Bệnh mạch vành: Phương pháp bắc cầu động mạch vành có hiệu quả không?
SUCKHOE+ | Xin chào chuyên gia! Tôi được biết ngoài đặt stent, còn có phương pháp bắc cầu động mạch vành để điều trị bệnh mạch vành, thiếu máu cơ tim. Mong chuyên gia tư vấn giúp tôi rõ hơn phương pháp này là gì? Có được vĩnh viễn không hay chỉ được tối đa bao nhiêu năm? (trungkien27***@gmail.com)
PGS.TS. Nguyễn Văn Quýnh, Nguyên Chủ nhiệm khoa Nội cán bộ A1, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trả lời:
Chào bạn!
Đúng là khi không còn có thể can thiệp nong đặt stent, các bác sỹ sẽ có thể cân nhắc các phương pháp khác như phẫu thuật bắc cầu vành. Phương pháp bắc cầu động mạch vành được thực hiện bằng cách lấy một đoạn động mạch hoặc tĩnh mạch để tạo thành “cây cầu”, nối từ động mạch chủ xuống đoạn dưới của động mạch vành, đi qua đoạn mạch bị hẹp.
Phương pháp này cũng thường được áp dụng trong trường hợp động mạch vành bị hẹp cả một đoạn dài, nong đặt stent không được vì không có stent nào đủ dài, cũng như không thể đặt nhiều stent liên tiếp. Lúc này, các bác sỹ sẽ buộc phải tính tới phương án bắc cầu mạch vành.
Đây là một phương pháp đã có từ khá lâu và trên thực tế đã cứu sống được nhiều người bệnh, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho nhiều người bệnh thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim.
Phương pháp bắc cầu động mạch cũng có chỉ định khi thể trạng của bệnh nhân cho phép mổ, khi người bệnh không còn có thể can thiệp đặt stent do hẹp đa mạch. Do có 3 nhánh mạch vành chính nên người bệnh có thể làm 3 cầu mạch vành để đưa máu xuống đoạn dưới, tiếp tục nuôi dưỡng cơ tim.
Với câu hỏi phương pháp bắc cầu động mạch vành có được vĩnh viễn không? Có thể nói vĩnh viễn thì khó, nhưng có nhiều người bệnh đã bắc cầu động mạch vành vẫn sống tối sau 10 năm thực hiện. Tuy nhiên, dù phương pháp này giúp lưu thông máu tốt trở lại, nhưng người bệnh vẫn cần phải điều trị củng cố để chống kết tập tiểu cầu, kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác.
Về tuổi thọ của phương pháp bắc cầu động mạch vành, nhiều tài liệu cho thấy sử dụng động mạch ngực hay động mạch quay làm “cầu” sẽ có tuổi thọ bền hơn, nguy cơ tái hẹp ít hơn. Trong khi đó, dùng tĩnh mạch ở chân đưa lên thì độ bền sẽ không bằng được động mạch.
Bình luận của bạn