Bệnh viện Việt Nam: "Nam châm" hút bệnh nhân ngoại!

Một bệnh nhân nước ngoài được điều trị tại bệnh viện.

Bệnh viện Việt Đức chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện vệ tinh

Phẫu thuật thành công ca vỡ lách giãn đồng tử

Thủ tướng dự khánh thành Bệnh viện Chợ Rẫy-Phnom Penh

Bệnh viện Chợ Rẫy thanh toán viện phí qua ATM

Người bệnh từ khắp năm châu

Tại các bệnh viện lớn và có uy tín tại TP. HCM, Hà Nội số lượng bệnh nhân nước ngoài đến khám và điều trị chiếm tỷ lệ lớn. Theo thống kê, năm 2013, Bệnh viện Đại học Y Dược

TP.HCM đã điều trị cho hơn 17.000 người nước ngoài. Trong đó, đông nhất là người Campuchia. Ngoài ra, còn có một lượng lớn người châu Âu, châu Mỹ đang làm việc tại Việt Nam và các nước trong khu vực như Đài Loan, Hàn Quốc. Mỗi năm số lượng này tăng trung bình khoảng 10%.

"Người nước ngoài sang đây khám bệnh như cơm bữa”, bà Nguyễn Thị Lệ Thu - Giám đốc Đối ngoại và Tiếp thị, Bệnh viện FV ở TP.HCM tự hào, cho biết. 10 năm trước bệnh nhân nước ngoài chủ yếu là dân các nước ở Đông Nam Á nhưng nay theo bà Thu mấy năm nay có cả người châu Âu, một số khác đến từ châu Mỹ, châu Phi. 

Số lượng bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam khám, chữa bệnh ngày càng tăng

Không chỉ có bệnh nhân là người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh mà tại các BV Chợ Rẫy, ĐH Y dược TP.HCM mỗi năm đón ít nhất 20 bác sỹ đến từ các nước Đông Nam Á sang học các kỹ thuật mới về nội soi tiêu hóa, tim mạch, nhi,...

Chuyên môn ngang tầm thế giới

Nước ta có nhiều chuyên gia y tế, bác sỹ giỏi đứng ngang hàng với đồng nghiệp ở các nước tiên tiến. Các bác sỹ của Việt Nam có khả năng làm chủ các kỹ thuật cao ngang tầm thế giới. Những năm qua, ngành y tế Việt Nam đã luôn quan tâm đầu tư, phát triển mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tiếp cận và ứng dụng thành tựu về khoa học và công nghệ hiện đại, từng bước đưa nền y học nước ta đạt trình độ cao trong khu vực và thế giới.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh ngày càng tăng, trong đó có nhiều bệnh nan y. Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, cho biết: "Ở TP. HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là nơi thu hút nhiều bệnh nhân nước ngoài".

Trong nhiều lĩnh vực, y học Việt Nam khẳng định được vị thế của mình

Trong nhiều lĩnh vực, y học Việt Nam khẳng định được vị thế của mình như: Ghép tạng, can thiệp tim mạch, ung bướu, nội soi phẫu thuật, can thiệp chấn thương chỉnh hình, ứng dụng tế bào gốc, hỗ trợ sinh sản, nhãn khoa...

Cuối tháng 11/ 2013, các bác sỹ Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội đã cứu sống nữ du khách người Mỹ không may mắc bệnh tắc động mạch phổi cấp tính do huyết khối. Đây là bệnh cấp tính, hiếm gặp và có nguy cơ tử vong cao. Sau 6 giờ phẫu thuật, nhiều khối máu đông đã được lấy ra khỏi động mạch, bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch. Qua 10 ngày điều trị tiếp theo, sức khỏe bệnh nhân ổn định trở lại.

Trước đó, tháng 5/2012, Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã cấp cứu và phẫu thuật thành công lóc tách động mạch chủ cho bệnh nhân người Nhật Singo Gose (58 tuổi) đang làm việc tại Việt Nam. Để xử lý ca bệnh khó này, các chuyên gia đầu ngành tim mạch Việt Nam đã hội chẩn và kết luận bệnh nhân phải phẫu thuật gấp, nếu không tính mạng sẽ bị đe dọa.

Không ít người sang Việt Nam với mong muốn điều trị hiếm muộn

Không chỉ sang Việt Nam để được điều trị bệnh, không ít người nước ngoài còn muốn “kiếm con”. Theo Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP. HCM: "3 trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm gồm Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện An Sinh và Bệnh viện Vạn Hạnh luôn là địa chỉ quen thuộc đối với các cặp vợ chồng nước ngoài hiếm muộn. Riêng Bệnh viện Từ Dũ, mỗi năm có trên 200 trường hợp người nước ngoài đến điều trị hiếm muộn. Ở Bệnh viện An Sinh, con số này cũng khoảng 200. Ngoài ra, nhiều người còn sang Việt Nam để được chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền, châm cứu…".

Theo các chuyên gia, y học nước ta ngày càng “hút khách” không chỉ do giá rẻ hơn 5 - 10 lần so với thế giới mà nhiều loại kỹ thuật y khoa đủ sức đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe. Vài năm gần đây, tiến bộ y học của Việt Nam đã phần nào bắt kịp trình độ thế giới. Nhiều trường hợp người nước ngoài chọn cách đến Việt Nam để du lịch và kết hợp trị bệnh theo kiểu “một công đôi việc”. Với việc phẫu thuật và điều trị thành công nhiều ca bệnh khó đã giúp đội ngũ y - bác sỹ nước nhà tự tin hơn.

Tín hiệu tích cực

Lâu nay, người bệnh nước ta thường ra nước ngoài điều trị (phần lớn qua Singapore; Kế đến là Thái Lan, Úc, Mỹ, Trung Quốc), nay xu hướng này có sự đảo chiều: Người nước ngoài tìm đến Việt Nam để khám chữa bệnh. Theo Bộ Y tế, nếu mỗi năm nước ta có khoảng 40.000 - 50.000 bệnh nhân ra nước ngoài chữa trị với chi phí khoảng 2 tỉ USD thì ngược lại, bệnh nhân từ nước ngoài, trong đó có Việt kiều, cũng đang tìm về Việt Nam trị bệnh, làm đẹp, tìm cơ hội sinh con. Nguồn ngoại tệ thu được mỗi năm khoảng 1 tỉ USD.

Ông Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Hiện nay có một thông tin đáng mừng là không chỉ người Việt Nam ra khám và chữa bệnh ở nước ngoài mà ngược lại, ngày càng nhiều người nước ngoài vào Việt Nam để chữa bệnh. Chúng tôi cũng hy vọng trong tương lai, việc khám bệnh bằng hình thức du lịch hay thu hút những người ở các nước lân cận vào Việt Nam chữa bệnh sẽ khả thi".

Người nước ngoài ngày càng tin tưởng nền y tế Việt Nam

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh: “Người nước ngoài khám chữa bệnh tại Việt Nam không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn cho thấy y đức của ngành y nước nhà đang được tin tưởng. Đây là hiện tượng tích cực cho ngành y tế nói chung và từng bệnh viện nói riêng. Hy vọng tâm lý “sính ngoại” của người Việt sẽ thay đổi từ đây”.

Theo Bác sỹ Nguyễn Đình Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115: "Hiện bệnh viện đã thực hiện hơn 20 kỹ thuật cao, phẫu thuật được nhiều bệnh lý khó. Theo tính toán, 19 kỹ thuật chuyên khoa của bệnh viện có chi phí rẻ hơn tại Singapore, chẳng hạn một ca ghép thận chỉ từ 180-200 triệu đồng trong khi tại Singapore từ 760 triệu đến 1 tỉ đồng; Phẫu thuật đóng lỗ liên thất bằng DSA khoảng 45-60 triệu đồng, so với 320 triệu đồng ở Singapore".
Thanh Tú H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý