Chính thức thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia phòng sốt xuất huyết ở Nha Trang

Lần đầu tiên triển khai thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia phòng bệnh SXH trên đất liền

Bộ Y tế cho phép thả muỗi mang Wolbachia phòng SXH tại Nha Trang

Mở rộng phạm vi thí nghiệm thả muỗi... phòng sốt xuất huyết và Zika

Việt Nam được chọn thử nghiệm muỗi chống virus Zika

Thả muỗi chống sốt xuất huyết?

Buổi lễ có sự tham dự của đại diện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế Khánh Hòa, UBND TP. Nha Trang, các chuyên gia đến từ trường Đại học Monash (Australia), cùng các ban ngành có liên quan và đông đảo người dân địa phương.

Đây là lần đầu tiên muỗi mang vi khuẩn Wolbachia được thả trên đất liền tại Việt Nam, với kỳ vọng từng bước góp phần khống chế dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH). Trước đó, năm 2013 và 2014, dự án đã tiến hành thả muỗi trên thực địa hẹp tại đảo Trí Nguyên, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang. Đến nay, chưa ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết nào xảy ra trên đảo, dù vài năm trở lại đây, Khánh Hoà là một trong những "điểm nóng" về SXH.

Lãnh đạo địa phương cùng đại diện dự án tham gia thả muỗi phòng sốt xuất huyết ở Nha Trang 

Theo đại diện dự án, muỗi vằn thả có nguồn gốc từ Nha Trang, được nuôi trong phòng thí nghiệm, cấy vi khuẩn Wolbachia (một loại vi khuẩn nội bào, sống trong tế bào của khoảng 60% các loài côn trùng trong tự nhiên, có khả năng ức chế sự phát triển của virus Dengue gây bệnh SXH và Zika trong cơ thể muỗi vằn).

Sau khi thả, muỗi vằn đực mang Wolbachia giao phối với muỗi vằn cái không mang Wolbachia thì trứng do con cái đẻ ra sẽ không nở; muỗi cái mang vi khuẩn Wolbachia giao phối với muỗi đực (mang hay không mang Wolbachia) sản sinh ra thế hệ muỗi mới mang Wolbachia. Từ đó, muỗi mang Wolbachia sẽ dần chiếm ưu thế trong quần thể muỗi vằn tự nhiên, giúp hạn chế lan truyền bệnh SXH.

Phát biểu tại lễ khai mạc, GS. TS. Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, phương pháp Wolbachia được thực hiện theo kết quả lấy phiếu đồng thuận ở 370 hộ gia đình chọn ngẫu nhiên, 100% hộ gia đình đã đồng ý với việc thả muỗi vằn mang Wolbachia tại khu vực. "Chúng tôi hy vọng phương pháp này không chỉ giúp khống chế dịch SXH ở Vĩnh Lương mà sẽ còn được nhân rộng ở các địa phương có dịch SXH lưu hành trên toàn quốc”, GS.TS. Đặng Đức Anh chia sẻ.

Bà Megan Woolfit - Đại diện chương trình Muỗi Thế giới và TS.Viên Quang Mai - Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang tham gia thả muỗi

Ngay trong buỗi lễ, các đại biểu đã cùng với cán bộ dự án đã tiến hành thả muỗi vằn mang Wolbachia nhằm phòng bệnh SXH trong cộng đồng tại thôn Võ Tánh 1. Tiếp đó đội ngũ cán bộ thực địa của dự án tiếp tục thực hiện việc thả muỗi tại các điểm khác thuộc 8 thôn trung tâm xã Vĩnh Lương để hoàn thành đợt thả đầu tiên trong buổi sáng cùng ngày. Từ 12 - 18 tuần tiếp theo, cứ mỗi tuần Dự án sẽ thả khoảng 100 con muỗi vào mỗi ô có kích thước 50m x 50m đã được chia sẵn theo bản đồ, tương ứng với mức thả trung bình là 1 con muỗi/25m2 /tuần.

Trước đó, được sự đồng ý của UBND tỉnh Khánh Hoà và Bộ Y tế, dự án đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, tham vấn cộng đồng bằng nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh đó, việc theo dõi quần thể muỗi và giám sát tình hình bệnh SXH trong cộng đồng sẽ được duy trì thường xuyên, lâu dài. 

Theo các nhà khoa học, từ những đánh giá khoa học toàn diện về tính an toàn tại Australia, Việt Nam, và Indonesia cũng như kết quả từ hơn 10 năm nghiên cứu ứng dụng ở nhiều nơi trên thế giới, phương pháp sử dụng muỗi vằn mang Wolbachia đã được khẳng định là an toàn cho con người, động vật và môi trường. Phương pháp cũng cho thấy khả năng duy trì hiệu quả lâu dài trong việc hạn chế sự lan truyền của bệnh SXH (Dengue), Zika và một số bệnh do muỗi truyền.

Nguyên Hương H+ (Ảnh: EDPV Việt Nam)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin