Thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Hiện trường một tòa nhà bị sập sau thảm họa động đất ở Osmaniye, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2 - Ảnh: CNN/Getty Images.

Nhật Bản lại rung chuyển vì động đất

Động đất tại Ecuador: Số người thiệt mạng lên tới con số 413

Hình ảnh văn hóa - lịch sử của Nepal bị “xóa sổ” sau động đất

Indonesia đang bên bờ vực của "thảm họa COVID-19" vì biến thể Delta

Trận động đất mạnh 7,8 độ Richter tấn công miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria hôm 6/2 đã san phẳng hàng nghìn tòa nhà và công trình xây dựng, xé toạc các khu dân cư và chôn vùi vô số nạn nhân dưới đống đổ nát. Tính đến cuối ngày 7/2, 5.894 người đã thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi 1.932 người chết ở Syria, The Guardian đưa tin.

Vào chiều 7/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã thiết lập vùng thảm họa đối với 10 tỉnh, tương đương 13 triệu dân trên tổng số 85 triệu dân nước này bị ảnh hưởng do trận động đất, và ban bố tình trạng khẩn cấp ở những khu vực này trong 3 tháng.

Quy mô thiệt hại do trận động đất 7,8 độ ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2 dự kiến còn tăng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng số người chết có thể vượt mốc 20.000 người. Các nhà địa chất tin rằng, đây có thể là một trong những trận động đất gây nhiều thương vong nhất trong thập kỷ này.

Trên khắp khu vực, lực lượng cứu hộ làm việc cật lực ngày đêm trong điều kiện thời tiết mùa đông khắc nghiệt, khi người dân đau khổ chờ đợi bên những đống đổ nát với hy vọng tìm thấy người thân, bạn bè và hàng xóm còn sống.

"Bây giờ là cuộc chạy đua với thời gian", Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tại trụ sở của tổ chức ở Geneva, Thụy Sĩ. "Mỗi phút, mỗi giờ trôi qua, cơ hội tìm thấy người sống sót giảm dần. Chúng tôi đã kích hoạt mạng lưới các đội y tế khẩn cấp của WHO để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho những người bị thương và dễ bị tổn thương nhất".

WHO cảnh báo 23 triệu người có thể bị ảnh hưởng và kêu gọi các quốc gia khẩn trương giúp đỡ vùng thảm họa. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Syria, nơi Liên hợp quốc cho biết gần 70% dân số dựa vào hỗ trợ nhân đạo trước khi xảy ra động đất và vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn sau thảm họa.

Trận động đất bắt nguồn từ đâu?

Sau trận động đất 7,8 độ richter ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, khoảng hơn 60 dư chấn là các trận động đất riêng lẻ tiếp tục được ghi nhận tại nhiều thành phố ở Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: CNN

Sau trận động đất 7,8 độ richter ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, khoảng hơn 60 dư chấn là các trận động đất riêng lẻ tiếp tục được ghi nhận tại nhiều thành phố ở Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: CNN

Theo CNN, tâm chấn động đất cách thành phố Nurdagi của Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 26 km về phía đông ở độ sâu khoảng 18 km trên vết nứt ở Đông Anatolia. Từ tâm chấn động đất, các dư chấn tỏa ra về phía đông bắc, gây ra sự tàn phá cho miền trung Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Một loạt dư chấn vang dội khắp khu vực trong vài giờ ngay sau trận động đất ban đầu mạnh 7,8 độ richter. Cục Khảo sát Địa Chất Mỹ (USGS) cho biết, một cơn dư chấn tiếp mạnh 6,7 độ xảy ra sau 11 phút sau trận động đất đầu tiên, nhưng trận động đất lớn nhất, đo được 7,5 độ richter, cách vài giờ sau đó.

Theo các nhà địa chất học, thông thường sau trận động đất chính, sẽ xuất hiện các dư chấn có cường độ thấp hơn, song việc có hai trận động đất có cường độ lớn trên 7 độ richter chỉ cách nhau vài giờ là cực kỳ hiếm.

Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ đã ghi nhận hơn 60 dư chấn ở khu vực xảy ra trận động đất 7,8 độ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Kết quả, cho đến nay, gần 8.000 người thiệt mạng và hàng nghìn tòa nhà đã bị sập, trong khi công tác cứu hộ vẫn đang chạy đua với thời gian để cứu nhiều nạn nhân vẫn còn mắc kẹt.

Tại sao trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ lại gây hậu quả thảm khốc đến vậy?

Thổ Nhĩ Kỳ đang kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế trong các nỗ lực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ sau trận động đất 7,8 độ richter gây nên khung cảnh hoang tàn này ở Hatay - Ảnh: CNN

Thổ Nhĩ Kỳ đang kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế trong các nỗ lực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ sau trận động đất 7,8 độ richter gây nên khung cảnh hoang tàn này ở Hatay - Ảnh: CNN

Có nhiều nguyên nhân khiến trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria gây thiệt hại cực lớn về người và của, bao gồm thời gian xảy ra, vị trí, đường đứt gãy tương đối yên tĩnh và kết cấu yếu của các tòa nhà bị sập.

Trận động đất gây ra sự tàn phá khủng khiếp một phần vì sức mạnh của nó - đây là trận động đất mạnh nhất tấn công Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939. Hơn nữa, trận động đất mạnh này đã tấn công vào khu vực đông dân cư, khu vực bị ảnh hưởng cũng là nơi có các tòa nhà cũ với kết cấu dễ bị sập bởi động đất. Chưa kể nó diễn ra vào lúc 4h17 sáng (giờ địa phương), điều này đồng nghĩa với việc những người dân đang ngủ sẽ dễ bị mắc kẹt và không kịp thoát ra ngoài khi ngôi nhà của họ sụp đổ. Trong khi đó, lực lượng cứu hộ cũng gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết xấu (nhiệt độ dưới 0 độ C), không thể kịp thời giải cứu các nạn nhân.

 

Nhà địa chấn học Susan Hough của USGS nhận định trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria gây thiệt hại nặng nề vì vị trí và độ sâu tâm chấn.

"Thế giới từng chứng kiến nhiều trận động đất mạnh hơn vậy trong 10-20 năm qua nhưng các chấn động gần 8 độ thường không xảy ra ở các vị trí đứt gãy nông" - bà Hough viết trên Twitter - "Chúng đặc biệt nguy hiểm nếu tâm chấn ở gần các khu vực tập trung đông dân cư".

“Đây là trận động đất mạnh nhất được ghi nhận ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939,” trích báo cáo của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (UNOCHA) công bố ngày 6/2, theo CNN.

Các chuyên gia cho biết, độ lớn của cơn địa chấn là một trong những nguyên nhân khiến thảm họa động đất ngày 6/2 ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có sức tàn phá lớn đến như vậy. USGS thống kê, trung bình trên thế giới mỗi năm chỉ xảy ra khoảng 15 trận động đất mạnh hơn 7 độ Richter. Ngoài ra, do cơn địa chấn ban đầu khởi phát ở vị trí nông, chỉ sâu 18km so với bề mặt Trái đất nên ảnh hưởng lên bề mặt bị khuếch đại.

Bên cạnh đó, theo các nhà địa chất học, Thổ Nhĩ Kỳ là một “điểm nóng” về động đất. Phần lớn đất nước nằm trên mảng Anatolia, một mảng kiến tạo nhỏ bị o ép giữa 4 mảng kiến tạo khác, trong đó có mảng Ảrập ở phía Đông Nam, đang tiến về phía Tây Bắc và mảng Á - Âu lớn hơn nhiều ở phía Bắc, đang di chuyển về phía Đông Nam. Động đất xuất hiện phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ, với hầu hết các vụ xảy ra dọc theo đứt gãy Bắc Anatolian, ranh giới với mảng Á – Âu chạy gần Istanbul.

 

Thế giới chung tay khắc phục hậu quả

Hiện hỗ trợ từ khắp nơi trên thế giới đang đến với khu vực hứng chịu động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Quy mô của cuộc khủng hoảng nhân đạo đang trở nên rõ ràng hơn. Và các cơ quan viện trợ đang cảnh báo về những khó khăn trong cả việc tiếp cận những người sống sót và điều trị những người bị thương. Hơn 12.000 nhân viên tìm kiếm và cứu hộ cùng 9.000 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc tại các khu vực bị ảnh hưởng. Hơn 70 quốc gia đã cung cấp các đội cứu hộ và viện trợ, nhưng quy mô của thảm họa được cho là rất đáng sợ. Cơ quan Ứng phó Khẩn cấp và Thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hơn 11.000 tòa nhà đã bị phá hủy trong động đất và 20.426 người bị thương.

Hiệp Nguyễn (CNN/AP/The Guardian)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn