9 sự thật có thể bạn chưa biết về bệnh bạch cầu

Những điều bạn cần biết về bệnh bạch cầu (leukemia)

Vitamin C - niềm hy vọng mới trong điều trị bệnh bạch cầu

6 dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị bệnh bạch cầu cấp

7 triệu chứng bệnh bạch cầu cấp tính ở trẻ em

Mẹ không cố gắng giảm cân, con phải chật vật với bệnh ung thư máu nguy hiểm

Không phải tất cả các bệnh bạch cầu đều giống nhau

Có 2 loại bệnh bạch cầu chính là: bạch cầu cấp tính và mạn tính. Bệnh bạch cầu cấp tính thường phát triển nhanh chóng trong các tế bào chưa trưởng thành và cần phải điều trị ngay lập tức. Còn bệnh bạch cầu mạn tính thường phát triển chậm hơn trong thời gian dài và âm thầm, trước khi chuyển sang giai đoạn cấp tính.

Y học phân loại các trường hợp bệnh bạch cầu dựa trên các loại tế bào bị ảnh hưởng. Hai loại bệnh bạch cầu xảy ra trong hệ thống miễn dịch bao gồm: Bệnh bạch cầu lymphocytic cấp tính (ALL) và bệnh bạch cầu lymphocytic mạn tính (CLL). Còn 2 loại khác liên quan đến các tế bào myeloid (nơi tạo ra các tế bào máu và tiểu cầu) bao gồm: Bệnh bạch cầu nguyên bào tủy cấp tính (AML) và bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính (CML).

Không phải tất cả bệnh bạch cầu đều cần phải được điều trị ngay lập tức

Những người được chẩn đoán mắc một dạng bệnh bạch cầu mạn tính và chưa xuất hiện triệu chứng bất thường thì có thể không cần điều trị ngay lập tức. Nên chọn cho mình một bác sỹ chuyên khoa để có thể giám sát và kiểm soát định kỳ tình trạng bệnh. Đây gọi là phương pháp "chờ đợi và theo dõi". Nếu tình trạng chuyển biến xấu đi, người bệnh có thể chuyển sang bắt đầu trị liệu bất kỳ lúc nào theo tư vấn của bác sỹ.

Trẻ em và người lớn có xu hướng mắc bệnh bạch cầu khác nhau

Bệnh bạch cầu lymphocytic cấp tính (ALL) thường chiếm khoảng 3/4 trường hợp bệnh bạch cầu ở trẻ em và thanh thiếu niên. Các trường hợp khác đa phần là bệnh bạch cầu nguyên bào tủy cấp tính (AML).

Ngược lại, các bệnh bạch cầu phổ biến nhất ở người lớn là AML và bệnh bạch cầu lymphocytic mạn tính (CLL), thường có xu hướng phát triển ở người già với ở độ tuổi trung bình là 67 tuổi.

Phần lớn trẻ em mắc bệnh bạch cầu đều sống sót

Đối với bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu lymphocyte cấp tính (ALL), hơn 90% số bệnh nhân dưới 15 tuổi còn sống sau 5 năm kể từ khi kết thúc điều trị và sau thời gian này, bệnh bạch cầu cũng ít có khả năng tái phát. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ sống sót sau 5 năm thậm chí còn cao hơn gần 93%. Còn nếu tính với tất cả các dạng bệnh bạch cầu thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở trẻ em là hơn 70%. Đây được xem là một bước tiến lớn kể từ những năm 1960, khi tỷ lệ sống sót của trẻ em bị mắc ALL chỉ là 10%.

Nhiều bệnh nhân đã chiến thắng bệnh bạch cầu

Thống kê cho thấy, tỷ lệ sống sót ở bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu tại Mỹ đã tăng gấp 4 lần trong 50 năm qua. Ngày nay, hơn 60% số bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu còn sống sau 5 năm điều trị. Hiện tại, đã có hơn 345.000 người sống chung hoặc đã khỏi bệnh bạch cầu ở Mỹ. Trong những năm 1960, tỷ lệ sống sót chỉ là 15% cho các nhóm được theo dõi. Tuy vậy, thống kê cho thấy, bệnh bạch cầu hiện vẫn là 1 trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư.

Tốc độ phát triển bệnh bạch cầu tăng nhẹ

Tỷ lệ mắc bệnh bạch cầu nói chung đã tăng lên, tăng trung bình 0,2% mỗi năm trên toàn cầu từ 2002 đến 2011. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong đã giảm nhanh hơn, trung bình 1% mỗi năm trong khoảng thời gian tương tự. Tỷ lệ mắc bệnh bạch cầu ở nam giới cao hơn một chút so với nữ giới, và thường thấy ở người da trắng hơn so với các chủng tộc và sắc tộc khác. 

Tế bào bạch cầu không "chết" tự nhiên và không tiêu hao dần

Không giống như các tế bào máu bình thường, các tế bào bạch cầu trong cơ thể người bệnh không chết đi ngay cả khi người bệnh già đi hoặc bị tổn thương, vì vậy chúng có thể dần tích tụ và lấn át các tế bào máu bình thường trong cơ thể người bệnh. Việc thiếu các tế bào máu khỏe mạnh cũng khiến cơ thể người bệnh khó lấy oxy hơn đến các mô, kiểm soát chảy máu hoặc chống nhiễm trùng.

Các tế bào bạch cầu cũng có thể lan sang các cơ quan khác, chẳng hạn như các hạch bạch huyết, lá lách và não. Lúc này, liệu pháp điều trị là hóa trị và xạ trị sẽ giúp tiêu diệt các tế bào ung thư, tuy nhiên, chúng cũng tiêu diệt cả các tế bào khỏe mạnh, đó là một phần lý do tác dụng phụ của phương pháp điều trị này.

Phát hiện ra "nhiễm sắc thể Philadelphia" là một đột phá trong điều trị bệnh bạch cầu

Nhiễm sắc thể Philadelphia, được đặt tên cho thành phố nơi nó được phát hiện vào năm 1960, là một dấu hiệu trong hầu hết các trường hợp mắc CML và một số trường hợp ALL. Phát hiện này cũng đã dẫn đến những đột phá trong điều trị ung thư máu, cho phép các nhà nghiên cứu phát triển các phương pháp điều trị nhắm mục tiêu di truyền cho những người mắc các loại bệnh bạch cầu. Nhờ đó, hiện nay, các phương pháp điều trị tiêu diệt các tế bào ung thư máu trở nên chính xác hơn và khiến các tế bào khỏe mạnh không bị hư hại, không giống như các hóa trị liệu trước đó. 

Nguyên Hương H+ (Theo CNN)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Ung thư