Biến chủng Kappa tại Ấn Độ nguy hiểm đến đâu?

Biến chủng Kappa được dự đoán "nguy hiểm tương đương" biến chủng Delta cùng họ

Phụ nữ dự định có thai, đang mang thai và đang cho con bú có nên tiêm vaccine COVID-19?

Biến chủng Delta đang càn quét châu Âu và châu Á

WHO: Biến chủng ở Ấn Độ đã lan tới 62 nước, "nóng" nhất ở Châu Á và Châu Phi

Biến chủng SARS-CoV-2 mới ở Việt Nam nguy hiểm thế nào?

Kappa không phải biến chủng mới xuất hiện. Delta và Kappa thực chất là 2 biến chủng cùng họ, đột biến từ “biến chủng kép” B.1.617 được phát hiện tại Ấn Độ từ tháng 10/2020. Tuy nhiên, đến tháng 4 vừa qua, biến chủng Kappa mới được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định danh.

Nhà dịch tễ học Dicky Budiman thuộc Đại học Griffith (Australia) xác nhận, nhiều bệnh nhân nhiễm biến chủng Kappa có những triệu chứng ban đầu tương tự bệnh sởi trong 1-2 ngày sau khi nhiễm. Tuy nhiên, biến chủng Kappa không gây ra những biểu hiện ngoài da như bệnh sởi.

Trước đó, các đột biến của SARS-CoV-2 thường được gọi tên đi kèm quốc gia nơi phát hiện đầu tiên, như: Biến chủng Anh (B.1.1.7), biến chủng Brazil (P.1), biến chủng Nam Phi (B.1.351)… “Biến chủng kép” B.1.617 đã đột biến thành 3 dòng chính: B.1.617.1, B.1.617.2 và B.1.617.3. Tuy nhiên, từ cuối tháng 5, WHO đã thay đổi phương thức đặt tên cho các biến chủng SARS-CoV-2 theo bảng chữ cái Latinh. Khi đó, B.1.617.1 được đặt tên là Kappa, B.1.617.2 được đặt tên là Delta. Biến chủng B.1.617.3 không lây lan mạnh, nên chưa được đặt tên.

Hiện nay, chưa có kết luận về khả năng và tốc độ lây lan của biến chủng Kappa. Tuy nhiên, biến chủng này có vẻ không khác biệt nhiều so với biến chủng Delta cùng họ. Ông Dicky Budiman cho hay, dựa theo nghiên cứu 1 ca bệnh tại Melbourne (Australia), biến chủng Kappa có thể lây nhiễm giữa những người tiếp xúc gần chưa đến 1 phút. Những người này đều không đeo khẩu trang và chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.

WHO đã đưa Kappa vào danh sách “biến chủng đáng quan tâm” (VOI) để tiếp tục nghiên cứu và giám sát sự lây lan của nó. Các biến chủng VOI thường chứa các đột biến có khả năng ảnh hưởng đến việc chẩn đoán, giảm hiệu quả của các biện pháp điều trị, tiềm ẩn khả năng lây truyền nhanh hoặc tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Nếu giống với “người họ hàng” biến chủng Delta, biến chủng Kappa có thể lây lan nhanh gấp 100 lần so với chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu ở Vũ Hán.

Người dân Ấn Độ đổ xô đến các khu du lịch miền núi bất chấp các quy định phòng dịch - Ảnh: Bloomberg

Tuần qua, chính quyền bang Uttar Pradesh (Ấn Độ) phát hiện 2 ca nhiễm biến chủng Kappa trong 109 mẫu giải trình tự bộ gene. Số mẫu còn lại đều là biến chủng Delta phổ biến ở Ấn Độ. Trong đó, 1 ca nhiễm biến chủng Kappa đã tử vong.

Bên cạnh mối lo đến từ biến chủng Kappa, chính quyền Ấn Độ còn phải đối mặt với tình trạng du khách tới các địa điểm nghỉ Hè không hề tuân thủ các quy định phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách. Khi tình hình dịch COVID-19 có phần giảm nhiệt, người dân Ấn Độ bắt đầu đổ xô về các khu du lịch tại dãy núi Himalaya để tránh cái nóng của mùa Hè.

Chính quyền Ấn Độ e ngại rằng, xu hướng du lịch nội địa này sẽ dẫn đến những đợt bùng phát mới trong những tháng tới. Tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại quốc gia Nam Á này cũng đang chậm lại rõ rệt do tình trạng khan hiếm vaccine.

Quỳnh Trang H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn