Bệnh... từ bệnh viện

Ẩn chứa rất nhiều mầm bệnh từ chất thải y tế (Ảnh: Internet)

Mỗi ngày cả nước có 450 tấn chất thải y tế

Nghi vấn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị đổ trộm chất thải nguy hại

Chôn chất thải nguy hại, một công ty bị phạt 100 triệu đồng

Chất thải y tế nguy hại vẫn kiểu quản lý "trên giấy"

Nhức nhối chất thải y tế

Xử lý chưa triệt để

Việc xử lý chất thải rắn nguy hại của ngành y tế vẫn còn nhiều vướng mắc. Cả nước có khoảng 200 lò đốt, nhưng số lò đốt hiện đại đạt tiêu chuẩn môi trường mới xử lý được khoảng 40% chất thải tại các bệnh viện, chủ yếu tập trung tại tuyến bệnh viện Trung ương. Số còn lại là các lò đốt công suất nhỏ và trung bình, phục vụ xử lý chất thải tại chỗ hoặc cho cụm bệnh viện. Trong đó có nhiều lò đốt không được sử dụng hoặc vận hành không hết công suất, nhiều lò đốt không có hệ thống xử lý khí thải, nên không thể kiểm soát được các khí độc hại như dioxin, furan. Thậm chí phần lớn bệnh viện huyện và một số bệnh viện tỉnh vẫn còn dùng biện pháp chôn lấp chất thải nguy hại trong khuôn viên hoặc chôn lấp tại bãi chất thải chung của địa phương.

Theo quy định, rác thải y tế phải được phân loại thành 5 nhóm: Rác thải lây nhiễm, các vật sắc nhọn, rác thải từ phòng thí nghiệm, rác từ dược phẩm, rác thải bệnh phẩm. Cùng với việc phân loại, mỗi loại rác thải khác nhau cần phải có quy trình xử lý đúng cách để hạn chế tối thiểu những tác động đến môi trường. Tuy nhiên, do chưa được đầu tư những hệ thống xử lý đạt chuẩn cũng như trình độ năng lực, đạo đức của đội ngũ thi hành pháp luật chưa cao nên còn rất nhiều bệnh viện, cơ sở y tế vi phạm quy định về xử lý rác thải y tế.

Rác thải y tế chất đầy vìa hè ở Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành (Ảnh: Quốc Vinh/NDĐT)

Gần đây, hình ảnh rác thải sinh hoạt vương vãi khắp đường và rác thải y tế chất thành đống trên vỉa hè tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành (Hải Dương) gây mất vệ sinh môi trường đã khiến người bệnh và người dân quanh khu vực rất bức xúc. Và khi được hỏi về vấn đề xử lý rác thải y tế thì vị giám đốc bệnh viện này trả lời rằng: “Việc rác thải bệnh viện, rác thải y tế chất đống trên vỉa hè là để thuận tiện cho việc vận chuyển, thu gom…”

Trước đó, hồi tháng 7, Nhiều người dân ở xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội không khỏi bức xúc và lo lắng khi phát hiện chỉ sau một đêm, cánh đồng của họ tràn ngập những hộp, ống các loại như: ho siro Royal, Egokids, và Cancium-calciferol... Sau khi tiến hành điều tra lực lượng chức năng mới phát hiện ra toàn bộ số thuốc xả thải bừa bãi đó là những sản phẩm không đạt chất lượng của một công ty sản xuất dược phẩm và thực phẩm chức năng trong huyện.

Do người đứng đầu cơ sở...

Theo Đại tá Trần Trọng Bình – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an: “Trong thời gian vừa qua, những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường y tế đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng. Đó là việc quản lý chất thải y tế nguy hại không đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như không bố trí nơi lưu giữ riêng biệt chất thải y tế nguy hại, không phân loại triệt để chất thải y tế nguy hại tại nguồn, để lẫn các loại chất thải y tế với nhau.”

Đại tá Trần Trọng Bình chia sẻ về vấn đề chất thải y tế hiện nay (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Thậm chí nhiều bệnh viện, cơ sở y tế còn chôn lấp rác thải y tế hoặc đốt thủ công, gây ô nhiễm môi trường sống xung quanh. Đáng chú ý, một số cơ sở y tế do quy trình quản lý rác thải y tế lỏng lẻo đã để nhân viên lợi dụng thu gom và tuồn bán rác thải y tế ra bên ngoài cho các đầu nậu thu gom sử dụng làm nguyên liệu tái chế sản xuất các vật dụng sinh hoạt.

Cũng theo Đại tá Bình, nguyên nhân chính của tình trạng này là do chưa có quy định cơ chế trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với người đứng đầu ở các cơ sở y tế công. Họ chủ yếu quản lý về chuyên môn, hưởng lương nhà nước, kinh phí đầu tư thì trông chờ ngân sách cấp, trong khi bị phát hiện và xử phạt thì những cơ sở y tế công thì nguồn kinh phí để xử phạt là nguồn kinh phí của tập thể. Đây cũng là điều ảnh hưởng rất lớn, gây ra sự lãng phí.

Mặt khác, một số cơ sở y tế, nhất là các cơ sở y tế tư nhân vì động cơ lợi ích đã trốn tránh nghĩa vụ xử lý các loại chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động. Họ không đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, không hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại mà chuyển giao cùng với chất thải sinh hoạt để tiết kiệm chi phí cho công tác bảo vệ môi trường.

Ẩn chứa bệnh tật

PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói về mối nguy hại từ chất thải y tế (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga – Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế: “Những chất thải hóa học nguy hại chẳng hạn như có những lọ thuốc khi dùng không hết thì phải xử lý theo nguyên tắc là tiêu hủy. Bởi vì kháng sinh mà rơi ra môi trường sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc gây nhiều yếu tố ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt với những thuốc điều trị ung thư thì chất độc tế bào môi trường rơi ra thì tế bào này có thể gây ra ảnh hưởng đến môi trường rồi các loại chất ăn mòn, xét nghiệm trong bệnh viện, các chất gây tê, gây mê có thể thải ra môi trường có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe.”

Thế nhưng, việc xử lý chất thải y tế hiện nay còn quá nhiều bất cập bởi nguy cơ lây lan mầm bệnh nếu không có phương tiện vận chuyển chuyên dụng và nếu chôn lấp có thể gây ô nhiễm nguồn nước và đến một lúc nào đó sẽ không còn đất để chôn lấp. Mặt khác, việc xử lý rác thải nguy hại bằng lò thiêu ngoài trời, thủ công đã và đang gây ra tình trạng ô nhiễm cũng như thải ra rất nhiều chất độc hại ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân.

Theo các chuyên gia y tế, việc tiếp xúc với các chất thải y tế rắn có thể gây nên bệnh tật hoặc tổn thương cho cơ thể. Hơn nữa, trong chất thải y tế lại chứa đựng các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như: virus HIV, viêm gan B có thể thâm nhập vào cơ thể qua các vết trầy xước, qua niêm mạc, qua đường hô hấp do hít phải, qua đường tiêu hóa do nuốt hoặc ăn phải làm tăng nguy cơ ung thư và các bệnh hiểm nghèo cho con người.

Ngoài ra, nguồn nước thải từ bệnh viện luôn ẩn chứa nhiều loại virus nguy hại như tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, E.coli cùng nhiều loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, virus bại liệt… Nếu như các cơ sở y tế không có quy trình xử lý chất thải y tế nguy hại triệt để chúng sẽ có khả năng xâm nhập các loại thủy sản, vật nuôi, rau thủy canh. Người dân ăn phải các thực phẩm mang mầm bệnh thì nguy cơ mắc bệnh sẽ rất cao.

Rác thải y tế được sàng lọc để đem đi tái chế tại một cơ sở thu gom phế liệu (Ảnh: Internet)

Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản để quản lý chất thải y tế nhưng còn thiếu về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn cụ thể về chuyên môn. Đồng thời nhân sự của lực lượng quản lý môi trường y tế vừa thiếu vừa “yếu” nên chưa thể giải quyết được tất cả những vấn đề liên quan.

Vấn đề này cần được các lực lượng, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan chức năng chủ quản tăng cường công tác phối hợp để quản lý nhằm góp phần đem lại môi trường lành mạnh để giúp người dân có thể giảm thiểu được những nguy cơ xấu ảnh hưởng đến sức khỏe.

Vi Dũng H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý