Những dạng viêm kết mạc phổ biến và cách xử lý

Các triệu chứng của chứng viêm kết mạc bao gồm chảy nước mắt và ra nhiều gỉ mắt.

Mù lòa vì nhầm lẫn khô mắt và viêm kết mạc

Làm gì để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ?

Bỗng nhiên... ngứa mắt, vì sao?

Vì sao mắt nhìn mờ sau khi điều trị viêm kết mạc?

Viêm kết mạc do virus

Viêm kết mạc do virus là dạng phổ biến nhất của bệnh viêm kết mạc. Virus adenovirus – một loại virus gây ra nhiễm trùng đường hô hấptiêu chảy – được báo cáo là nguyên nhân gây ra 65-90% các trường hợp viêm kết mạc do virus.

Virus này thường ảnh hưởng đến một bên mắt, sau đó nhanh chóng lan sang mắt còn lại. Bệnh viêm kết mạc do virus có thể đi kèm các triệu chứng như đau họng, chảy nước mũi.

Bệnh thường xảy ra ở người lớn nhiều hơn ở trẻ em. Virus lây truyền qua các dịch tiết từ mắt và đường hô hấp của người bệnh sang người lành. Chính vì vậy đây là một căn bệnh rất dễ lây nhiễm trong môi trường học tập, làm việc, trong các hộ gia đình.

Sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng histamin có thể làm giảm sự khó chịu khi bị viêm kết mạc.

Hiện chưa có thuốc kháng virus đặc trị cho bệnh viêm kết mạc do virus. Các biện pháp điều trị chỉ nhằm mục đích giảm sự khó chịu từ các triệu chứng bệnh, bao gồm chườm lạnh, sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng histamin,...

Bệnh thường tự khỏi trong vòng 2-3 tuần.

Viêm kết mạc do vi khuẩn

Viêm kết mạc do vi khuẩn thường được gây ra bởi các vi khuẩn sinh sống trên mắt. Bình thường chúng không gây ra bệnh. Tuy nhiên, trong một vài điều kiện nhất định như khi mắt bị khô, bị tổn thương hay khi hệ miễn dịch suy yếu, chúng có thể sinh sôi nảy nở và gây viêm kết mạc.  

Giống như viêm kết mạc do virus, viêm kết mạc do vi khuẩn cũng có thể truyền từ người bị nhiễm sang người không nhiễm bệnh. Vi khuẩn có thể ảnh hưởng tới 1 hoặc cả 2 mắt, khiến mắt bị đỏ, sưng tấy và có sạn. Ngoài ra, viêm kết mạc do vi khuẩn thường tạo ra chất gỉ mắt vàng nhạt, trong khi đó viêm kết mạc do virus thường làm chảy nước mắt.

Viêm kết mạc do vi khuẩn thường khiến mắt chảy nhiều chất gỉ vàng nhạt.

Các loại thuốc nhỏ mắt có kháng sinh có thể giúp làm giảm các triệu chứng của viêm kết mạc do vi khuẩn. Tuy nhiên, viêm kết mạc do vi khuẩn cũng thường tự khỏi mà không cần điều trị.

Những trường hợp viêm kết mạc do vi khuẩn tiết ra quá nhiều chất gỉ mắt hoặc không giảm nhẹ tình trạng bệnh khi sử dụng thuốc nhỏ mắt có kháng sinh cần được điều trị thêm với các bác sỹ nhãn khoa.

Viêm kết mạc dị ứng

Viêm kết mạc dị ứng xảy ra khi mắt tiếp xúc với các chất gây dị ứng như phấn hoa, bụi và lông động vật. Viêm kết mạc dị ứng không lây nhiễm, do vậy người bệnh không cần cách ly với những người xung quanh.

Những dấu hiệu nổi bật của bệnh viêm kết mạc dị ứng là mắt đỏ, ngứa, chảy nước mắt kết hợp với tình trạng ngứa mũi, ngứa họng và hắt hơi. Xác định và tránh các chất gây dị ứng là việc quan trọng để điều trị bệnh.

Viêm kết mạc dị ứng có thể được điều trị bằng chườm lạnh, sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng histamine cũng như một số thuốc chống dị ứng nếu cần thiết.

Tuy nhiên, thuốc nhỏ mắt có chứa các thành phần antazoline và naphazolin không nên sử dụng trong thời gian dài vì chúng có thể khiến mắt đỏ trở lại sau khi ngừng sử dụng thuốc.

Một vài lưu ý khi bị viêm kết mạc:

 - Các cơn đau, nhạy cảm với ảnh sáng và rối loạn hình ảnh không phải là triệu chứng của viêm kết mạc. Đây có thể là các dấu hiệu bệnh về mắt nghiêm trọng hơn và bạn cần được tư vấn thêm bởi bác sĩ nhãn khoa.
- Khi nghi ngờ mình bị viêm kết mạc, bạn nên ngừng sử dụng kính áp tròng.
- Những người bị viêm kết mạc do virus hoặc do vi khuẩn nên tránh tiếp xúc với mọi người xung quanh cho tới khi các triệu chứng giảm hẳn.
- Người bệnh tránh dùng chung đồ dùng như khăn mặt, mỹ phẩm,… với người khác. Tránh dụi mắt và vệ sinh tay thường xuyên sau khi chạm vào mắt hay hắt hơi, ho,…

Vi Bùi H+ (Theo Dailymail)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Mắt