Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp tháo gỡ những vấn đề nóng nhất, vướng nhất của ngành y tế - Ảnh: MOH.
Bộ Y tế gia hạn gần 8.800 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế
Thủ tướng: Bộ Y tế không được để thiếu thuốc, thiết bị y tế
Bộ Y tế giải "bài toán" thiếu thuốc, đảm bảo nguồn nhân lực y tế
Phát triển công nghiệp dược, bảo đảm có đủ thuốc, việc khó cũng phải làm được
Tại cuộc họp tháo gỡ những vấn đề nóng nhất, vướng nhất của ngành y tế hiện nay, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trực tiếp lắng nghe, trao đổi với đại diện một số bệnh viện, Sở Y tế địa phương, các bộ ngành về giải pháp đang thực hiện và những kiến nghị cụ thể trong công tác quản lý, mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; tự chủ bệnh viện; cơ chế tài chính để bảo đảm công tác khám, chữa bệnh…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những vấn đề đặt ra tại cuộc họp là rất cấp thiết, liên quan đến sức khoẻ, tính mạng của người dân, “cả vi mô, trước mắt lẫn vĩ mô, dài hạn”.
Phó Thủ tướng ghi nhận, biểu dương đội ngũ cán bộ y tế, y bác sỹ đã nỗ lực, cống hiến, hy sinh hết sức mình trên tuyến đầu chống dịch COVID-19 để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người dân; đồng thời, chia sẻ những khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực, nặng nề của đại dịch đối với ngành y tế về nguồn lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất…
“Nhiều cơ chế, chính sách trước đây đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế, tồn tại sau khi “cơn bão” COVID-19 đi qua. Đơn cử, mô hình tự chủ bệnh viện đang là điểm sáng cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không còn phù hợp. Công tác đầu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, xã hội hoá trong cơ sở y tế công lập… nảy sinh những vấn đề không lường trước được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, ngành y tế cần phải rà soát cụ thể từng điều, khoản, thông tư, nghị định, luật cần sửa đổi, bổ sung về tự chủ, xã hội hoá, mua sắm, đấu thầu…; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nhằm xây dựng được những chính sách cốt lõi, năng động, có tính chất đặc thù, riêng biệt để ngành y tế thực hiện tốt những nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong giai đoạn khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ; tạo sự gắn kết giữa y tế công lập với y tế tư nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ…
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tập hợp ý kiến của các địa phương, cơ sở y tế nhằm đưa hết các vấn đề vướng mắc vào những nghị định, thông tư đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung; nghiên cứu, đề xuất phương án "một luật sửa nhiều luật" hoặc "một nghị định sửa nhiều nghị định" đối với những vấn đề cấp bách, cần tháo gỡ ngay thay vì "ngồi chờ sửa toàn diện"; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đang chủ trì xây dựng những luật có liên quan đến lĩnh vực y tế, đồng thời, sớm đề xuất, chủ động xây dựng nghị định, văn bản hướng dẫn thực hiện luật phù hợp với chuyên môn, đặc thù của ngành y tế.
Về tự chủ bệnh viện công lập, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tổng kết, đánh giá toàn diện các mô hình đã có, cả thành công, hiệu quả cũng như bài học kinh nghiệm rút ra, làm cơ sở để tiếp tục triển khai chủ trương này cùng với thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và các chính sách khuyến khích xã hội hoá y tế, hợp tác công-tư…
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng cho ý kiến về hướng tháo gỡ khó khăn cho dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức một cách “khả thi, linh hoạt” chứ không chỉ “làm theo đúng quy trình, hết trách nhiệm”; xây dựng tiêu chí chặt chẽ, cải cách thủ tục để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…
Phó Thủ tướng nêu rõ, những vấn đề của ngành y tế rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Y tế là lĩnh vực đặc biệt nên cơ chế, chính sách phải đặc biệt. Các bộ, ngành phải vào cuộc cùng Bộ Y tế khắc phục khó khăn, vướng mắc, trong đó có những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, nhân viên y tế, bảo đảm thực hiện tốt nhất công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân.
Cần cơ chế đặc thù về dự trữ thuốc hiếm
Cũng tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với lãnh đạo Bộ Y tế và một số địa phương, bệnh viện lớn, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thời gian qua, việc cấp phép đăng ký, cấp phép nhập khẩu, kinh doanh dược gặp khó khăn do trình tự, thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được quy định "cứng" trong Luật Dược, trong khi đó, quy định về quản lý dược của nhiều nước đã có nhiều sự thay đổi, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19. Số lượng hồ sơ yêu cầu gia hạn ngày càng tăng. Nhân lực quản lý, thực hiện việc gia hạn đăng ký lưu hành tại Bộ Y tế còn thiếu.
Theo Thứ trưởng, Bộ Y tế cũng đã kịp thời hỗ trợ các cơ sở y tế có vướng mắc liên quan đến thiếu thuốc; đẩy nhanh tốc độ cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc thông qua việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt với quy định về hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc; tổ chức các đơn vị thẩm định độc lập tại các trường đại học y, dược; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Dược; cho phép xây dựng để ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết cho điều trị các bệnh hiếm gặp để kịp thời phục vụ công tác mua sắm, điều trị của các cơ sở y tế; cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước triển khai sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.
Đối với công tác quản lý, mua sắm thuốc, Bộ Y tế đã công bố danh mục 10.484 thuốc hết hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đã cấp đến hết ngày 31/12/2022; thực hiện cấp, gia hạn cho 2.875 thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Hiện đang có xấp xỉ 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành đang còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất các loại, cơ bản đảm bảo được nguồn cung thuốc.
Bình luận của bạn