Luôn luôn phải cảnh giác, đề phòng và kiểm soát chặt chẽ để sẵn sàng ứng phó nguy cơ lây lan dịch bệnh - Ảnh: VGP
Phát hiện nhiều ca COVID-19 chưa rõ nguồn lây, Phú Thọ dừng một loạt hoạt động, dịch vụ
TP.HCM đã tiêm 2 mũi vaccine cho hơn 75% số người trên 18 tuổi
Hà Nội mở lại một số dịch vụ từ 6h ngày 14/10
Hiện nay, hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đều đã nới lỏng hoặc dỡ bỏ giãn cách xã hội. Những tâm dịch như TP.HCM, Bình Dương, Long An… đều báo tín hiệu mừng trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch COVID-19. Bằng chứng là con số ca nhiễm mới trong cả nước nói chung và ở các tỉnh này nói riêng đều đã giảm đáng kể trong gần 2 tuần qua.
Nhưng đó cũng là lúc sự chủ quan có thể xuất hiện, hoặc những tính toán chưa cho đáp án đúng. Bằng chứng là không lâu sau khi các đường bay nội địa được mở cửa trở lại, xe khách liên tỉnh được hoạt động, dù giới hạn về số lượng, nhưng hàng trăm, hàng nghìn người dân đã lên đường từ các tỉnh miền Nam trở về quê. Đây cũng là lúc hàng loạt tỉnh ghi nhận các ca dương tính từ dòng người này.
Các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo các tỉnh cần đặc biệt cảnh giác với dòng người về quê bởi trong số đó có rất nhiều F0 hay F1. Không chỉ ghi nhận những ca dương tính trong dòng người về quê, hàng loạt tỉnh, đặc biệt là ở miền Bắc cũng đã phát hiện ra các ca dương tính trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây.
Đầu tiên là Hà Nam bùng dịch với tốc độ lây lan cực nhanh. Chỉ trong vòng 1 tháng qua, tỉnh này đã ghi nhận tới 759 F0. Rất may là với sự tích cực truy vết, cách ly các đối tượng nghi nhiễm hay có liên quan của các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam, dịch đã nhanh chóng được kiểm soát. Trong 759 ca nhiễm nói trên chỉ có 54 ca ngoài cộng đồng, 28 trường hợp sàng lọc tại các cơ sở y tế, số còn lại đều trong khu cách ly, phong tỏa.
Sau Hà Nam, tỉnh Phú Thọ đang trở thành điểm nóng. Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, từ ngày 13/10 đến sáng ngày 18/10, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã phát hiện 123 trường hợp mắc COVID-19. Riêng trên địa bàn thành phố Việt Trì đã xác định được tới 107 trường hợp dương tính ở các xã: Chu Hóa 97 ca; Gia Cẩm 1 ca; Dữu Lâu 3 ca; Vân Phú 1 ca; Thanh Đình 2 ca; Hy Cương 1 ca; Thanh Miếu 1 ca; Bạch Hạc 1 ca. Huyện Lâm Thao cũng phát hiện tới 8 trường hợp (Thị trấn Hùng Sơn 7, Thị trấn Lâm Thao 1). Huyện Phù Ninh cũng phát hiện 8 trường hợp (xã Phù Ninh 7, thị trấn Phong Châu 1).
Phú Thọ thần tốc làm xét nghiệm xuyên đêm để sàng lọc các ca F0 ra khỏi cộng đồng - Ảnh: Công Luận
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, tỷ lệ lây nhiễm của Phú Thọ đang ở cấp độ 1 (số ca mắc mới đạt 0,28%, chiếm tỷ lệ 3,2 ca/100 nghìn dân); huyện Lâm Thao, Phù Ninh và thành phố Việt Trì được đánh giá ở cấp độ 2; các huyện, thị còn lại ở cấp độ 1 (không phát hiện ca mắc trong hai tuần qua); một xã được đánh giá ở cấp độ 4; hai xã được đánh giá ở cấp độ 3; ba xã được đánh giá ở cấp độ 2 và các xã/phường/thị trấn khác được đánh giá ở cấp độ 1.
Tại Nam Định ngày hôm nay (18/10) cũng ghi nhận tới 21 ca dương tính trong cộng đồng. Tất cả các ca dương tính này trú tại huyện Ý Yên. Ngày 17/10, huyện Ý Yên nhận được tin báo từ CDC Ninh Bình về việc phát hiện 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là bà N.T.H. (trú thôn Đằng Động, xã Yên Hồng (huyện Ý Yên). Trung tâm Y tế huyện Ý Yên lấy mẫu xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho 886/996 người dân thôn Đằng Động, xã Yên Hồng và phát hiện thêm 20 ca dương tính.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa: Tính từ 18 giờ ngày 17/10 đến 18 giờ ngày 18/10, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 42 ca mắc COVID-19 mới, trong đó 24 ca bệnh tại ổ dịch thị xã Bỉm Sơn và 18 ca bệnh nhân là công dân Thanh Hóa trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện cách ly tập trung.
Thành phố Hà Nội trong những ngày qua cũng liên tục ghi nhận các ca dương tính. Có cả ca ngoài cộng đồng có liên quan đến người về từ các tỉnh phía Nam. Ngày hôm nay, Hà Nội ghi nhận 5 ca dương tính, 3 trong số này về từ vùng dịch, 2 người còn lại thuộc chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho sốt.
Dịch COVID-19 chưa phải đã được kiểm soát hoàn toàn, nguy cơ lây lan hay bùng phát trở lại vẫn luôn hiện hữu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã khẳng định: “Đạt “ZERO COVID” sẽ là một điều rất khó khăn vì ngay tại những nước phát triển có tỉ lệ tiêm vắc xin đạt 90% dân số, điều đó cũng là không thể. Chúng ta đang xây dựng hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.
Thích ứng an toàn, linh hoạt và quan trọng là luôn phải chủ động, cẩn trọng và không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ngay từ bản thân mỗi người dân cũng vậy, cũng không được cho mình quyền chủ quan, thờ ơ trước dịch. Vẫn tiếp tục phải thực hiện nghiêm 5K cũng như những chỉ đạo từ Chính phủ, từ cơ quan chức năng. Thực tế sẽ chứng minh hiệu quả của việc này.
Bình luận của bạn