Theo thông cáo này, Bộ Công nghiệp cơ bản New Zealand (MPI) đã nhận được những kết quả khẳng định vi khuẩn được tìm thấy trong Whey Protein Concentrate (WPC) do công ty Fonterra sản xuất không phải là vi khuẩn Clostridium botulinum (CB) như đã cảnh báo, mà là vi khuẩn Clostridium sporogenes (CS). Đây là khuẩn lành tính, hoàn toàn không gây hại và có mặt phổ biến trong môi trường.
Bộ Công nghiệp cơ bản New Zealand khẳng định kết quả này có được sau 195 cuộc xét nghiệm bằng nhiều phương pháp kỹ thuật được tiến hành tại các phòng thí nghiệm tại New Zeland và Mỹ. Kết quả mới nhất của những cuộc xét nghiệm mới có vào tối 27/8 và được xác định với thiết bị công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.
Katherine Rich, Giám đốc Ủy ban thực phẩm và hàng hóa New Zealand, thở phào: "Thông tin này đã giải tỏa nỗi lo cho tất cả người tiêu dùng trên toàn thế giới, cũng như cho chính Fonterra và nền công nghiệp thực phẩm New Zealand".
Với kết luận mới này, ông Scott Gallacher, Quyền Thứ trưởng Bộ Công nghiệp cơ bản New Zealand, tuyên bố: "Tôi khẳng định rằng các lô đạm whey này không nhiễm khuẩn Clostridium botulinum và không gây nguy hại tới người tiêu dùng. Do đó, tôi tuyên bố rút lại công bố ngày 12/8 và tất cả công bố khác trước đây về vấn đề này". Ngày 6/8, chính ông Sclott Gallacher đã công bố các lô đạm của Fonterra bị nghi nhiễm khuẩn Clostridium botulinum và sau đó ra những cảnh báo đến các nước có nhập khẩu đạm nghi nhiễm khuẩn, đề nghị thu hồi sản phẩm...
Trao đổi với PV, Tổng Giám đốc Công ty Abbott Việt Nam, Jullian Caillet khẳng định: "Dù các sản phẩm sữa được thu hồi vừa qua không bị ảnh hưởng vi khuẩn nguy hại sức khỏe, chúng tôi cũng không phân phối trở lại trên thị trường với cam kết an toàn cho người tiêu dùng".
3 tuần trước, thông tin bột đạm whey của Fonterra tại quốc gia cung cấp nguyên liệu thực phẩm lớn nhất thế giới bị nhiễm khuẩn, dấy lên scandal thu hồi sữa trên toàn cầu. Fonterra là tập đoàn cung cấp nguyên liệu cho nhiều hãng sữa lớn thế giới, trong đó có bột đạm whey. Một đường ống nhà máy của công ty này ở New Zealand được cho là chưa tiệt trùng, khiến vi khuẩn có khả năng bị nhiễm vào lô bột đạm. Vi khuẩn được xác định thời điểm đó là Clostridium botulinum, có thể gây độc liệt thần kinh cơ. Lô đạm nhiễm khuẩn này được bán cho nhiều công ty thực phẩm, xuất đến nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.
Liên quan đến nghi vấn nhiễm khuẩn này, Công ty Abbott Nutrition Việt Nam đã phải thu hồi 11 lô sữa Similac GainPlus dành cho trẻ 1-3 tuổi với hơn 15.000 thùng. Hơn 600 thùng sữa Dumex cũng bị thu hồi vì nghi nhiễm khuẩn. Cục An toàn thực phẩm cảnh báo sữa Karicare nhập từ New Zealand có nguy cơ nhiễm khuẩn, song sữa này chưa được đăng ký bán chính thức tại Việt Nam.
Bình luận của bạn