Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý mẫu xét nghiệm ở Bắc Giang

Các nhân viên y tế tại tâm dịch Bắc Giang phải lấy số lượng lớn mẫu xét nghiệm trong ngày - Ảnh: Lao Động

Ghi nhận hàng chục ca COVID-19 mới tại “tâm dịch” Bắc Giang và Bắc Ninh

Thêm 31 ca COVID-19, TP.HCM sẽ triển khai robot gọi điện hỏi thăm sức khỏe

Nữ bệnh nhân 37 tuổi mắc COVID-19 ở TP.HCM tử vong

Bắc Giang thêm 48 ca COVID-19 mới, có 2 bệnh nhân nặng phải đặt ECMO

Bắc Giang, vùng dịch lớn nhất cả nước trong đợt dịch này đã ghi nhận 2565 ca COVID-19. Các nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh phải lấy mẫu xét nghiệm cho hàng chục nghìn người mỗi ngày.

Đảm bảo tính hệ thống, chiến lược, khoa học và hiệu quả trong công tác lấy mẫu là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế trợ giúp Bắc Giang chống dịch, trong đó có nhóm chuyên gia của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

TS.BS Ngũ Duy Nghĩa - Trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho hay, tình hình dịch tại Bắc Giang lần này khác rất nhiều so với những ổ dịch tại các địa phương trước đó kể cả về quy mô, mức độ lẫn thời gian diễn biến. Nếu khâu điều tra, giám sát dịch làm không tốt sẽ khiến cho những công đoạn về sau trở nên khó khăn chất chồng.

Nhận thức được trách nhiệm nặng nề, nhóm chuyên gia dưới sự lãnh đạo của PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đã bắt tay ngay vào việc xây dựng giúp tỉnh Bắc Giang kế hoạch khung về lấy mẫu xét nghiệm, tầm soát, truy vết hết sức rõ ràng.

Sơ đồ bố trí khu vực lấy mẫu tại cộng đồng

Kế hoạch khung là cơ sở định hướng để các huyện tiếp tục phát triển và xây dựng kế hoạch lấy mẫu chi tiết của huyện theo từng ngày tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh. Chỉ khi có kế hoạch chi tiết trong tay, các cơ quan quản lý mới có một cái nhìn tổng thể, bao quát để điều phối các lực lượng (nội tại sẵn có lẫn chi viện) một cách hợp lý.

Để giải quyết được thông tin của các mẫu gộp một cách bài bản, hệ thống và có hiệu quả, các chuyên gia của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã cùng các đồng nghiệp của tỉnh Bắc Giang xây dựng giải pháp về ứng dụng CNTT nhằm giúp thu thập, quản lý và làm sạch thông tin mẫu bệnh phẩm ngay tại thực địa.

Điều đặc biệt trong giải pháp này là các chuyên gia đã thiết kế, cài đặt kỹ thuật để khi cán bộ nhập dữ liệu có thể hạn chế tối đa về mặt sai số. Tại khu vực thực địa, cạnh bàn lấy mẫu là bàn của cán bộ thu thập thông tin, hai hoạt động này diễn ra song hành, tương trợ lẫn nhau.

Trong quá trình áp dụng, triển khai tại Bắc Giang, các mẫu được lấy tại khu vực sẽ được tổng hợp thông tin và chuyển cho tuyến huyện. Sau khi tuyến huyện rà soát thông tin sẽ tiếp tục chuyển lên tuyến tỉnh cho 2 đầu mối gồm CDC và tổ tổng hợp danh sách mẫu xét nghiệm (thuộc Sở Y tế) 2 lần/ngày.

Phần mềm lưu trữ thông tin người lấy mẫu ưu việt ở chỗ, khi có kết quả, phần mềm cho phép truy xuất ngay được thời gian, địa điểm, đối tượng một cách chính xác, rõ ràng. Hệ thống hóa kết quả xét nghiệm cũng giúp phân tích, nhận định tình hình được rõ ràng hơn.

Để hệ thống trên vận hành trơn tru, nhóm chuyên gia của Bộ Y tế đã phải liên tục tổ chức nhiều buổi tập huấn (trực tiếp, online) cho tất cả các địa bàn ở Bắc Giang, đồng thời xuống địa điểm lấy mẫu để giám sát và giải đáp thắc mắc cho bộ phận thu thập thông tin từ người dân.

Tới thời điểm này, hệ thống quản lý mẫu xét nghiệm do nhóm chuyên gia của Bộ Y tế xây dựng đã góp phần giúp tỉnh Bắc Giang giải quyết được bài toán quá tải mẫu, thiếu thông tin về mẫu và chậm trả kết quả xét nghiệm trong giai đoạn đầu của đợt dịch.

Quỳnh Trang H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn