Nhức nhối mỹ phẩm rởm- Kỳ I

Bất lực với mỹ phẩm dởm?- Kỳ II

Nhiều rủi ro khi dùng mỹ phẩm gia truyền, xách tay

TP.HCM: Phát hiện công nghệ sản xuất mỹ phẩm giả

Thu giữ lô hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc

Mỹ phẩm, đồ dùng nhà tắm có hóa chất độc hại

Chưa cấm chất triclosan trong mỹ phẩm

Mỹ phẩm rởm tràn lan

Ông Trần Văn Bổn- Giám đốc Công ty Minh Anh chuyên nhập khẩu mỹ phẩm cao cấp ở TP.HCM- cho biết, có tới 1/3 lượng mỹ phẩm đang kinh doanh trên thị trường Việt Nam hàng kém chất lượng, hàng giả, nhái thương hiệu, trong đó phân khúc sản phẩm đắt tiền đa phần là hàng nhập lậu. Hàng rởm tràn lan và bán giá rẻ nên các công ty kinh doanh mỹ phẩm đàng hoàng rất vất vả trong việc cạnh tranh để chiếm giữ thị phần và đấu tranh với nạn ăn cắp mẫu mã, nhãn hiệu.

Ông Phạm Thanh Bá- Đội trưởng đội QLTT 4B Chi Cục QLTT TP.HCM- cho biết, tại TP.HCM rất dễ dàng tìm mua các loại mỹ phẩm ngoại cao cấp với giá rẻ ở chợ truyền thống, trung tâm thương mại, cửa hàng, thậm chí ở vỉa hè. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cứ sau một đợt đi kiểm tra là "hốt" hàng tấn mỹ phẩm rởm các loại.

Giữa tháng 4/2014 vừa qua Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra nhà số 63/63 Nguyễn Biểu, quận 5, phát hiện nơi đây đang đóng gói mỹ phẩm gồm kem dưỡng sáng da, kem dưỡng da ngăn mụn… rởm vào chai lọ. Mỹ phẩm thu được tại địa chỉ này cũng chính là loại đã phát hiện sử dụng tại hai thẩm mỹ viện hoạt động không phép ở đường Thành Thái (quận 10) và Nguyễn Cửu Vân (quận Bình Thạnh) trước đó.

Ông Bùi Minh Trạng- Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM- cho biết, đường dây sản xuất mỹ phẩm rởm rồi đưa vào thẩm mỹ viện sử dụng này bị lộ ra do nhiều khách hàng tố bác sĩ tại Công ty cổ phần Làn Da Việt phẫu thuật thẩm mỹ nhưng kết quả nhận được tệ hơn so với hợp đồng đã cam kết.

Cục Hải quan TP.HCM cũng vừa phát hiện Công ty TNHH Hiếu Hòa Lộc nhập khẩu từ Trung Quốc về cảng Cát Lái gồm 16 tấn hàng Trung Quốc, trị giá lô hàng 29.006 USD. Kiểm tra lô hàng, hải quan phát hiện có 1.660 lọ nước hoa giả nhãn hiệu của nhiều hãng mỹ phẩm nổi tiếng nhập lậu.

Trước đó, Công an quận 6 kiểm tra nhà số 239/51 Bà Hom, quận 6, phát hiện Lỷ Quốc Hùng- ngụ tại Định Quán, Đồng Nai- đang chứa mỹ phẩm các loại và dụng cụ sang chiết mỹ phẩm trái phép. Mỹ phẩm tại đây được mua trôi nổi của Trung Quốc về trộn với hóa chất để nhái các loại mỹ phẩm nổi tiếng để trục lợi. Công an đã thu giữ 2.340 hộp, chai mỹ phẩm, hơn 10 kg kem bán thành phẩm, nhiều loại tem nhãn và dụng cụ làm mỹ phẩm.

Hà Nội hiện có có 318 cơ sở sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm, trong đó có 268 đơn vị kinh doanh mỹ phẩm nhập khẩu, 46 cơ sở sản xuất. Một khảo sát do Công ty Nielsen thực hiện mới đây cho thấy, mặt hàng mỹ phẩm tại thị trường Hà Nội chiếm 47% là hàng giả.

Tại Hà Nội, các nhãn hiệu mỹ phẩm nổi tiếng nhất thế giới đều được kinh doanh. Mỹ phẩm là hàng đắt tiền, có loại lên đến cả hàng nghìn đô nhưng nhiều cửa hàng khuyến mại "mua một tặng một". Tại một của hàng mỹ phẩm ở phố Hàng Đào, một chị bạn khuyên tôi đừng mua mỹ phẩm tại đây vì lý do chị từng là nạn nhân mua phải mỹ phẩm giả, dù nó rất đắt tiền.

Các thương hiệu như Dior, Shiseido, Lancome, L'Oreal Paris… đều được bày bán nhiều ở Hà Nội và đang được người bán giảm giá 40-50% trên từng sản phẩm. Hỏi một số hãng mỹ phẩm đang có hàng bán "khuyến mại khủng", họ đều cho rằng sản phẩm có khuyến mại nhưng không thể giảm giá tới phân nửa, như vậy hàng bán khuyến mại lớn không phải là hàng chính hãng!

Ông Lê Thế Bảo- Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam- cho biết, các loại mỹ phẩm giả, nhái thương hiệu tràn ngập chợ, thẩm thấu vào cả siêu thị, trung tâm mua sắm lớn và ngày càng gia tăng. Các loại mỹ phẩm giả, nhái thương hiệu không chỉ hàng sản xuất trong nước mà phần nhiều được nhập lậu từ nước ngoài nên bao bì hàng giả, nhái rất sắc nét, người tiêu dùng rất khó phát hiện.

nhattd
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý