Danh y Hoàng Nguyên Cát
Triển lãm Y học dự phòng - Đồng hành vì sức khỏe cộng đồng
Lần đầu tiên WHO tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về Y học cổ truyền
12 cuốn sách y học nên đọc trong năm 2023
Gần đây, nhiều người nhắc chuyện Thầy thuốc Trần Độc ở Nam Đàn - Nghệ An chính là người từng chữa bệnh cho Lê Hữu Trác (1720-1791) và từ đây, Lê Hữu Trác đã học hỏi, được thầy truyền nghề, nghiên cứu và chữa bệnh cứu người nức tiếng gần xa, trở thành Đại danh y của dân tộc hồi thế kỷ XVIII.
Thời điểm trước đó, cũng ở Nghệ An có câu chuyện người con rể Hoàng Nguyên Cát (1702-1779) từng trúng cách kỳ thi Hương năm 21 tuổi nhưng không ra làm quan mà chuyên tâm tìm thầy giỏi trong vùng. Đặc biệt, ông được chính bố vợ là thầy thuốc giỏi Châu Vạn tiên sinh ở Thanh Chương truyền dạy, giúp ông nghiên cứu, tìm tòi, từng bước trở thành người có trình độ học vấn y lý uyên bác, có phương pháp, thực hành tay nghề cao và y đạo nổi danh khắp nơi. Do nhiều nguyên nhân nên gần đây, những di sản y học cổ truyền mà Danh y Hoàng Nguyên Cát để lại mới được nghiên cứu, tìm tòi và tìm cách phổ biến, áp dụng trong thực tế, trước hết là ở Nghệ An quê hương ông.
Những kết quả nghiên cứu của giới y học trong nước cũng như ở Nghệ An về danh y Hoàng Nguyên Cát cho thấy nhiều vấn đề thiết thực, ý nghĩa và rất đáng quan tâm, khai thác, phát huy. Bức tranh chung, đặc sắc đáng chú ý là với gần 50 năm hành nghề, Hoàng Nguyên Cát bên cạnh việc ngày ngày chuyên lo chữa bệnh cho hàng ngàn người dân, còn không quên dạy bảo, truyền nghề cho những người cùng chí hướng, viết sách tổng kết, truyền lại kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ sau. Toàn bộ kinh nghiệm đó được tập hợp lại thành bộ sách Quỳ Viên gia học gồm 11 quyển, được gia tộc họ Hoàng ở Cửa Lò – Nghệ An lưu giữ, hiện còn thất lạc 2 quyển.
Theo công bố mới đây, bộ sách quý với hơn 1000 trang chữ Hán, đề cập nhiều lĩnh vực, từ lý luận cơ bản về Kinh dịch, quan điểm về y đức, đến nghiên cứu về mô hình bệnh tật, các bệnh án và dược liệu trên địa bàn. Thật may mắn là Hoàng Nguyên Cát đã để lại một di sản lớn về y học cổ truyền để ngày nay, Y học cổ truyền Nghệ An cũng như nhiều nơi khác có thể khai thác, học tập và phát huy trong điều kiện mới.
Về y đức, ông khẳng định, học nghề Y trước hết phải có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, với cha mẹ, anh em; trong quá trình học tập phải chuyên cần, phải trách nhiệm với nghề, với người bệnh, điều mà sau này chúng ta gọi là “đạo đức nghề nghiệp” nói chung.
Cần chú ý Hoàng Nguyên Cát chính là người đã biết cách kế thừa, tiếp thu có chọn lọc và phát triển kiến thức, kinh nghiệm đúc kết của người đi trước và cùng thời, biết tổng kết, tìm ra giá trị để bảo tồn, phát triển thuyết các bài thuốc, phương pháp chữa bệnh của các danh y nổi tiếng. Ví dụ từ các bài thuốc cổ phương, ông đã tìm ra cách gia giảm, tạo nên nhiều bài thuốc khác nhau tùy theo tạng bệnh nhân, cũng như tiết khí. Nghiên cứu Y tông tâm lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông, Hoàng Nguyên Cát thậm chí đã dám lên tiếng phản biện, bổ sung và phát triển để hoàn thiện hơn, tác dụng đa dạng hơn. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác bàn về thuyết thủy – hỏa ở tạng thận, còn Hoàng Nguyên Cát mở rộng bàn về thủy – hỏa của lục phủ, ngũ tạng... Suốt cuộc đời hành nghề, Danh y Hoàng Nguyên Cát chuyên tâm về bồi bổ thủy hỏa, điều hòa âm dương, bình can, bổ tỳ, tư thận… Trong chẩn đoán, ông lưu ý cần chú trọng hai mạch tiên thiên và hậu thiên với lý giải: “Bồi bổ thủy hỏa nhằm điều hòa tiên thiên, bồi bổ tỳ thổ nhằm phục vụ cho hậu thiên”.
Ngoài ra, bộ sách để lại nhiều bài thuốc đông y của các danh y (62 bài thuốc cổ phương và tân phương) và của chính ông chế ra (51 bài). Hoàng Nguyên Cát viết: “Thuốc gia truyền kinh nghiệm của tôi, là tôi tường thuật những bài thuốc của các vị Tiên công đã nghiên cứu chế ra để cứu đời và ghi chép những bài thuốc của tôi đã thí nghiệm nhiều lần, có công hiệu tốt, mới biên soạn lại thành sách, để lưu truyền về sau, có bổ ích mãi mãi, làm một phương pháp lập ngôn không bao giờ hủ nát. Nhưng bệnh biến phải có nguyên nhân, mà thời khí cũng có phần thay đổi khác, lúc lâm sàng có thực nghiệm hay không, là còn may được nhờ ở độ lượng cao minh của các quý vị quân tử lưu ý chiếu cố cho”
Điều tưởng như rất mới mẻ hiện nay nhưng đã được Hoàng Nguyên Cát nêu ra từ thế kỷ XVIII. Đó là tập hợp, mô tả, giới thiệu các chứng bệnh chuyên khoa nhi, phụ sản, ghi chép lại 68 bệnh án mà chính ông đã gặp và chữa có hiệu quả, trong đó có nhiều bệnh khó.
Trong vô vàn bài thuốc quý, cây thuốc quý mà nhiều người đã biết trước đó, Hoàng Nguyên Cát tập hợp, giới thiệu 198 vị thuốc, trong đó có rất nhiều vị thuốc thu hái ở các vùng quê Nghệ An. Ông là một nhà khoa học y học cổ truyền thực sự khi ghi chép cụ thể về dược tính từng vị thuốc, kinh nghiệm bào chế đến việc sử dụng để điều trị bệnh. Ông sắp xếp các vị thuốc theo nguyên tắc thượng phẩm, trung phẩm và hạ phẩm để giúp thầy thuốc dễ sử dụng.
Các kết quả nghiên cứu khoa học gần đây góp phần khẳng định bộ sách Quỳ Viên gia học là một tư liệu về y học cổ truyền nguyên gốc, có giá trị cao về lý thuyết và thực tiễn, là những đóng góp có giá trị về mặt lý luận y học phương Đông và giá trị về thực tiễn khám chữa bệnh không chỉ ở địa bàn Nghệ An.
Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, xuất hiện một nhân vật mới, tên là Phó Đức Thành (1880-1968), từ Hưng Yên vào làm nghề dược, nghề báo ở Vinh, là người đấu tranh không mệt mỏi để bảo vệ Đông y trước chủ trương xóa bỏ của thực dân lúc bấy giờ. “Cha đẻ” cao Sao Vàng nức tiếng trong và ngoài nước lâu nay, Danh y thế kỷ XX này là người từng viết báo “Muốn cho biết đó, biết đây” đăng trên tờ Nghệ Tịnh tân văn kể về quá trình lên các vùng miền núi phía tây Nghệ An để thu hái lá thuốc, tìm hiểu kinh nghiệm từ các thầy thuốc, các ông lang, bà mế, làm giàu cho “kho thuốc” của mình.
Để thấy, vùng đất Nghệ -Tĩnh có truyền thống về Đông y nhờ hoạt động không mệt mỏi của những con người tài năng, có tấm lòng cao cả vì người bệnh và hơn nữa, đây cũng chính là vùng đất có nhiều loài cây thuốc quý, cần được bảo tồn, khai thác và phát huy cao hơn, hiệu quả hơn. Trong đó, cụ thể hiện nay là những di sản mà Danh y Hoàng Nguyên Cát để lại qua bộ sách Quỳ Viên gia học.
Được biết, Tỉnh Nghệ An đang chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tổ chức cho in bộ sách quý nói trên để làm tài liệu học tập, nghiên cứu cho các Trường, Viện, Hội Đông y cũng như các bệnh viện y học cổ truyền.
Trên cơ sở các bài thuốc Hoàng Nguyên Cát đã để lại, tiếp tục nghiên cứu tuyển chọn để phổ biến rộng rãi, phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Những bài mới cần đề xuất ngân sách khoa học hỗ trợ để thử nghiệm lâm sàng từ đó khẳng định và phổ biến. Nghiên cứu 198 vị thuốc mà Hoàng Nguyên Cát giới thiệu để xác định các loài cây con được khai thác ở Nghệ An để từ đó định hướng triển khai trồng trọt chăn nuôi trong Chương trình phát triển dược liệu của tỉnh với sự tham gia của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, giảm thời gian khảo nghiệm (vì nhiều loài trước đây có nhưng nay không còn trong tự nhiên ở Nghệ An).
Việc cần làm ngay là ngành Y tế, Hội Đông y Nghệ An tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh Danh y Hoàng Nguyên Cát; phối hợp với Hội Đông y Việt Nam tổ chức Hội thảo cấp quốc gia về Hoàng Nguyên Cát và bộ sách Quỳ Viên gia học; phối hợp ngành Văn hóa đề xuất công nhận bộ sách là Di sản văn hóa vật thể và là Báu vật quốc gia.
Bình luận của bạn