờ. Cách đây khoảng 5 năm, có người nhà bệnh nhân đang phải bóp bóng, hấp hối nhưng vẫn đến đưa tôi một chiếc phong bì nói rằng cảm ơn các bác sỹ. Trong hoàn cảnh đó, tôi không từ chối thẳng thừng mà nhận rồi lại gửi bác về mua quà cho cháu, cũng là để họ không cảm thấy tủi thân vì trông dáng vẻ của họ quá nghèo khổ. Để có được số tiền ấy, chắc hẳn họ phải bán đi vài tạ thóc nên mình không thể cầm của họ nhưng cũng không thể từ chối phắt đi vì sẽ làm họ tổn thương.

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý