Bỗng nhiên... ngứa mắt, vì sao?

Viêm kết mạc dị ứng nếu không điều trị đúng thì có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm

Những bệnh thường gặp khi thời tiết thay đổi

20% dân số Việt Nam mắc các bệnh dị ứng

Phòng bệnh dị ứng do ánh nắng

Khốn khổ vì viêm kết mạc mùa xuân

Các dạng của viêm kết mạc dị ứng

Có nhiều thể viêm kết mạc dị ứng bao gồm: Viêm kết mạc theo mùa, viêm kết mạc mùa xuân, viêm kết mạc cơ địa, viêm kết mạc có nhú khổng lổ. Thể viêm kết mạc theo mùa là thể hay gặp nhất và có xu hướng tiến triển thành viêm kết mạc quanh năm, mạn tính. Viêm kết mạc mùa xuân thường dai dẳng và khó điều trị nhất. Viêm kết mạc cơ địa đi kèm với viêm da cơ địa còn viêm có nhú khổng lồ lại xảy ra ở những người mang kính tiếp xúc.

Bệnh viêm kết mạc dị ứng thường đi kèm với bệnh khô mắt. Biểu hiện của viêm kết mạc dị ứng là: Nhìn mờ, mắt khô rát, khó mở mắt buổi sáng, chảy nước mắt, ra gỉ mắt nhiều, mắt bị ngứa, sợ ánh sáng.

Viêm kết mạc dị ứng gây ra tình trạng ngứa ngáy, khó chịu ở mắt

Theo bác sỹ Hoàng Cương – Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương: “80% bệnh nhân mắc bệnh thường ngứa mắt không chịu nổi, bắt buộc phải day, dụi hoặc gãi. Đây là then chốt trong chẩn đoán. Khi thăm khám, các bác sỹ có thể phát hiện được các tổn thương từ nhẹ đến nặng, có biến chứng hay chưa tùy thuộc vào hình thái lâm sàng của mắt. Những bệnh nhân bị viêm kết mạc dị ứng nhẹ thì bị phù kết mạc hay cương tụ kết mạc khu trú chủ yếu là mi dưới, có có bọng kết mạc. Nặng hơn là phù toàn bộ kết mạc, có nhú viêm”.

Bệnh viêm kết mạc dị ứng thường bị chẩn đoán nhầm với một số bệnh khác như: Viêm bờ mi cơ địa, viêm kết mạc do chlamydia hoặc virus, viêm củng mạc… vì vậy bệnh nhân không tự ý chẩn đoán bệnh của mình và mua thuốc về điều trị.

Điều trị viêm kết mạc dị ứng như thế nào?

Việc điều trị viêm kết mạc dị ứng có thể giúp bệnh nhân dễ chịu hơn nhưng không giải quyết được nguồn gốc gây bệnh. Bệnh nhân sẽ được bác sỹ kê các loại thuốc kháng histamine kết hợp với nước mắt nhân tạo, các sản phẩm bôi trơn bề mặt nhãn cầu để vừa giúp điều trị dị ứng, vừa chống khô mắt. Sau giai đoạn điều trị viêm cấp tính, người bệnh phải duy trì loại thuốc chống dị ứng. Có nhiều loại thuốc chống dị ứng trên thị trường, tùy từng trường hợp mà bác sỹ cho bệnh nhân dùng thuốc phù hợp. Khi bị tái phát bệnh, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý dùng lại đơn thuốc cũ. 

Phòng bệnh như thế nào?

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, người bệnh cần phát hiện dị nguyên gây dị ứng để tránh tiếp xúc. Kính đeo các dạng tuy không ngăn cản triệt để được dị nguyên xâm nhập vào mắt, nhưng cũng giúp giảm đáng kể nguy cơ bị dị ứng và làm dịu các khó chịu tại mắt do dị ứng. Tuy nhiên, cũng có một số người bị dị ứng với chính gọng kính mà mình đang dùng, biểu hiện là đỏ da, mẩn ngứa, nổi mụn nước trên da mặt, da mi trùng với diện tiếp xúc của gọng kính và da. Để phòng bệnh viêm kết mạc dị ứng, người bệnh cần tránh tiếp xúc với dị nguyên mà bản thân mình bị dị ứng bằng cách đeo kính mắt, đeo khẩu trang, không nên trồng, cắm hoa xung quanh nhà nếu dị ứng với phấn hoa. 

Người bệnh không nên dụi mắt khi ngứa và cần ghi nhớ dùng thuốc nhỏ mắt chống dị ứng mỗi ngày. Để chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị hiệu quả, khi nghi ngờ bị viêm kết mạc dị ứng bạn nên đến bệnh viện để khám. Ngoài ra bạn nên làm theo chỉ định của bác sỹ để có thể điều trị dứt điểm bệnh.

BS. Phan Thị Anh Thư - Khoa Mắt nhi, Bệnh viện Mắt TP.HCM) cho biết: “Viêm kết mạc dị ứng vốn không gây nguy hiểm nhưng nếu không phát hiện và điều trị đúng chỉ định thì có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm. Trong đó nghiêm trọng nhất là loét giác mạc và giảm thị lực”. Mắt là một trong những cơ quan tiếp xúc nhiều với môi trường nên dễ gây dị ứng. Chính vì vậy, để có một đôi mắt khỏe mạnh thì cần phải biết giữ gìn và chăm sóc cẩn thận.
Thanh Tú H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Mắt