Cảnh giác với "vi khuẩn ăn thịt người"

Bất kỳ ai đều có thể bị nhiễm Whitmore thông qua tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bị ô nhiễm

Lại có thêm bệnh nhân bị vi khuẩn "ăn thịt người" xâm nhập

Google tiết lộ căn bệnh được nhiều người Việt quan tâm và hiểu lầm nhất trong năm 2019

Bùng phát “vi khuẩn ăn thịt người” sau bão lũ, cách phòng ngừa ra sao?

Bộ Y tế chỉ thị đẩy mạnh việc giải quyết triệt để bệnh whitmore

Theo nguồn tin từ Dân trí, một bé gái 9 tuổi ở huyện Ea Súp (Đắk Lắk) nhập viện với triệu chứng sốt cao, tuyến mang tai hai bên sưng to, góc hàm hóa mủ, đau, há miệng hạn chế, vừa được các bác sỹ chẩn đoán mắc bệnh Whitmore - hay còn gọi là "vi khuẩn ăn thịt người".

Sáng hôm qua (8/6), ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết ngành y tế đang điều tra dịch tễ ca Whitmore này. Hiện chưa rõ bé gái tiếp xúc nguồn lây nhiễm vi khuẩn từ đâu, tuy nhiên bắt đầu phát các triệu chứng từ 10 ngày trước khi vào viện hôm 4/6.

Đắk Lắk đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh vi khuẩn ăn thịt người - Ảnh minh họa.

Đắk Lắk đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh "vi khuẩn ăn thịt người" - Ảnh minh họa.

Cùng ngày, CDC Đắk Lắk đã nhanh chóng phản hồi thông tin cho đơn vị liên quan, đồng thời tổ chức điều tra và giám sát tại cộng đồng để phòng tránh bệnh lây lan.

Whitmore (Melioidosis hay vi khuẩn ăn thịt người) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp tính do vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei gây nên. Loại vi khuẩn này sống trong bùn, đất và nguồn nước bị nhiễm bẩn. Trong mùa mưa, độ ẩm nhiệt độ thay đổi, đồng thời tình trạng ngập úng khiến nguy cơ tiếp xúc vi khuẩn của người lao động, trẻ em cao hơn.

Bệnh Whitmore ít gặp, không thành dịch nhưng thường tiến triển nặng, tỷ lệ tử vong cao. Whitmore có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt, những trường hợp có nguy cơ cao, hệ miễn dịch kém dễ rơi vào nguy hiểm khi bị Whitmore tấn công.

Chia sẻ trên Zing.vn, ThS, BS Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, theo các tài liệu y khoa và điều tra dịch tễ, Whitmore không phân bố theo mùa mà xuất hiện rải rác quanh năm. Tuy nhiên, trong 3 - 4 năm gần đây, số ca mắc tăng từ tháng 7 đến cuối năm.

Dấu hiệu nhận biết bệnh thế nào?

Whitmore thường được coi là "kẻ mạo danh" vì nó không có những biểu hiện lâm sàng rõ ràng và dấu hiệu dễ nhầm sang các bệnh khác như: Quai bị, áp xe, viêm tấy... Chẩn đoán chính xác bệnh phải dựa trên các xét nghiệm phân lập và định danh vi khuẩn trong các mẫu bệnh phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu, hoặc dịch não tủy.

Tuy nhiên, khi mắc bệnh vẫn có một số dấu hiệu như: Nhiễm trùng hình thành khoang mủ, sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, khó thở, đau ngực và đau nhức cơ. Thời gian ủ bệnh từ 1 đến 21 ngày, trung bình 9 ngày. Các triệu chứng thường xuất hiện 2 đến 4 tuần sau khi tiếp xúc vi khuẩn.

Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh Whitmore, nên việc phòng tránh là rất quan trọng. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), một số biện pháp phòng, chống bệnh whitmore như sau:

- Hạn chế tiếp xúc với đất, bùn, đặc biệt là những nơi môi trường đất, nước bị ô nhiễm nặng.

- Đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn thì cần sử dụng giày, dép và găng tay, đặc biệt với những người có nguy cơ cao mắc bệnh.

- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

- Những người đang mắc bệnh mạn tính như: Đái tháo đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn B. pseudomallei.

- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám, từ đó có các biện pháp điều trị kịp thời./

 
Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn