Vẫn cần “nhìn, sờ, gõ, nghe”!

Theo bác sỹ Lân Hiếu, "nhìn, sờ, gõ, nghe" là những việc bác sỹ không nên bỏ qua trong mỗi buổi khám bệnh

Xúc động khoảnh khắc giải cứu các em bé sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ

Kiến có thể "đánh hơi" ung thư trong nước tiểu

Tại sao ngủ đủ 8 tiếng nhưng sáng dậy vẫn uể oải?

Các thực phẩm giàu polyphenol có thể mang lại lợi ích sức khỏe gì?

Bác tôi vừa mất trước Tết Nguyên đán ở tuổi ngoài 90. Bác tôi là người ngành Y, trong gia đình có nhiều con cháu làm ngành y, nhưng khi tuổi cao, có bệnh cụ không muốn đi khám, vì cảm thấy thầy thuốc giờ đây khi khám bệnh thiếu sự tương tác với người bệnh như hỏi han, lắng nghe… mà chỉ định làm ngay các xét nghiệm, chụp X-quang hay làm siêu âm… Con cháu phải làm “công tác tư tưởng” cho cụ, rằng bây giờ mỗi ngày bác sỹ phải thăm khám cho hàng trăm bệnh nhân thì giờ đâu để hỏi chuyện, nghe người bệnh kể bệnh như trước đây. Vả lại bây giờ tân tiến, bác sỹ có nhiều phương tiện, công cụ kỹ thuật tiên tiến hỗ trợ cho việc khám chữa bệnh.

Nhắc đến chuyện tương tác thầy thuốc và bệnh nhân, mấy chục năm rồi trong tôi vẫn còn đọng mãi ấn tượng về một bác sỹ của Ban Bảo vệ sức khỏe trung ương được phân công chăm sóc các cụ trong gia đình tôi, đều là những cây đa cây đề trong ngành y. Mỗi khi đến thăm khám, câu chào của ông thật ấm áp nhân tình: Ông ơi/Bà ơi, hôm nay ông/bà thấy trong người thế nào ạ?! Rồi ông ngồi chăm chú hỏi han, lắng nghe các cụ kể bệnh.

bac-si-nguyen-lan-hieu-hanh-phuc-khi-chua-tri-cho-tre-em-trong-chuong-trinh-trai-tim-cho-em

Bác sỹ Lân Hiếu: Một cái ống nghe tốt nhiều khi có thể thay thế bao xét nghiệm đắt tiền.

Sở dĩ tôi nhớ lại những chuyện này khi vừa đọc những dòng chia sẻ trên trang Fb của bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu về việc khám bệnh lâm sàng. Xin dẫn lại dưới đây chia sẻ của bác sỹ Lân Hiếu:

“Khám lâm sàng

Khi khoa học phát triển nhiều thì chúng ta nghĩ vai trò của “nhìn, sờ, gõ, nghe” sẽ mất đi. Vậy tại sao trong các trường Y các Thầy Cô vẫn nhắc nhở hàng ngày! Rất nhiều nguyên nhân không được bỏ quên khám lâm sàng đặc biệt là khám thực thể, trong đó theo tôi có 2 mục tiêu quan trọng.

Thứ nhất giúp định hướng chẩn đoán. Với một bác sỹ giỏi, đầu giờ khám bệnh là lúc vất vả nhất để định hướng hoặc khu trú chẩn đoán rồi mới chỉ định các xét nghiệm cần làm. Cuối giờ khi có kết quả sẽ nhàn hơn rất nhiều vì các xét nghiệm khẳng định chẩn đoán lâm sàng của mình. Nếu không khám cẩn thận, xét nghiệm được chỉ định nhiều, tốn kém nhưng khi có kết quả lại thiếu, không đủ dữ liệu loại trừ hay khẳng định bệnh. Lúc này bác sỹ sẽ “vò đầu bứt tai” không tìm ra lối thoát.

Thứ hai, các dấu hiệu lâm sàng sẽ là các bằng chứng vàng khi đối chiếu với kết quả cận lâm sàng. Nếu xét nghiệm mang nhiều tính chủ quan (đặc biệt là siêu âm) không chính xác, bác sỹ không khám kỹ tin theo kết quả cận lâm sàng, hậu quả để lại rất nặng nề trên bệnh nhân.

Lấy ví dụ để các bạn dễ hiểu. Ngay sáng nay một đôi vợ chồng hốt hoảng dẫn cháu bé 5 tuổi đến gặp tôi với chẩn đoán Tim bẩm sinh thông liên thất, hở van tim 3 lá nặng, tăng áp động mạch phổi hơn 100mmHg. Các xét nghiệm cầm theo là một tập “từ chân lên đầu” (cả bộ xét nghiệm mỡ máu cho cháu). Đồng nghiệp gửi với mong muốn được phẫu thuật can thiệp càng sớm càng tốt do sự lo lắng của cả nhà.

Đập vào mắt tôi là trọng lượng, chiều cao cháu hoàn toàn bình thường, trái ngược nguyên lý tự nhiên của các trẻ tim bẩm sinh tăng áp động mạch phổi sẽ hay viêm phổi, không thể lên cân và còi cọc. Tôi đã mừng vì chắc 90% chẩn đoán bệnh viện bạn bị sai. Nghe tim thấy tiếng thổi tâm thu 3/6 lan hình nan hoa điển hình của bệnh Thông liên thất phần quanh màng lỗ nhỏ (Maladie de Roger). Một bệnh tim bẩm sinh lành tính không cần phẫu thuật.

Trước khi cho cháu làm lại siêu âm tim, tôi tự tin động viên bố mẹ chắc chắn mọi việc sẽ tốt lành. Kết quả siêu âm lỗ thông 3mm và áp lực động mạch phổi bình thường (đồng nghiệp bị nhầm phổ Doppler qua lỗ thông thành phổ hở van 3 lá). Quả tim cháu không cần phải động chạm dao kéo. Cháu gái xinh xắn lúc này mới nở nụ cười chia tay bác sỹ.

Một cái ống nghe tốt nhiều khi có thể thay thế bao xét nghiệm đắt tiền.

Dành nhiều thời gian vào đầu giờ sáng các bạn sẽ thư giãn ở cuối buổi khám của mình mỗi ngày.

Lời tâm sự của ông bác sỹ toan về già đang đợi trả lời kết quả những bệnh nhân cuối cùng trong buổi khám sáng nay.”

Tiếc rằng bác tôi đã mất, nếu không tôi sẽ đọc những dòng này cho cụ nghe, để cụ yên tâm với con cháu và những hậu duệ trong ngành rằng, dẫu cho có các thiết bị, công cụ tân tiến hỗ trợ thì “tứ chẩn” (vọng, văn, vấn, thiết - bước đầu tiên để chuẩn đoán bệnh trong y học cổ truyền) hay việc “nhìn, sờ, gõ, nghe” như cách nói của Bác sỹ Lân Hiếu vẫn là chuyện “thường ngày” cần làm của các thầy thuốc trong việc thăm khám bệnh hiện nay.

 
Diệu Vi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tôi chia sẻ