Lần đầu tiên WHO tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về Y học cổ truyền

Các phương pháp y học cổ truyền tương tự như liệu pháp Ayurveda truyền thống của Ấn Độ đang được xem xét tại Hội nghị thượng đỉnh của WHO ở Gandhinagar, Ấn Độ - Ảnh: AFP.

Đắk Nông: Tiềm năng phát triển vùng dược liệu, khám chữa bệnh y học cổ truyền

WHO thành lập Trung tâm Y học cổ truyền toàn cầu tại Ấn Độ

Y học cổ truyền đóng góp được gì trong phòng chống COVID-19

Run tay chân dưới góc nhìn của y học cổ truyền

Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về y học cổ truyền (Traditional Medicine Global Summit) 2023 thể hiện mong muốn hỗ trợ các quốc gia khai phá tiềm năng của y học cổ truyền, bổ sung và tích hợp y học cổ truyền trong việc giải quyết các thách thức cấp bách về sức khỏe, cũng như thúc đẩy tiến bộ trong y tế toàn cầu và phát triển bền vững.

Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhu cầu về y học cổ truyền ngày càng tăng ở các quốc gia, cộng đồng và nền văn hóa. Y học cổ truyền là sự bổ sung đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị các bệnh không lây nhiễm, các vấn đề sức khỏe tâm thần và đem đến sự "lão hóa khỏe mạnh".

“Y học cổ truyền có thể đóng một vai trò xúc tác và quan trọng trong việc đạt được mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân, đáp ứng các mục tiêu liên quan đến sức khỏe toàn cầu vốn đã không đạt được ngay cả trước khi có sự gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra" - ông Tedros cho biết.

Theo Tổng Giám đốc WHO, đưa y học cổ truyền trở thành xu hướng chăm sóc sức khỏe một cách phù hợp, hiệu quả và trên hết là an toàn dựa trên các bằng chứng khoa học mới nhất, có thể giúp thu hẹp khoảng cách tiếp cận cho hàng triệu người trên thế giới. Đây sẽ là một bước quan trọng hướng tới các phương pháp tiếp cận toàn diện, tập trung vào mục tiêu sức khỏe và hạnh phúc của con người.

 

Trước đó, những nhà lãnh đạo quốc gia và chính phủ các nước tại cuộc họp cấp cao của Liên Hợp Quốc về bảo hiểm y tế toàn dân năm 2019 đã thừa nhận sự cần thiết phải đưa các dịch vụ y học cổ truyền và y học bổ sung dựa trên bằng chứng, đặc biệt là trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, nền tảng của hệ thống y tế, nhằm hướng tới sức khỏe cho tất cả mọi người.

Theo WHO, ngày nay, y học cổ truyền và y học bổ sung đã được thiết lập vững chắc ở nhiều nơi trên thế giới, nơi mà y học đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa, sức khỏe và hạnh phúc của nhiều cộng đồng. 

"Ở một số quốc gia, y học cổ truyền đại diện cho một phần quan trọng trong nền kinh tế của ngành y tế và đối với hàng triệu người trên thế giới, đây là nguồn chăm sóc sức khỏe sẵn có duy nhất" - báo cáo của WHO cho biết.

Thông qua hội nghị, WHO đề nghị các quốc gia thành viên xem xét tích hợp y học cổ truyền và y học bổ sung vào hệ thống y tế quốc gia; cung cấp thông tin cho chiến lược toàn cầu về y học cổ truyền tiếp theo của WHO.

Theo thông cáo báo chí của WHO, đây là lĩnh vực được tập trung thúc đẩy từ năm 2014 với chiến lược 10 năm toàn cầu đầu tiên cho y học cổ truyền và hiện được gia hạn 2 năm trước khi xây dựng chiến lược mới cho giai đoạn 2025 - 2034.

Hiện tại, 170 quốc gia thành viên đã báo cáo với WHO về việc sử dụng y học cổ truyền và đã yêu cầu bằng chứng và dữ liệu để cung cấp thông tin cho các chính sách, tiêu chuẩn và quy định về việc sử dụng y học cổ truyền một cách an toàn, tiết kiệm chi phí và công bằng.

Để đáp ứng nhu cầu và mối quan tâm ngày càng tăng trên toàn cầu này, WHO, với sự hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ, đã thành lập Trung tâm Y học cổ truyền toàn cầu vào tháng 3/2022. Trung tâm có sứ mệnh thúc đẩy trí tuệ cổ xưa và khoa học hiện đại vì sức khỏe và hạnh phúc của con người.

Tiến bộ khoa học về y học cổ truyền và sự ủng hộ của giới chuyên gia

Trong nhiều thế kỷ, y học cổ truyền và y học bổ sung đã là một nguồn lực không thể thiếu cho sức khỏe trong các hộ gia đình và cộng đồng

Trong nhiều thế kỷ, y học cổ truyền và y học bổ sung đã là một nguồn lực không thể thiếu cho sức khỏe trong các hộ gia đình và cộng đồng

Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc định nghĩa y học cổ truyền là kiến thức, kỹ năng và thực hành được sử dụng theo thời gian để duy trì sức khỏe cũng như ngăn ngừa, chẩn đoán và điều trị các bệnh về thể chất và tinh thần.

Tuy nhiên, cũng có một số phương pháp điều trị truyền thống không có giá trị khoa học đã được chứng minh và các nhà bảo tồn nói rằng, ngành công nghiệp này thúc đẩy việc buôn bán tràn lan các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, như hổ, tê giác và tê tê, đe dọa sự tồn tại của các loài.

Theo WHO, trong bối cảnh việc sử dụng y học cổ truyền ngày càng mở rộng trên toàn thế giới, tính an toàn, hiệu quả và kiểm soát chất lượng của các sản phẩm truyền thống và các liệu pháp dựa trên quy trình vẫn là những ưu tiên quan trọng đối với các cơ quan y tế và công chúng.

WHO cho biết: "Tự nhiên không phải lúc nào cũng có nghĩa là an toàn và hàng thế kỷ sử dụng không đảm bảo tính hiệu quả. Do đó, phương pháp và quy trình khoa học phải được áp dụng để cung cấp bằng chứng nghiêm ngặt và cần thiết".

“Việc phát triển khoa học về y học cổ truyền phải tuân theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt giống như trong các lĩnh vực y tế khác" -  Tiến sĩ John Reeder, Giám đốc Chương trình Đặc biệt về Nghiên cứu và Đào tạo về các bệnh nhiệt đới của WHO cho biết.

Theo Nature, Lisa Susan Wieland, Giám đốc Khoa Y học Bổ sung Cochrane tại Trường Y thuộc Đại học Maryland ở Baltimore, đồng thời là Cố vấn cho Hội nghị Thượng đỉnh cho rằng, chất lượng và số lượng nghiên cứu về y học cổ truyền cần phải được cải thiện trước khi có thể đưa ra những tuyên bố kết luận về tính an toàn và hiệu quả của nó.

“Rất nhiều thứ đã thay đổi trong 15 năm qua. Trước đây không có đủ nghiên cứu chất lượng tốt để xác định điều gì hiệu quả và không hiệu quả, nhưng giờ đây chúng ta đang thấy ngày càng có nhiều nghiên cứu tốt hơn về một số loại thuốc truyền thống.” - Lisa Susan Wieland nói.

Đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về y học cổ truyền lần thứ nhất

Đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về y học cổ truyền lần thứ nhất

Chính phủ Ấn Độ cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với y học cổ truyền. Trong đó, Kishor Patwardhan, một nhà Nghiên cứu sinh lý học Ayurveda tại Đại học Benares Hindu ở Varanasi, Ấn Độ, tin rằng Nghiên cứu để chỉ ra công dụng lâm sàng của các loại thuốc truyền thống là cần thiết. Ông hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ dẫn đến một “lộ trình vững chắc để giải quyết tình trạng thiếu bằng chứng đáng tin cậy cho các thực hành Ayurvedic (hệ thống y học Hindu truyền thống của người Ấn Độ), đồng thời giải quyết các mối lo ngại về an toàn của các sản phẩm được bán trên thị trường”.

Với chủ đề "One Earth, One Family, One Future", các chuyên gia trên toàn thế giới về Y học cổ truyền đã cố vấn, thảo luận cùng WHO xây dựng chính sách phát triển, chiến lược hành động 2025-2034 về y học cổ truyền. Hội nghị cũng khám phá những nghiên cứu và đánh giá về y học cổ truyền, bao gồm các phương pháp có thể được sử dụng để phát triển chương trình nghiên cứu toàn cầu và các ưu tiên trong y học cổ truyền, cũng như những thách thức và cơ hội dựa trên 25 năm nghiên cứu về y học cổ truyền. Bên cạnh đó, những phát hiện từ các đánh giá có hệ thống về y học cổ truyền và sức khỏe, bản đồ bằng chứng về hiệu quả lâm sàng và bản đồ nghiên cứu toàn cầu về trí tuệ nhân tạo trong y học cổ truyền cũng đã được trình bày.

 

Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về y học cổ truyền lần thứ nhất

Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về y học cổ truyền lần thứ nhất này, Việt Nam có 5 đại biểu gồm: đại diện Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương - PGS.TS. Vũ Nam, TS. Kiều Đình Khoan; đại diện Công ty CP Sao Thái Dương - bà Nguyễn Thị Hương Liên, ThS.DS Nguyễn Thị Hồng Vân; đại diện Tập đoàn TH - ông Trịnh Hiền Trung.

Phát biểu tại phiên thảo luận, bà Nguyễn Thị Hương Liên, Đồng sáng lập, Phó chủ tịch Sao Thái Dương nhấn mạnh điểm quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong y học cổ truyền, một số đề xuất giải pháp chiến lược hành động cần thiết trong thời gian tới và chia sẻ một số điểm tích cực trong chính sách khuyến khích phát triển y học cổ truyền tại Việt Nam như Nghị định 1893/QD-TTg 2019 về Chương trình phát triển y học cổ truyền đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 39/2021/TT-BYT 2021 của Bộ Y tế Việt Nam về đăng ký thuốc y học cổ truyền.

Hiệp Nguyễn (Theo WHO/Nature/Politico)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn