WHO: Biến chủng ở Ấn Độ đã lan tới 62 nước, "nóng" nhất ở Châu Á và Châu Phi

Nhân viên y tế đang chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện đang quá tải ở Quezon, Philippines ngày 26/4 - Ảnh: Reuters.

Kết quả giải trình tự gene 11/5: 7/8 mẫu thuộc chủng biến thể Ấn Độ

Vaccine Pfizer và Moderna có hiệu quả cao với virus biến thể ở Ấn Độ

Biến thể COVID-19 gây nên "thảm họa" ở Ấn Độ nguy hiểm thế nào?

Biến chủng COVID-19 "đột biến kép" ở Ấn Độ đã "tới" Việt Nam

"Chúng tôi tiếp tục quan sát thấy khả năng lây lan tăng lên đáng kể và ngày càng nhiều quốc gia báo cáo các đợt bùng phát liên quan biến chủng này", dù số ca nhiễm toàn cầu giảm 15% tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 2/6 cho hay.

Mới đây, WHO cũng đã đổi tên biến chủng này thành Delta để đơn giản hóa tên khoa học B.1.617.2. Cách sử dụng bảng chữ cái Hy Lạp để đặt tên cho các biến chủng COVID-19 còn nhằm tránh kỳ thị các quốc gia phát hiện ra chủng mới. Ngoài ra, 3 biến chủng khác cũng được đổi tên là: biến chủng phát hiện ở Anh (Alpha), Nam Phi (Beta) và Brazil (Gamma).

WHO cho biết thêm, biến chủng P.1, hiện được đặt tên là Gamma, lần đầu được phát hiện ở Brazil, cũng đã lây lan sang 64 quốc gia.

Theo WHO, Châu Phi và Tây Thái Bình Dương hiện là hai khu vực đang chứng kiến số ca nhiễm gia tăng tại các điểm nóng mới. Ngay các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao cũng đang chứng kiến ca nhiễm gia tăng một hoặc hai tuần trước.

Tại Bahrain, nơi có khoảng 55% dân số được tiêm ít nhất một liều vaccine, số ca mắc COVID-19 bắt đầu tăng vọt từ đầu tháng 5 và đạt mức ca nhiễm mới cao nhất từ đầu dịch.

"Việc nới lỏng biện pháp xã hội và y tế cộng đồng, tăng hoạt động di chuyển xã hội, cùng các biến chủng virus và tiêm chủng không công bằng là sự kết hợp nguy hiểm", Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO chia sẻ khi giải thích về một số đợt tăng gần đây.

Khu vực Tây Thái Bình Dương hay Châu Á -Thái Bình Dương bao gồm các nước Đông Nam Á đang được báo cáo về số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất từ đầu dịch. 

Theo CNBC, khu vực này ghi nhận hơn 139.000 ca nhiễm mới trong tuần qua, tăng 6% so với tuần trước đó. Số ca nhiễm mới cao nhất trong khu vực được báo cáo ở Myanmar, với 53.419 ca trong tuần qua. Số người chết cao nhất được ghi nhận ở Philippines, với 776 trường hợp. Trong khi đó, khu vực Châu Phi báo cáo hơn 52.000 ca nhiễm mới và hơn 1.100 ca tử vong trong tuần qua, tăng lần lượt 22% và 11% so với tuần trước đó.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 1/6 đã tuyên bố chỉ còn một biến chủng duy nhất của virus gây bệnh COVID-19 lần đầu tiên phát hiện ở Ấn Độ được xác định gây quan ngại.

Biến chủng B.1.617 là biến chủng gieo rắc bệnh dịch và sự chết chóc lan rộng tại Ấn Độ hiện nay. Biến chủng này tách thành 3 dòng và được xem là biến thể tam đột biến. Trong đó, biến chủng Delta (B.1.617.2) được cho là nguyên nhân khiến Ấn Độ "vỡ trận" vì gây số ca nhiễm tăng vọt.
WHO hồi tháng trước liệt chủng virus trên vào nhóm “gây quan ngại”, nhưng giờ đây cho hay chỉ còn 1 biến chủng trong số 3 dòng được xếp vào dạng này.
“Rõ ràng biến chủng Delta đang gây ra những nguy cơ lớn hơn cho sức khỏe cộng đồng, trong khi 2 biến chủng khác của Ấn Độ ít xuất hiện”, theo WHO.
Hiệp Nguyễn H+ (Theo CNBC)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn