Cuộc họp thường niên của Liên đoàn Địa vật lý Hoa Kỳ (American Geophysical Union) – một tổ chức phi lợi nhuận dành cho các nhà khoa học, lại được nhóm họp trong hai tuần cuối cùng của tháng 12. Hơn 25.000 nhà khoa học ở khắp nơi trên thế giới đã cùng tụ họp để thảo luận về các vấn đề của biến đổi khí hậu, tác động của các cuộc xung đột tới môi trường, cuộc sống hay tình trạng nóng lên của trái đất. Đồng thời, đưa ra những gợi ý nhằm giải đáp các vấn đề của biến đổi khí hậu.
Viết về cuộc họp này nhà báo Raymond Zhong – phụ trách mảng khí hậu của tờ NYTimes đã viết rằng, trong vô số những vấn đề mà các nhà khoa học thảo luận, thực sự có 3 điểm đáng chú ý. Đó là tại sao trái đất lại nóng lên nhiều hơn so với dự kiến? AI hay trí tuệ nhân tạo có thể giúp ích gì cho khoa học khí hậu? Và các kỹ thuật địa kỹ thuật ứng dụng trong giải quyết biến đổi khí hậu như thế nào? Có hiệu quả ra sao?
Trả lời cho câu hỏi vì sao trái đất lại nóng lên so với dự kiến, các nhà nghiên cứu đưa ra một giả thuyết cho rằng, đó là do mây ít hơn và sự phản xạ năng lượng trở lại không gian ít hơn nên trái đất hấp thu nhiệt nhiều hơn. Lý do này được các nhà khoa học Đức đưa ra trong hội thảo và thu hút ý kiến tranh luận từ các nhà nghiên cứu khác. Nhưng tựu chung, các nhà khoa học đều đồng thuận với lý do này, coi đó là một trong những lý do góp phần làm tăng nhiệt độ của hành tinh.
Ngoài lý do ít mây, các nhà nghiên cứu từ 3 châu lục khác cũng đã chia sẻ những phát hiện và suy nghĩ của họ. Và mọi người đều đồng ý là vẫn còn nhiều việc phải làm. Ví dụ như tìm câu trả lời cho câu hỏi tại sao các đám mây lại kỳ lạ như vậy, nhà khoa học Robert Rohde – Tổ chức nghiên cứu Berkeley Earth cho rằng: “Hiện tại có thể có những câu trả lời và cách giải quyết, ví như giảm ô nhiễm lưu huỳnh và bụi sa mạc Sahara trong khí quyển, nhưng không có câu trả lời nào là chắc chắn.”
Theo nhà nghiên cứu William Collins – Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley (Mỹ), ứng dụng AI có thể giải quyết các vấn đề của thời tiết khắc nghiệt. Ứng dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo trong khoa học khí hậu không còn là vấn đề mới, những mỗi một nghiên cứu được đưa ra, các nhà khoa học lại phát hiện được những tiềm năng mà AI mang lại cho khoa học khí hậu.
Dự án mà nhà nghiên cứu Collins và nhóm của ông đang phát triển là tạo dữ liệu với sự góp sức của AI. Theo TS. Collins, các đợt nắng nóng và bão tàn khốc nhất rất khó nghiên cứu vì chúng không xảy ra thường xuyên, do đó không có nhiều dữ liệu thực tế về chúng. Nhưng với máy học, về cơ bản, bạn có thể tạo ra dữ liệu bằng cách phát lại cùng một khoảng thời gian nhiều lần, hàng nghìn lần để tìm ra những khác biệt nhỏ mỗi lần. Cũng từ đó để có dữ liệu nghiên cứu và tìm cách ứng phó hiệu quả nhất.
Trả lời cho những lo ngại về mức sử dụng năng lượng và lượng khí thải carbon của AI, TS. Collins đã nói rằng những chiếc máy tính mà ông và các đồng nghiệp sử dụng chỉ là "đồ chơi" so với những chiếc máy tính cung cấp năng lượng cho ChatGPT và các công cụ AI thương mại khác.
Tương tự như trí tuệ nhân tạo, nhiều kỹ thuật khác đang được ứng dụng nhằm ứng phó hoặc làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, ví như chỉnh hướng mắt trời, thay đổi DNA của các sinh vật… Nhiều thảo luận về những kỹ thuật này đã được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới và ngay tại hội thảo của Liên đoàn Địa vật lý Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu đã nêu ra các vấn đề về kỹ thuật, nguồn lực, thời gian và cả sự phí phạm bởi những ý tưởng đầy rủi ro… nhưng trên hết nó cho thấy sự quan tâm, trăn trở của các nhà khoa học về biến đổi khí hậu và những tác động của nó tới cuộc sống.
Cũng tại tuần lễ hội thảo này, các nhà khoa học đã chỉ ra 8 vấn đề của biến đổi khí hậu mà con người đang phải đối mặt trong năm 2024 này.
Thứ nhất, đó là tình trạng 6 trong 9 ranh giới của hành tinh đã bị phá vỡ. Đây là cảnh báo ưu tiên mà các nhà khoa học đưa ra trong tuần lễ hội thảo khí hậu này. Trước đó, các nhà khoa học đã ban hành cảnh báo đỏ về tình trạng sức khỏe của hành tinh, trong đó nêu ra 9 ranh giới góp phần tạo nên cuộc sống ổn định, khỏe mạnh trên Trái đất cho mọi sinh vật. Hiện tại, sáu trong số chúng đã vượt qua ngưỡng và chúng được coi là không có khả năng hoạt động bình thường. Chỉ còn 3 ranh giới hành tinh nằm trong "không gian hoạt động an toàn", đó là acid hóa đại dương; tải lượng khí dung trong khí quyển; và suy giảm ôzôn tầng bình lưu.
Thứ hai là tình trạng “lập kỷ lục” về nhiệt độ sau mỗi tháng trôi qua. Năm 2024 đánh dấu năm đầu tiên ghi nhận nhiệt độ vượt quá 1,5°C so với mức trước thời kỳ công nghiệp, vượt ngưỡng do Thỏa thuận Paris đặt ra. Theo phân tích từ Copernicus - Cơ quan Biến đổi Khí hậu của Liên minh Châu Âu, các nhà khoa học tuyên bố "gần như chắc chắn" rằng năm 2024 sẽ là năm ấm nhất được ghi nhận. Trên khắp các đại dương trên toàn cầu, 10 tháng đầu năm 2024 cũng chứng kiến nhiệt độ bề mặt biển ấm kỷ lục.
Thứ ba, tình trạng thời tiết khắc nghiệt xảy ra trên khắp thế giới, từ cơn bão Milton đến lũ lụt ở Valencia và lở đất ở Indonesia. Sự thay đổi của thời tiết đã ảnh hưởng rộng khắp, không để lại bất kỳ vùng địa lý nào không bị ảnh hưởng trong năm qua. Những ví dụ này làm nổi bật tính cấp thiết đối với các quốc gia trên thế giới, trong việc đầu tư giảm thiểu biến đổi khí hậu. Thực tế cho thấy, việc đầu tư vào giảm thiểu biến đổi khí hậu hiệu quả hơn nhiều so với mức thiệt hại tiềm tàng lên tới 17% GDP do biến đổi khí hậu không được kiểm soát gây ra.
Thứ tư, 3 hội nghị về biến đổi khí hậu – COP, đã tập trung vào các vấn đề chồng chéo và liên quan đến biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và đất đai. Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là tình hình tài chính khí hậu và thị trường carbon. Tại COP29 – hội nghị đầu tiên về tài chính khí hậu, chỉ hủy động được 300 tỷ USD cho mục đích khí hậu, thấp hơn con số nghìn tỷ mà các quốc gia đang phát triển yêu cầu. Với mục tiêu thị trường carbon, một kiến trúc toàn cầu cho thị trường này đã được thiết lập và cụm từ “Chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch” cũng được nhất trí tại COP28. Ít nhất, đó là một thành công của công cuộc phòng chống biến đổi khí hậu.
Cũng nhắc đến vấn đề tài chính, các phương pháp tiếp cận mới hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu cũng đã được nhấn mạnh trong các báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới và báo cáo của Liên minh các nhà lãnh đạo về khí hậu. Các báo cáo này nhấn mạnh, nếu không có biện pháp/đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp có thể mất 7% thu nhập vào năm 2035; các mối nguy hiểm về khí hậu có thể gây ra tổn thất tài sản cố định từ 560-610 tỷ USD mỗi năm trên khắp các công ty niêm yết vào năm 2035, tùy thuộc vào kịch bản phát thải, tăng lên tới 1.100 tỷ USD vào năm 2055. Nguyên nhân chính gây ra tổn thất là nhiệt độ quá cao. Các báo cáo nêu chi tiết về chi phí gia tăng của hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và cách các thành viên hội đồng quản trị, nhà đầu tư và giám đốc điều hành có thể thúc đẩy tuổi thọ và khả năng phục hồi của doanh nghiệp trước tình hình khí hậu ngày càng xấu đi.
Thứ sáu là nạn phá rừng ở rừng mưa Amazon của Brazil giảm – một tin mừng. Theo dữ liệu được Reuters công bố, tình trạng phá rừng nhiệt đới đã giảm 30,6% trong 12 tháng qua. Đây là mức độ phá rừng thấp nhất của khu vực kể từ năm 2015. Việc bảo vệ rừng mưa Amazon và đa dạng sinh học phong phú của nó có tầm quan trọng với sự sống. Nạn phá rừng và biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng đến “sức khỏe” của “sông bay” ở Amazon. Các dòng sông bay là những khu vực chứa lượng hơi nước khổng lồ và trong trường hợp của Amazon, chúng là một phần quan trọng trong chu trình nước của 670 triệu người dân Mỹ Latinh, cũng như sự đa dạng sinh học độc đáo của khu vực.
Thứ bảy là tiến triển trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đã được hoàn thiện theo hiệp ước INC-5.2 của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-5). Cuộc đàm phán về vấn đề này tiếp theo sẽ được tổ chức vào nửa đầu năm 2025.
Và thứ 8 là quần thể động vật hoang dã đã giảm 73% kể từ năm 1970. Thiên nhiên đang biến mất. Báo cáo Hành tinh sống năm 2024 của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho thấy, trong số 5.495 loài động vật có xương sống, số lượng đã giảm 73% trong giai đoạn 1970 - 2020.
Làm thế nào để sửa chữa hành tinh, ngăn ngừa biến đổi khí hậu… là những câu hỏi thường trực được đặt ra. Tuy nhiên, tại hội nghị thường niên lần này, các nhà khoa học cho rằng, chúng ta thường có xu hướng xem xét vấn đề môi trường một cách riêng lẻ mà quên mất rằng, cần có một cái nhìn tổng thể và một giải pháp tổng thể cho môi trường.
Và một đánh giá mang tính bước ngoặt - được 147 quốc gia ủy quyền và công bố, đã đưa ra câu trả lời toàn diện nhất cho đến nay, xem xét mối liên hệ đôi khi khó hiểu giữa đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, thực phẩm, nước và sức khỏe.
Ví dụ, hãy xem xét một căn bệnh ký sinh trùng được gọi là bệnh sán máng, hay bilharzia, ảnh hưởng đến hơn 200 triệu người, đặc biệt là ở Châu Phi. Bệnh lây lan qua ốc nước ngọt – phát triển mạnh trong các loài thực vật ở giữa các dòng chảy ô nhiễm. Căn bệnh này thường được ngành y tế nhìn nhận theo hướng điều trị bằng thuốc. Nhưng Tiến sĩ Harrison cho biết, một dự án ở vùng nông thôn Senegal đã xem xét vấn đề từ các góc độ khác. Việc dọn sạch các loài thực vật xâm lấn khỏi các vùng nước đã làm giảm tỷ lệ nhiễm trùng ở trẻ em tới 32%. Sau khi ủ, thảm thực vật có thể được sử dụng làm thức ăn cho gia súc, giúp tăng sản lượng lương thực.
Báo cáo từ Nền tảng Chính sách Khoa học Liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái (Intergovernmental Science-Policy Platform on Biodiversity and Ecosystem Services) - một nhóm độc lập tư vấn cho các chính phủ về các vấn đề đa dạng sinh học, tập trung nhiều vào các giải pháp, đã đưa ra nhiều biện pháp can thiệp tiềm năng cùng với các hiệu ứng lan tỏa của chúng. Ví dụ, các tác giả lưu ý rằng những nỗ lực như kết hợp các dải thảo nguyên, các khu vực thảm thực vật bản địa giữa các hàng cây trồng hoặc định vị cây một cách chiến lược trên đất nông nghiệp có thể giúp ích cho đa dạng sinh học, sản xuất lương thực, phúc lợi của con người, chất lượng nước và biến đổi khí hậu cùng một lúc.
“Chi phí bị bỏ qua” đối với đa dạng sinh học, khí hậu, nước và sức khỏe từ các ngành nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và thủy sản ước tính từ 10.000-25.000 tỷ USD mỗi năm. Tiến sĩ McElwee cho biết hậu quả tiêu cực đối với sức khỏe đặc biệt tốn kém. Ví dụ, bà chỉ ra 9 triệu người chết mỗi năm do ô nhiễm không khí và sự gia tăng tình trạng béo phì và đái tháo đường do chế độ ăn uống không lành mạnh cũng gây hại cho đa dạng sinh học và góp phần gây ra biến đổi khí hậu.
Cũng theo báo cáo này, các khoản trợ cấp công trực tiếp gây tổn hại đến đa dạng sinh học lên tới khoảng 1.700 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, các chính phủ đã chấp nhận kết quả của báo cáo này và bắt đầu có những động thái đánh giá cũng như hoạch định chính sách cho các vấn đề biến đổi khí hậu của quốc gia mình. Theo Tiến sĩ McElwee, đó là một tín hiệu mừng.
Bình luận của bạn