Người bệnh viêm dạ dày cần có một chế độ ăn uống cẩn trọng để cải thiện triệu chứng
Cách điều trị và ngăn ngừa viêm dạ dày ruột do vi khuẩn
Top các loại thực phẩm tốt nhất cho bệnh cúm dạ dày
Viêm dạ dày ruột: Nguyên nhân và cách đối phó
Biến chứng nguy hiểm của viêm dạ dày ruột do vi khuẩn
Thực phẩm nên ăn khi bị viêm dạ dày
Theo TS. Supriya Rao, Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và nội khoa tại Đại học Tufts (Mỹ), khi bị viêm dạ dày, cần đặc biệt nhẹ nhàng với đường tiêu hóa, nhất là trong giai đoạn lớp niêm mạc đang phục hồi.
Trong thời gian này, chế độ ăn nên tập trung vào thực phẩm dễ tiêu, ít gây kích ứng, được nấu chín đơn giản và hạn chế gia vị mạnh. Dưới đây là một số nhóm thực phẩm được khuyến nghị:
1. Rau củ và trái cây nấu chín hoặc xay nhuyễn
Rau củ hấp, luộc hoặc nấu thành súp, cùng với trái cây xay sinh tố là lựa chọn tốt cho người bị viêm dạ dày. Một số loại rau quả ít chất xơ như cà tím, bí đỏ, cà rốt, ớt chuông, táo chín, chuối và dưa nấu chín được đánh giá là dễ dung nạp và ít gây khó chịu cho dạ dày.
2. Tinh bột dễ tiêu hóa
Các thực phẩm như yến mạch, khoai lang, khoai tây trắng, gạo trắng, polenta và couscous có hàm lượng chất xơ phù hợp và ít gây kích ứng, giúp cung cấp năng lượng mà không làm tăng gánh nặng cho dạ dày.
3. Protein nạc, ít béo
Nguồn đạm nhẹ nhàng cho dạ dày bao gồm cá trắng, ức gà không da, trứng, lòng trắng trứng và đậu phụ. Nên chế biến bằng cách hấp, luộc, nướng hoặc chần thay vì chiên, vì dầu mỡ có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
4. Các loại hạt ở dạng xay nhuyễn
Một số loại hạt có thể gây khó tiêu nếu dùng nguyên hạt, nhưng khi xay nhuyễn thành dạng bơ (như bơ hạt điều, bơ đậu phộng mịn), chúng có thể được dung nạp tốt hơn. Tuy nhiên, chỉ nên dùng lượng nhỏ và theo dõi phản ứng của cơ thể.
5. Nước lọc và trà thảo mộc
Nước lọc luôn là lựa chọn an toàn. Ngoài ra, trà gừng hoặc trà bạc hà có thể giúp làm dịu dạ dày, mặc dù bạc hà có thể gây khó chịu ở người bị trào ngược acid. Nước ép ít acid như nước táo cũng có thể dung nạp được ở một số người.

Nên ưu tiên các loại trà thảo mộc, nước ép hoa quả, nước lọc,... hạn chế nước ngọt để bảo vệ niêm mạc dạ dày
Thực phẩm cần tránh khi bị viêm dạ dày
Mặc dù phản ứng với thực phẩm có thể khác nhau giữa các cá nhân, một số nhóm thực phẩm được cho là dễ gây kích ứng dạ dày, đặc biệt khi niêm mạc bị tổn thương.
1. Rượu
Rượu có thể gây xói mòn trực tiếp lên lớp niêm mạc dạ dày và làm tăng nguy cơ loét nếu sử dụng thường xuyên. Khi đang bị viêm dạ dày, nên kiêng hoàn toàn đồ uống có cồn.
2. Thực phẩm có tính acid cao
Các loại trái cây họ cam quýt như cam, chanh, dứa và cà chua có thể làm tăng mức acid trong dạ dày và gây kích ứng thêm lên vùng niêm mạc đang bị viêm.
3. Cà phê và nước ngọt có gas
Dù là cà phê thông thường hay cà phê decaf (cà phê đã được khử caffeine), cả hai đều có thể gây khó chịu. Đồ uống có gas và nhiều caffeine cũng được khuyến cáo nên tránh vì có thể gây đầy hơi, trào ngược hoặc kích ứng dạ dày.
4. Đồ ăn nhiều chất béo và siêu chế biến
Thức ăn nhanh, đồ chiên, bánh nướng công nghiệp và các loại thực phẩm đóng gói thường chứa nhiều chất béo, khiến quá trình tiêu hóa chậm lại và làm tăng cảm giác đầy bụng, buồn nôn.
5. Rau sống và trái cây nhiều chất xơ
Các loại rau họ cải như cải xoăn, cải Brussels, bông cải xanh, cũng như trái cây ăn cả vỏ như táo có thể khó tiêu và gây trầm trọng thêm các triệu chứng viêm dạ dày. Nên nấu chín, hấp hoặc xay nhuyễn để dễ tiêu hơn trong giai đoạn đang có triệu chứng.
Lưu ý về lối sống và cách ăn uống
Không chỉ thực phẩm, cách ăn uống và sinh hoạt hàng ngày cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh viêm dạ dày:
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, tránh ăn quá no mỗi lần.
- Tránh nằm ngay sau khi ăn, nên để cơ thể tiêu hóa trong ít nhất 2–3 giờ.
- Cố gắng duy trì giờ ăn cố định, không bỏ bữa.
- Tránh căng thẳng, rượu, hút thuốc và việc lạm dụng thuốc giảm đau như ibuprofen bởi chúng có thể kích hoạt hoặc làm nặng thêm các triệu chứng.
Nếu các triệu chứng như đau bụng, ợ nóng hoặc buồn nôn kéo dài quá vài tuần, bạn nên đi khám để được đánh giá đầy đủ. Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm cần thiết hoặc giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hoặc chuyên gia dinh dưỡng để điều chỉnh chế độ ăn phù hợp hơn.
Bình luận của bạn