Rửa tay sạch là một cách đơn giản để phòng ngừa cảm lạnh, cúm
Có nên hạn chế sữa và các sản phẩm từ sữa khi bị cảm lạnh?
Ăn gì để an toàn trong mùa cúm?
Hệ miễn dịch tốt có giúp phòng ngừa cảm lạnh và cảm cúm?
Triệu chứng cảm lạnh và cúm ở trẻ khác nhau thế nào?
Theo báo cáo đăng tải trên Tạp chí Y khoa của Anh, các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, bao gồm viêm phổi và cúm gây ra 4,25 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm. Hơn nữa, nhiễm virus đã gây ra 20 - 48% ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Để phòng ngừa nhiễm virus, phòng tránh cảm lạnh, cúm và các bệnh do virus gây ra, bạn nên thực hiện ngay những điều sau:
1. Tiêm vaccine cúm
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên, và đặc biệt là những người có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng do cúm, hãy tiêm phòng cúm hàng năm. Tiêm vaccine có thể làm giảm đáng kể nguy cơ trẻ bị tử vong do biến chứng cúm.
Mặc dù tiêm phòng cúm sẽ không giúp bảo vệ 100%, nhưng là lựa chọn tốt nhất để phòng tránh cúm và giảm nhẹ triệu chứng cũng như biến chứng do cúm gây ra.
Người lớn tuổi càng cần phải tiêm phòng cúm
Nếu trước đây bạn chưa từng tiêm phòng cúm, nhưng khi già đi, bạn nên tiêm phòng cúm càng sớm càng tốt, đặc biệt là nếu bạn mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường và bệnh tim hoặc hệ thống miễn dịch bị suy giảm, tổn thương. Người cao tuổi có nguy cơ cao bị biến chứng do cúm, như viêm phổi hoặc mất nước.
2. Tránh tiếp xúc với người bị bệnh
Mặc dù không phải lúc nào cũng có thể tránh tiếp xúc với người bị bệnh, nhưng bạn nên cố gắng tránh lại gần những người đang bị ho, hắt hơi. Trong một số trường hợp, bạn nên đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân mình. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý rửa tay thường xuyên, ăn uống lành mạnh, không hút thuốc lá và kiểm soát tình trạng dị ứng (nếu có).
Để phòng tránh nhiễm virus, bạn không nên lại gần người đang bị bệnh
3. Không dùng chung vật dụng cá nhân
Nếu bạn không muốn bị nhiễm virus, tốt nhất là không dùng chung, không cho mượn vật dụng cá nhân (như cốc uống nước, dĩa, bàn chải đánh răng, khăn mặt, ống hút, thậm chí cả điện thoại di động và vỏ gối...). Virus có trong miệng của bạn hoặc của người khác có thể dễ dàng bám lại trên bề mặt đồ dùng đó và sẽ truyền cho người khác khi dùng chung đồ.
4. Rửa tay thường xuyên
Rửa tay là cách hiệu quả nhất để phòng tránh virus, phòng ngừa cảm lạnh, cúm và các bệnh khác. Một loại virus gây cảm lạnh có thể sống trên tay bạn đến 3 giờ. Nếu trong thời gian đó bạn chạm tay vào mắt hoặc mũi, bạn có thể bị nhiễm bệnh.
Khi rửa tay, bạn nên dùng xà phòng, chà xát hai bàn tay vào nhau, rửa sạch dưới vòi nước ấm. Nếu không có xà phòng và nước, hãy dùng nước sát trùng, khử trùng tay. Những sản phẩm này thường được làm bằng cồn và chất làm mềm da. Chúng có thể không tiêu diệt tất cả vi trùng, nhưng sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ bị cảm lạnh hoặc cúm.
5. Tránh chạm tay lên mắt và mũi
Bàn tay của bạn có thể vừa bắt tay người khác, vừa chạm vào nút thang máy hay tay nắm cửa... Bởi vậy, hãy tập thói quen không chạm tay vào mắt hoặc mũi, trừ khi bạn vừa rửa tay sạch, vì chạm tay lên mắt và mũi là con đường lây nhiễm phổ biến nhất đối với virus cúm và cảm lạnh. Bạn cũng nên lau chùi, vệ sinh sạch các bề mặt dễ bị nhiễm virus như công tắc đèn, tay cầm vòi nước, điều khiển TV, điện thoại...
6. Uống đủ nước
Uống đủ nước là cách tốt nhất để tăng cường hệ miễn dịch, chống lại virus. Không khí khô, nóng có thể khiến bạn dễ bị mất nước, mệt mỏi và dễ bị bệnh hơn.
7. Ngủ đủ giấc
Thiếu ngủ làm suy giảm hệ thống miễn dịch, khiến bạn dễ mắc bệnh hơn. Để ngủ đủ giấc và ngủ ngon hơn, bạn hãy cố gắng giữ thói quen trước khi đi ngủ.
Theo Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ, hầu hết người lớn cần ngủ từ 7 - 9 giờ, trong khi trẻ em trong độ tuổi đi học cần ngủ từ 9 - 11 giờ.
8. Ăn những thực phẩm lành mạnh
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp hệ miễn dịch mạnh mẽ hơn và giúp ngăn ngừa cảm lạnh, cúm. Bạn nên ăn nhiều rau củ quả tươi, protein và carbohydrate phức tạp (ví dụ như yến mạch và gạo nâu).
Nếu bạn nghĩ rằng chế độ dinh dưỡng của bạn không đáp ứng đủ nhu cần dưỡng chất cần thiết, bạn nên tìm hiểu về các sản phẩm thực phẩm chức năng, các loại vitamin tổng hợp... Trước khi dùng sản phẩm nào đó, bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ hoặc chuyên gia để lựa chọn đúng loại và đúng nhu cầu.
Không có cách nào giúp bạn tránh hoàn toàn virus hay không bị cảm lạnh, cúm. Nếu bạn bị nhiễm virus, điều bạn cần là thời gian và được nghỉ ngơi nhiều hơn để hệ thống miễn dịch của bạn tấn công virus. Khi bị nhiễm virus, không nên điều trị bằng thuốc kháng sinh hay bất kỳ loại thuốc nào khác. Nếu bạn bị nhiễm virus và bị biến chứng nghiêm trọng như sốt cao, đau ngực, khó thở, ngất hoặc thay đổi ý thức, bạn nên đi khám ngay.
Bình luận của bạn