Biến đổi khí hậu làm tăng hàm lượng arsen trong gạo

Nồng độ CO₂ gia tăng và khí hậu ấm lên làm gia tăng tích tụ arsen trong gạo

Lưu ý quan trọng khi tái sử dụng túi bảo vệ môi trường

Vệ tinh trở thành công cụ giám sát dịch bệnh hữu hiệu

Những thay đổi nhỏ giúp bạn bảo vệ môi trường trong năm 2025

Tiêu chí chọn mỹ phẩm giúp bảo vệ da khỏi ô nhiễm môi trường

Arsen hay thạch tín là nguyên tố có sẵn trong tự nhiên và có thể được tìm thấy với lượng nhỏ trong môi trường (ví dụ trong đá, đất, nước, không khí, thực vật, động vật). Giống như hầu hết các loại cây trồng khác, cây lúa có thể hấp thụ arsen từ đất trồng hoặc nước. Do cây trồng trong điều kiện ngập nước, arsen dễ tích lũy trong gạo, nhiều nhất là trong vỏ cám và mầm.

Gạo là nguồn lương thực chính của hơn một nửa dân số toàn cầu, nên arsen trong gạo là vấn đề được cộng đồng khoa học đặc biệt quan tâm. Lâu nay, các chuyên gia đã biết rằng cả arsen vô cơ và hữu cơ có thể xâm nhập vào thực phẩm hoặc nguồn nước, nhưng vẫn chưa rõ biến đổi khí hậu có làm thay đổi hàm lượng arsen hay không.

Theo nghiên cứu mới đây đăng trên tạp chí The Lancet, nhóm nhà nghiên cứu quốc tế đã trồng lúa trên các mảnh các ruộng thử nghiệm có kiểm soát tại Trung Quốc, kéo dài từ năm 2014 đến 2023. Họ phát hiện ra 2 yếu tố là nồng độ carbon dioxide (CO₂) và nhiệt độ bề mặt có thể ảnh hưởng đến hàm lượng arsen trong gạo. 

Khi phân tích đất trồng lúa nước, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng nồng độ CO₂ và nhiệt độ tăng lên – dù riêng lẻ hay kết hợp – đã làm thay đổi các yếu tố vật lý và sinh học của đất. Nồng độ CO₂ cao cũng kích thích sự phát triển của rễ, rễ tiết ra nhiều chất hữu cơ thúc đẩy vi sinh vật phát triển, khiến arsen trong đất dễ tiếp cận hơn hoặc chuyển hóa thành dạng dễ hấp thụ hơn. Nhiệt độ cao cũng góp phần hỗ trợ những quá trình này.

Các ruộng lúa trong nghiên cứu được thiết kế với điều kiện tương tự như những ruộng lúa phổ biến ở châu Á. Điều đó có nghĩa là hiện tượng này rất có thể cũng đang xảy ra ở nhiều nơi khác trong khu vực.

Trồng lúa trong điều kiện ngập nước dài hạn tạo điều kiện cho arsen dễ vận chuyển vào cây lúa, tích tụ trong hạt gạo

Trồng lúa trong điều kiện ngập nước dài hạn tạo điều kiện cho arsen dễ vận chuyển vào cây lúa, tích tụ trong hạt gạo

Thạch tín lâu nay được coi là một chất độc, còn y học hiện đại đã xác nhận arsen vô cơ là một chất gây ung thư. Nhiễm độc arsen không gây tử vong ngay, nhưng có thể từ từ gây ra vấn đề sức khỏe khi phơi nhiễm trong thời gian dài. Khi xuất hiện trong nước uống, arsen làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang và ung thư da. Nghiên cứu cũng cho thấy, ăn phải thực phẩm nhiễm arsen có thể gây ra ung thư đường tiêu hóa, ung thư máu, thận, gan hoặc hệ bạch huyết.

PGS. Lewis H. Ziska, Ngành khoa học sức khỏe môi trường tại Trường Y tế Công cộng Mailman, Đại học Columbia (Mỹ) cho biết: “Biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề cháy rừng, nước biển dâng hay bão lũ kỷ lục. Nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến lương thực – như gạo”. Đặc điểm hóa sinh của cây lúa vốn dễ tích lũy arsen khi trồng trong điều kiện ngập nước. Nhiều người vẫn chưa nhận ra rằng biến đổi khí hậu có thể tác động đến chuỗi cung ứng thực phẩm bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho các độc chất tích tụ.

Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm CODEX (cơ quan liên chính phủ do Tổ chức Nông lương của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới đồng sáng lập) khuyến cáo giới hạn chỉ tiêu arsen vô cơ đối với gạo xát kỹ/gạo đánh bóng là 200μg/kg, gạo lứt là 350μg/kg.

Ở Việt Nam cũng đã có các nghiên cứu sơ bộ về các biện pháp canh tác giúp hạn chế hàm lượng arsen trong gạo, trong đó có kỹ thuật tưới “ướt khô xen kẽ” của Viện lúa Quốc tế (IRRI).   

 
Quỳnh Trang (Theo Discover Magazine)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Sức khỏe môi trường