Nơi giành giật sự sống cho cả mẹ và con trong đại dịch COVID-19

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, nơi đặt cơ sở cho bệnh viện điều trị COVID-19 cho phụ nữ mang thai (Ảnh do BV cung cấp)

Chỉ còn vài ngày nữa là kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2), chúng tôi có dịp được trò chuyện cùng bác sỹ Hồ Viết Thắng, Trường Khu K1 điều trị COVID-19, Bệnh viện Hùng Vương sau khi ông vừa hoàn thành ca trực. Nơi đây từng là nơi điều trị cho nhiều sản phụ mắc COVID-19 nhất TP.HCM.

Giây phút quyết định sinh tử

“Giai đoạn khốc liệt và đau thương đã qua nhưng tôi chắc rằng đó là những ký ức không bao giờ quên. Đi qua đau thương để biết rằng sự sống là đáng quý và những người ở lại sẽ sống ý nghĩa hơn” - bác sỹ Thắng chia sẻ.

Nhớ lại thời khắc lịch sử khi TP.HCM trải qua đợt dịch chưa từng có, bác sỹ Thắng cho biết, có những giây phút mọi người phải “cân não” để giữ mẹ hay bé. Vì phụ nữ mang thai thường rất mệt, nhất là những thai phụ gần đến ngày chuyển dạ. Đặc biệt, cuối thai kỳ việc vận động, thở cũng khó khăn. Thêm yếu tố COVID-19 khiến phổi hoạt động kém họ sẽ dễ rơi vào suy hô hấp. Những trường hợp thai phụ chưa tiêm vaccine thì bệnh tình chuyển nặng rất nhanh. “Khi tình huống này xảy ra ekip rất căng thẳng, bởi có những trường hợp phải đưa lên bàn cân giữ mẹ hay bé dù ai cũng muốn mẹ tròn con vuông. Tuy nhiên, với nỗ lực của các y, bác sỹ, không ít trường hợp đã bảo vệ được cả mẹ và bé. Bây giờ, tình hình đã khả quan hơn, hầu hết bệnh nhân đều không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Hiện trong khu chỉ còn 2 thai phụ đang được điều trị và cả 2 đều triệu chứng nhẹ. Do đó, các y, bác sỹ đã không còn phải "cân não" khi các sản phụ rơi vào suy hô hấp như thời điểm dịch bùng phát. Tuy nhiên, áp lực vẫn còn.” - bác sỹ Thắng nói.

5...

Bác sỹ Hồ Viết Thắng - Trưởng khu K1 điều trị COVID-19, Bệnh viện Hùng Vương tham khám cho một sản phụ sau điều trị COVID-19 (ảnh do BV cung cấp)

Bác sỹ Thắng cho biết, thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều lần các y, bác sỹ phải đối mặt với tình huống sản phụ rơi vào nguy kịch và phải có những quyết định mang tính sinh tử. Bởi điều trị cho những bệnh nhân đặc biệt này các bác sỹ mang trên mình áp lực gấp trăm nghìn lần. Với một bệnh nhân bình thường, việc hô hấp đã rất khó khăn do phổi bị tổn thương, nhưng với các thai phụ, họ còn phải thở cả cho đứa con trong bụng. Áp lực để thở với họ cũng nhân lên gấp bội.

Nhắc lại một trong những ca bệnh suy hô hấp nặng được cứu sống thành công, bác sỹ Thắng chia sẻ: Khoảng tháng 11.2021, một phụ nữ mang song thai (27 tuổi, ngụ TP.HCM) mắc COVID-19, nhập viện sau 8 ngày điều trị tại một bệnh viện dã chiến. Điều đáng nói, người mẹ mang thai thụ tinh trong ống nghiệm, chưa tiêm vaccine COVID-19. Thai phụ được chuyển đến Bệnh viện Hùng Vương trong tình trạng sốt, ho, khó thở. Tại bệnh viện, thai phụ được thở oxy, dùng thuốc kháng đông, kháng virus. Tuy nhiên, sau đó, tình trạng chuyển biến xấu, khi SpO2 giảm, khó thở tăng dần. Dù đã được chuyển sang thở ôxy lưu lượng cao, có cải thiện ban đầu như chưa được 1 ngày thì diễn tiến nặng hơn, SpO2 liên tục giảm, thở gấp. Bác sỹ buộc phải chỉ định cho thai phụ thở máy. Sau đó, sức khoẻ của người mẹ có cải thiện nhưng cả 2 thai nhi xuất hiện tình trạng nhịp tim giảm. Qua chẩn đoán ghi nhận các bé bị suy tuần hoàn nhau thai do mẹ mắc COVID-19 nặng. Các bác sỹ phải hội chẩn khẩn ngay lập tức và quyết định cho sản phụ sinh mổ. Ca mổ được tiến hành ngay sau quá trình hội chẩn khẩn. May mắn, hai bé trai, cân nặng mỗi bé khoảng 1,6kg đã chào đời an toàn. Tuy nhiên, do sinh thiếu tháng, 2 bé không tự thở, các bác sỹ phải bóp bóng, đặt nội khí quản, thở máy. Sau 1 tuần nằm lồng kính, sức khoẻ của 2 bé đã cải thiện. Về sức khỏe người mẹ sau 5 ngày thở máy tình trạng cũng dần ổn định, cai máy thở.

Empty

Điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 bình thường đã rất khó khăn thế nhưng chăm sóc cho phụ nữ mang thai mắc Covid-19 còn khó khăn hơn rất nhiều (ảnh do BV cung cấp)

“Đón một em bé của người mẹ mắc COVID-19, nhất là ca nặng, vui gấp trăm lần niềm vui của ca bình thường. Tiếng khóc của con truyền năng lượng rất lớn cho những người làm trong ngành y chúng tôi. Chứng kiến những khoảnh khắc đó cảm xúc không thể diễn tả hết bằng lời bởi nó tiếp thêm sức mạnh, ý chí, sự quyết tâm để chúng tôi tiếp tục cố gắng và chiến đấu. Nghề sản là vậy, nghe tiếng khóc của các con là vui lắm” - bác sĩ Thắng xúc động nói.

Tự trau dồi kiến thức để cứu sống bệnh nhân

Bác sỹ Thắng nhớ lại những ngày cuối tháng 7.2021, thời điểm dịch đang bùng phát dữ dội tại TP.HCM. Khi đó, Bệnh viện Hùng Vương được Sở Y tế TP.HCM phân tầng 4 trong tháp 5 tầng điều trị COVID-19. Chỉ sau 1 tuần triển khai mô hình bệnh viện điều trị COVID-19, tất cả các giường đều kín chỗ.

“Khi được phân công nhiệm vụ chúng tôi không thể hình dung hết những khó khăn, nguy hiểm mình sẽ phải trải qua. Bởi không ai nghĩ tình hình căng thẳng, khốc liệt như vậy. Từ một khu hành chính không có gì phải hình thành một khu hồi sức điều trị COVID-19 nặng là cả vấn đề đối với các y bác sĩ và cả lãnh đạo bệnh viện. Lúc đó, có những thời điểm, chỉ riêng dùng oxy ban đêm thôi đã phải có 5-6 nhân viên y tế theo dõi, thay nhau nạp oxy cho người bệnh. Chỉ sau một tuần triển khai tất cả các giường bệnh đều kín chỗ, bác sỹ, điều dưỡng liên tục quay cuồng với người bệnh” - bác sỹ Thắng chia sẻ.

2 (1)

Trong giai đoạn khốc liệt của dịch bệnh hơn 1.000 trẻ sơ sinh đã chào đời an toàn, mạnh khỏe tại khu K1 điều trị COVID-19, Bệnh viện Hùng Vương (Ảnh do BV cung cấp)

Tuy nhiên, sau 2 tuần triển khai, khu điều trị COVID-19 mới được trang bị oxy bồn, oxy tường, khí nén cho máy thở… nhưng phải đến cuối tháng 8 mọi thứ mới hoạt động trơn tru kể cả chuẩn bị trang thiết bị cho tới đào tạo về chuyên môn. Không chỉ chủ động chuẩn bị trang thiết bị, máy móc mà bệnh viện còn tăng cường mua các loại thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19 như kháng sinh, kháng virus, kháng đông. Đồng thời, kết hợp với Bệnh viện Đại học Y dược lên phác đồ điều trị giúp giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân. Đặc biệt, đào tạo chuyên môn cho bác sỹ sản khoa thành bác sỹ hồi sức COVID-19 chỉ trong thời gian ngắn.

“Khó khăn nhất thời gian đầu. Thiếu kiến thức, chưa có kinh nghiệm cấp cứu trường hợp nặng do nhiễm COVID-19 khiến mọi người căng thẳng và stress. Hơn nữa, từ trước tới nay, rủi ro ở bệnh viện sản rất thấp vì hầu hết thai phụ khi nhập viện đều có sức khỏe bình thường, tử vong rất hiếm, nhưng khi COVID-19 xảy ra có những giây phút chứng kiến bệnh nhân tử vong là chuyện rất kinh hoàng với chính bác sỹ điều trị. Do đó, các bác sỹ bắt buộc phải học lại kiến thức từ đầu, tự trau dồi kiến thức để cứu sống bệnh nhân” – bác sỹ Thắng chia sẻ.

Những ngày không thể nào quên

Cũng chia sẻ về những khó khăn của đợt dịch COVID-19, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) cho biết, những ngày tháng khốc liệt đó, đối với bà và rất nhiều y bác sỹ ở bệnh viện là những ngày không muốn nhớ nhưng lại không thể nào quên.

6

Đón một em bé của người mẹ mắc COVID-19, nhất là ca nặng, vui gấp trăm lần niềm vui của ca sinh bình thường (ảnh do BV cung cấp)

“Nhớ lại những ngày chống dịch cảm xúc rất đặc biệt, đó là nỗi buồn xen lẫn niềm vui và tự hào khi bây giờ TP đã xanh trở lại” – PGS.TS Tuyết bày tỏ. Trong đợt dịch vừa qua, Bệnh viện Hùng Vương là nơi điều trị sản phụ mắc COVID-19 lớn nhất nước. Đến nay, bệnh viện đã điều trị 3.200 sản phụ, trong đó, chỉ có 8 sản phụ vì tình trạng quá nặng đã không qua khỏi. Riêng trẻ sơ sinh chào đời tại đây là hơn 1.000 bé. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ tử vong của các thai phụ nhiễm COVID-19 tại bệnh viện chỉ 0,2% và hơn 96% các thai phụ nhiễm COVID-19 trở về với gia đình, giúp nhiều trẻ sơ sinh tránh được tình trạng mồ côi mẹ khi lọt lòng.

“Tháng 6, 7.2021, thời điểm đó thai phụ chưa được tiêm vaccine nhưng số ca bệnh, tử vong tăng đây là điều trăn trở rất lớn. Do đó, tôi và các đồng nghiệp tìm hiểu, nghiên cứu, được biết trên thế giới đã cho phép thai phụ tiêm ngừa vaccine COVID-19. Vì vậy, với tư cách là thành viên hội động tiêm chủng quốc gia, tôi đã thuyết phục hội đồng tiêm vaccine cho thai phụ. Bởi ngoài chuyện theo sát điều trị thì tiêm vaccine cũng là vũ khí quan trọng giúp giảm số ca tử vong, giảm số ca nặng” – PGS Tuyết nói.

May mắn, rất nhanh sau đó, Bộ Y tế đã đồng ý tiêm vaccine cho những phụ nữ mang thai. Ngày 12.8.2021, Bệnh viện Hùng Vương là đơn vị đầu tiên của cả nước triển khai tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai trên 3 tháng. Qua theo dõi, chỉ 2 tuần sau tiêm số ca bệnh giảm, ca nặng cũng giảm.

3.1

Các em bé có mẹ mắc COVID-19 đã được các tình nguyện viên chăm sóc, yêu thương tại Trung tâm H.O.P.E (ảnh do BV cung cấp)

Tuy nhiên, thời điểm đó, thai phụ nhập viện do suy hô hấp dẫn đến sanh non nhiều. Đặc biệt nhiều trường hợp nặng phải chủ động chấm dứt thai kỳ thì những trẻ sơ sinh được sinh ra có mẹ nhiễm COVID-19 cũng tăng. Khi những đứa trẻ sinh ra theo quy trình buộc phải cách ly con khỏi mẹ. Do môi trường cơ sở vật chất thời điểm đó quá đông, không đảm bảo 2 giường bệnh cách nhau 2m nên trẻ được cách ly về khoa Sơ sinh.

“Với công suất 100 giường, khoa Sơ sinh không thể chăm sóc đầy đủ cho các con. Vì vậy, chúng tôi đã xin Bộ Y tế, lãnh đạo TP thành lập cơ sở hỗ trợ từ bên ngoài để chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ mắc COVID-19. Do đó, Trung tâm H.O.P.E ra đời sau 1 tuần kiến nghị với sự chăm sóc của các tình nguyện viên. Dù có bạn chưa có gia đình, chưa từng thức đêm chăm trẻ con nhưng với tình yêu thương, các bạn đã chăm sóc trẻ rất tận tình. Đây là trung tâm nuôi dưỡng trẻ sơ sinh có mẹ mắc COVID-19. Chỉ trong thời gian ngắn hoạt động (từ ngày 23.8 đến 1.11) đã có 259 trẻ được chăm sóc và trao trả người nhà an toàn. Có lẽ chưa bao giờ trung tâm nào thành lập mà chúng tôi muốn đóng cửa sớm như vậy vì khi đóng cửa đồng nghĩa với việc chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh, các con đã về với gia đình, cha mẹ” - PGS.TS Tuyết nói.

 
Mộc Khuê
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn