Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hướng dẫn F0 tự quản lý, chăm sóc tại nhà

Tư vấn trực tuyến "Hướng dẫn F0 tự quản lý, điều trị tại nhà" của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Bộ Y tế hướng dẫn sử dụng y dược cổ truyền để phòng COVID-19

Hướng dẫn chăm sóc F0 là người cao tuổi tại nhà

TP.HCM hướng dẫn chi tiết về cách chăm sóc và theo dõi sức khỏe F0 tại nhà

Đà Nẵng hỗ trợ F0 điều trị tại nhà bằng ứng dụng

Chương trình Talkshow “Hướng dẫn F0 tự quản lý, chăm sóc tại nhà” được chủ trì bởi 2 chuyên gia đến từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, là PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện và PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh - Giám đốc Trung tâm Y học Gia đình & Chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, giải pháp điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, nơi cư trú đang được xem là mô hình điều trị phù hợp khi tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 đạt mức cao. 

Từ điểm cầu Bình Dương, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho hay: “Trong giai đoạn hiện nay, F0 tại nhà hầu như không có triệu chứng lâm sàng, và chính vì không có triệu chứng lâm sàng nên người bệnh không biết bản thân mình phải làm gì, uống thuốc gì. Và những người bác sỹ cũng đang phải trả lời quá nhiều câu hỏi như vậy, điều này khiến cho những người thực sự cần chăm sóc, đánh giá tình trạng suy hô hấp, chuyển viện không nhận được sự theo dõi một cách chu đáo.”

Talkshow cung cấp các nội dung cần thiết cho người bệnh và gia đình có F0 đang điều trị tại nhà.

Điều kiện để F0 theo dõi tại nhà

PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh tại buổi tư vấn

PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh tại buổi tư vấn

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế (tại Quyết định 5525/QĐ-BYT ngày 1/12/2021), người mắc COVID-19 nguy cơ thấp (từ 3 tháng đến dưới 50 tuổi), chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vaccine, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường và chỉ số SpO2 từ 97% trở lên sẽ được chăm sóc tại nhà riêng.

PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh nhấn mạnh, ngay khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, người bệnh cần bình tĩnh, báo ngay cho Tổ COVID cộng đồng tại địa phương. F0 cần phối hợp với chính quyền, rà soát các điều kiện điều trị tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế và địa phương.

F0 đủ điều kiện hoàn toàn yên tâm điều trị tại nhà, với sự hỗ trợ của nhân viên y tế từ xa. Các phương tiện cần có khi điều trị tại nhà gồm: Nhiệt kế, máy đo độ bão hòa oxy đầu ngón tay (SpO2), máy đo huyết áp, khăn giấy dùng 1 lần, khăn giấy lau mặt, nước sinh hoạt, xà phòng rửa tay, chất khử trùng chứa ít nhất 60% cồn, nước rửa chén, xà phòng giặt, khẩu trang y tế dùng 1 lần, găng tay y tế sạch, thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy và túi nilon màu vàng lót bên trong thùng, các sản phẩm tẩy rửa gia dụng thông thường, thuốc tẩy (5% sodium hypochlorite) và hộp đựng riêng để pha loãng (1 phần thuốc tẩy với 9 phần nước).

Điều F0 cần làm khi theo dõi tại nhà

Trong thời gian điều trị tại nhà, người bệnh tự cách ly mình, không tiếp xúc với người trong gia đình và vật nuôi. Thực hiện Thông điệp 5K, cài đặt và khai báo y tế hàng ngày trên các ứng dụng phòng dịch trong suốt thời gian cách ly.

Người bệnh cũng cần tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe và thông báo cho nhân viên y tế, đặc biệt khi có biểu hiện: Ho, sốt, đau rát họng, khó thở. Người bệnh cũng cần tự thực hiện các biện pháp khử khuẩn nơi ở hàng ngày.

Để ổn định tâm lý, người bệnh F0 điều trị tại nhà cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Trong giai đoạn đầu, người có thể gặp triệu chứng chán ăn, hắt hơi, ngạt mũi, đờm… Khi đó, nên ăn các thức ăn mềm, uống đủ nước để duy trì dinh dưỡng.

Để khắc phục triệu chứng chán ăn, người bệnh nên chia nhỏ bữa ăn để đảm bảo năng lượng, sử dụng thực phẩm dễ ăn, dễ tiêu. PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh nhấn mạnh, không có thực phẩm nào giúp tiêu diệt SARS-CoV-2, giúp khỏi bệnh ngay lập tức. Tuy nhiên, thực phẩm giàu dinh dưỡng sẽ giúp người bệnh có sức khỏe chống chọi với virus. Chế độ ăn tốt cho sức đề kháng nên có rau củ quả tươi, cung cấp đủ năng lượng và protein.

Phương pháp tập thở chúm môi dành cho người mắc COVID-19

Phương pháp tập thở chúm môi dành cho người mắc COVID-19

Trả lời thắc mắc “F0 có nên tập thể dục, thể thao hay không”, PGS.TS Thanh cho hay, trong điều kiện phòng cách ly thiếu không gian, F0 nên tập thở, tập yoga tại chỗ, squat hay đi bộ nhẹ nhàng. Các bài tập thể dục trong phòng, tập trên giường hoặc các bài tập thở sẽ giúp tăng khả năng thông khí. Tránh các bài tập phải vận cơ mạnh (như tập tạ) dẫn tới mệt mỏi, kiệt sức. 

Những điểm người chăm sóc F0 tại nhà cần chú ý

Nếu có thể, những người có nguy cơ mắc bệnh do nhiễm COVID-19 không nên tham gia chăm sóc trực tiếp cho F0. Người chăm sóc F0 tại nhà cần đeo khẩu trang, găng tay dùng 1 lần và các thiết bị bảo vệ mắt, chắn giọt bắn; Mang găng tay dùng 1 lần khi chạm vào người bệnh, môi trường của người bệnh cũng như các vật dụng, bề mặt bị nhiễm bẩn; Rửa tay thường xuyên trong ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bệnh.

Cách theo dõi sức khoẻ tại nhà theo các chỉ số sinh tồn và cách ứng phó

Trong quá trình điều trị tại nhà, người nhiễm COVID-19 cần tự theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Một số chỉ số quan trọng gồm: Mạch, thân nhiệt, chỉ số SpO2, huyết áp (nếu có), nhịp thở…

PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh hướng dẫn cụ thể cách đo oxy đầu ngón tay với máy đo SpO2. Bạn cần xoa ấm bàn tay trước khi kẹp thiết bị đo SpO2; Duỗi thẳng và cố định bàn tay lên trên mặt bàn; Khi đo cố gắng không cử động trong vòng 1 phút để kết quả được chính xác hơn.

Về nhịp thở, người bệnh cần lưu ý, nhịp thở có thể tăng cao trong trường hợp sốt, lo lắng. Với người lớn, nhịp thở trên 21 lần/phút có thể là bất thường. Cách xử trí trong trường hợp này là trấn tĩnh, thở sâu, sau đó gọi điện ngay cho nhân viên y tế để được hướng dẫn các bước tiếp theo.

PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh cũng lưu ý, do miền Bắc hiện tại đang là mùa Đông, F0 cần tránh bị nhiễm lạnh khi mở cửa sổ để thông khí trong phòng.

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hiện đang phát triển ứng dụng OurHealth HMUH trên điện thoại thông minh để hỗ trợ tư vấn từ xa dành cho F0 điều trị tại nhà.

Các gói thuốc thiết yếu cần dùng cho F0 khi điều trị tại nhà

Diễn biến lâm sàng của bệnh COVID-19 hiện khác với thời gian đầu dịch, đặc biệt khi người dân đã được tiêm vaccine phòng bệnh. PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh khẳng định, người bệnh không được tự ý dùng thuốc; Mua các sản phẩm được quảng cáo là "điều trị COVID-19" trôi nổi trên mạng. Thay vào đó, F0 cần tuân thủ hướng dẫn mới nhất từ Bộ Y tế và nhân viên y tế cơ sở. 

Gói thuốc A gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng

Gói thuốc A gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng

Gói thuốc A: Đây là gói thuốc điều trị triệu chứng, gồm thuốc giảm đau hạ sốt paracetamol, vitamin, nước bù điện giải, nước muối sát trùng mũi họng. Người dân có thể chuẩn bị sẵn sàng các sản phẩm trên tại nhà trong trường hợp chưa kịp mua thuốc, đơn vị y tế chưa kịp cung cấp.

Người có tiền sử dị ứng paracetamol cần chuẩn bị 1 nhóm thuốc hạ sốt khác. Người sốt cao, tiêu chảy mới cần sử dụng nước bù điện giải (như dung dịch oresol). Nếu không, bạn có thể uống nước lọc và nước hoa quả.

Gói thuốc B: Gói thuốc B gồm thuốc kháng viêm, kháng đông, cần được chỉ định của bác sỹ trong các trường hợp cụ thể, có sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế. Người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng nhóm thuốc này. Gói thuốc B chống chỉ định với phụ nữ có thai, đang cho con bú, người mắc các bệnh viêm loét dạ dày, suy gan, suy thận, bệnh dễ chảy máu.

Gói thuốc C: Gói thuốc C gồm thuốc kháng virus dành cho người từ 18-65 tuổi, sử dụng dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Thuốc có chống chỉ định với phụ nữ có thai/đang cho con bú, người viêm gan, suy gan, suy thận, viêm tụy…

Bạn có thể theo dõi Tư vấn trực tuyến được phát lại trên fanpage, kênh YouTube của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tại đây.

 
Quỳnh Trang
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn