Tháp Eiffel phải đóng cửa trong những ngày báo động đỏ của thành phố Paris (Pháp) vì nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 6 - Ảnh: AFP.
Hội nghị BRICS 2025: Việt Nam đề xuất 5 giải pháp vì môi trường, y tế toàn cầu
Nắng nóng cực đoan - mối nguy với người cao tuổi
Trên 100 triệu người dân tại Mỹ đang chịu nắng nóng kỷ lục
Nắng nóng kỷ lục "thiêu đốt" Châu Âu, hàng trăm người chết vì sốc nhiệt
Theo AFP, dữ liệu từ chương trình giám sát khí hậu Copernicus của Châu Âu cho thấy, từ Nigeria đến Nhật Bản, Pakistan đến Tây Ban Nha, tháng 6 vừa qua đã trở thành tháng nóng nhất từng được ghi nhận tại 12 quốc gia, trong khi 26 quốc gia khác cũng trải qua tháng 6 nóng bất thường, đứng thứ hai trong lịch sử khí tượng của họ.
Cụ thể, khoảng 790 triệu người trên khắp Châu Âu, Châu Á và Châu Phi đã vừa trải qua tháng 6 nóng nhất cho đến nay. Đối với cư dân của 26 quốc gia khác, bao gồm: Anh, Trung Quốc, Pháp, Cộng hòa Dân chủ Congo và Ethiopia, tháng 6 năm nay là tháng nóng thứ hai được ghi nhận.
Các chuyên gia khí tượng cho biết, các đợt nắng nóng xuất hiện thường xuyên và dữ dội hơn bao giờ hết do hiện tượng nóng lên toàn cầu, cùng sự gia tăng của biến đổi khí hậu.
Một đợt nắng nóng đầu mùa Hè đã "thiêu đốt" miền Tây và miền Nam Châu Âu vào cuối tháng 6, mang theo cái nóng oi bức đến khu vực Paris ở Pháp hay một số vùng của Bỉ và Hà Lan vốn không quen với nhiệt độ như vậy.
Khoảng 15 quốc gia khác bao gồm Thụy Sĩ, Italia và toàn bộ khu vực quốc gia Balkan, đã chứng kiến nhiệt độ tăng lên 3 độ C so với mức trung bình của tháng 6 trong giai đoạn từ năm 1981 - 2010. Tây Ban Nha, Bosnia và Montenegro cũng vừa có tháng 6 nóng nhất cho đến nay từng được ghi nhận.

Công nhân lao động ngoài trời trang bị áo khoác có điều hòa và quạt làm mát trên lưng tại một công trường xây dựng ở Nhật Bản trong những ngày tháng 6 nóng kỷ lục - Ảnh: Reuters
Tại Châu Á, Nhật Bản vừa trải qua tháng 6 nóng nhất được ghi nhận kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1898, với nhiệt độ ở mức kỷ lục tại 14 thành phố trong đợt nắng nóng đầu mùa. Nhiệt độ mặt biển ven bờ cũng cao hơn 1,2 độ C so với bình thường, ngang bằng với tháng 6 năm 2024 là mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1982.
Mùa Hè năm ngoái của Nhật Bản đã nóng ngang với mức kỷ lục được ghi nhận vào năm 2023. Sau đó, quốc gia Châu Á này lại phải trải qua mùa Thu ấm áp nhất kể từ 126 năm qua. Thậm chí, hoa anh đào - biểu tượng của “đất nước Mặt Trời mọc” - giờ đây thường nở sớm hoặc không thể nở vì mùa Đông và Thu không đủ lạnh cho việc kích hoạt quá trình trổ hoa.
Trong khi đó, Hàn Quốc và Triều Tiên cũng trải qua tháng 6 nóng nhất trong lịch sử. Nhiệt độ ở cả hai quốc gia đều cao hơn 2 độ C so với mức trung bình được ghi nhận.
Tại Trung Quốc, 102 trạm thời tiết đã ghi nhận những ngày tháng 6 nóng nhất từ trước đến nay, với một số trạm đo nhiệt độ trên 40 độ C, theo phương tiện truyền thông nhà nước.
Ở quốc gia Nam Á Pakistan với 250 triệu dân cũng như Tajikistan 10 triệu dân, tháng 6 vừa qua đánh dấu mức nhiệt cao kỷ lục. Còn tại nhiều quốc gia Trung Á như: Iran, Afghanistan, Uzbekistan hay Kyrgyzstan cũng không thoát khỏi đợt nóng kéo dài từ mùa Xuân sang mùa Hè (từ tháng 4 đến tháng 6) với mức nhiệt nóng chưa từng có.

Bãi biển Sale đông nghịt người dân giải nhiệt trong đợt nắng nóng ở Rabat, Morocco ngày 29/6/2025 - Ảnh: AFP
Tại Châu Phi, Nigeria - quốc gia đông dân thứ 6 thế giới với 230 triệu người – cũng vừa chứng kiến mức nhiệt trong tháng 6 san bằng kỷ lục nắng nóng ghi nhận trong năm ngoái.
Các khu vực khác ở miền Trung và miền Đông Châu Phi cũng nóng bất thường. Tháng 6 là tháng nóng thứ hai được ghi nhận sau năm 2024 tại Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan, Cameroon, Cộng hòa Dân chủ Congo và Ethiopia.
Đặc biệt, ở Nam Sudan, nhiệt độ vượt ngưỡng trung bình tới 2,1 độ C, một con số đáng báo động ở khu vực khí hậu vốn ổn định. Quốc gia nghèo đói này vốn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bất ổn chính trị và thiên tai, trong khi không có đủ khả năng để ứng phó với các thảm họa môi trường ngày càng gia tăng và đã phải vật lộn với đợt nắng nóng tàn khốc vào tháng 3 vừa qua, khiến hàng loạt học sinh ở thủ đô Juba bị ngất xỉu, buộc chính phủ phải đóng cửa trường học và yêu cầu người dân ở trong nhà.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) hồi tháng 5 đã cảnh báo rằng: “Thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu đang tác động tới mọi mặt của phát triển kinh tế-xã hội ở Châu Phi, đồng thời làm trầm trọng thêm nạn đói, mất an ninh và làn sóng di cư.”
Bình luận của bạn