Y tế tuần: Bộ Y tế có Thứ trưởng mới, cứu sống bệnh nhi bị chảy máu não

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao quyết định, tặng hoa và chúc mừng đồng chí Lê Đức Luận - Ảnh: Bộ Y tế

PTT Trần Hồng Hà: Y tế là lĩnh vực đặc biệt nên cơ chế, chính sách phải đặc biệt

Bộ Y tế gia hạn gần 8.800 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế

Bộ Y tế chính thức đón tân Thứ trưởng

Bổ nhiệm Vụ trưởng Kiểm toán Nhà nước giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế

Bộ Y tế có thêm Thứ trưởng mới

Chiều 7/2, Bộ Y tế tổ chức công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều động, bổ nhiệm ông Lê Đức Luận giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận 55 tuổi, quê Yên Bái, trình độ tiến sỹ. Ông làm Vụ trưởng Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán từ tháng 1/2022.

Như vậy, Bộ Y tế hiện có 4 thứ trưởng là bà Nguyễn Thị Liên Hương và các ông Trần Văn Thuấn, Đỗ Xuân Tuyên và Lê Đức Luận.

Khai mạc Lễ hội Xuân hồng 2023

Tình nguyện viên tham gia hiến máu tại Lễ hội Xuân Hồng - Ảnh: PGĐS

Tình nguyện viên tham gia hiến máu tại Lễ hội Xuân Hồng - Ảnh: PGĐS

Ngày 6/2, Lễ hội Xuân Hồng 2023, sự kiện hiến máu lớn nhất mỗi dịp đầu Xuân được khai mạc tại Hà Nội. Sự kiện kéo dài từ nay đến hết 12/2.

Với thông điệp "Hiến Máu đầu Xuân - Nhân lên hạnh phúc", chương trình hy vọng sẽ tiếp nhận 6.000 đơn vị máu.

Người dân có thể đến hiến máu tại Viện huyết học, 5 điểm hiến máu cố định (25 Lương Ngọc Quyến, 132 Quan Hoa, 78 Nguyễn Trường Tộ, số 10 - ngõ 122 đường Láng, bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp) và tại UBND thị trấn Trâu Quỳ.

Bộ Y tế gia hạn gần 8.880 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có quyết định gia hạn gần 8.880 thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế. Theo đó, số thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế này được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Đây là đợt gia hạn đầu tiên của năm 2023 theo Nghị quyết số 80 của Quốc hội.

Các thuốc, nguyên liệu làm thuốc được công bố gia hạn đợt này có cả thuốc điều trị bệnh lý thông thường đến điều trị bệnh lý chuyên khoa đặc trị như tim mạch, tiêu hoá, đái tháo đường, cơ xương khớp, hô hấp, nhiễm khuẩn, ung thư...

Bé 4 tháng tuổi bị xuất huyết não nghi do bị chuyền tay nhau bế và rung lắc

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vừa tiếp nhận 1 trường hợp bệnh nhi 4 tháng tuổi, trú tại TP. Nha Trang trong tình trạng hôn mê, thở nấc, tím môi. Được biết, trước đó 2 ngày, bệnh nhi được mẹ đưa đi chơi, sau đó chuyền tay qua nhiều người bằng bế xốc nách và rung lắc. Ngày hôm sau, bệnh nhi có triệu chứng li bì, bú kém, không sốt, sau đó li bì nhiều hơn, kèm theo có thở nấc nên được gia đình đưa vào viện. Qua kiểm tra, các bác sỹ chẩn đoán, bệnh nhi bị xuất huyết não nghi do hội chứng rung lắc. Đến nay, bệnh nhi tỉnh táo, bú tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định hoàn toàn, dự kiến ra viện trong vài ngày tới.

Hội chứng rung lắc thường do việc tung cao trẻ, bế trẻ đưa lên đưa xuống nhanh  - Ảnh minh họa

Hội chứng rung lắc thường do việc tung cao trẻ, bế trẻ đưa lên đưa xuống nhanh - Ảnh minh họa

Theo bác sỹ Nguyễn Ngọc Huy, Trưởng khoa Nhi, hội chứng rung lắc là dạng chấn thương đầu và não nghiêm trọng thường xảy ra ở trẻ dưới hai tuổi. Nguyên nhân là do bị rung lắc mạnh từ việc đưa võng, lắc nôi ru ngủ, hoặc những động tác làm thay đổi tư thế đột ngột như trẻ đang nằm được bế thốc dậy, tung lên cao. Mức độ rung lắc này tương tự người lớn bị chấn thương sọ não do tai nạn xe.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị hội chứng rung lắc như rối loạn tri giác ở nhiều mức độ, lừ đừ, hôn mê, co giật, nôn, bú kém hoặc bỏ bú, nhịp thở chậm và bất thường... Các tổn thương não có thể để lại nhiều di chứng thần kinh lâu dài cho trẻ như chậm phát triển tinh thần, mất khả năng nói năng lưu loát, giảm khả năng học tập. Nặng hơn thì có thể gây xuất huyết võng mạc mắt, giảm thị lực hoặc mù, liệt thần kinh, thậm chí tử vong.

Bác sỹ khuyến cáo khi trẻ xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ, phụ huynh cần gọi xe cấp cứu đến bệnh viện, không nên vận chuyển bằng các phương tiện thông thường. Không bế xốc hay cố gắng lắc làm trẻ tỉnh lại, hoặc không cho ăn hay bú. Nếu trẻ ngừng thở trước khi có cấp cứu hỗ trợ, cần hô hấp nhân tạo.

Bé trai chấn thương nặng do chó cắn

Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ tiếp nhận bé trai 3 tuổi bị chó nhà hàng xóm tấn công, gây thương tích nặng nề vùng mặt. Trẻ nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, nhiều vết chó cắn trên mặt, vết thương nghiêm trọng nhất là ở góc trong mắt bên trái. Ekip bác sỹ đã phẫu thuật khâu phục hồi đa vết thương, tư vấn tiêm phòng uốn ván, huyết thanh phòng dại, dùng kháng sinh dự phòng nhiễm trùng cho bé.

Các bác sỹ khuyến cáo phụ huynh nên hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với chó nuôi, chó lạ. Khi bị chó hay động vật tấn công, người dân cần chủ động tiêm phòng để bảo vệ tính mạng. ThS.BS Cao Việt Hưng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ cho biết, vaccine phòng dại thế hệ mới là vaccine vô bào, hoàn toàn không có bất kỳ tác dụng có hại nào ảnh hưởng đến trí não, hệ thần kinh của người được tiêm phòng.

 
Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội