- Chuyên đề:
- Thực phẩm chức năng an toàn
Cách nhận biết thực phẩm chức năng giả: Bí quyết chọn TPCN an toàn
Hàng chục nghìn ca cấp cứu mỗi năm do TPCN kém chất lượng
Thiếu vitamin B12, có nên bổ sung bằng TPCN?
TPCN xách tay - "hàng cấm", rủi ro thì ráng chịu
Uống protein và vitamin có ảnh hưởng tới khả năng sinh sản không?
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và Cục Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm (FDA) ước tính rằng, trên toàn nước Mỹ, mỗi năm có 23.000 ca cấp cứu với nguyên nhân là do lạm dụng thực phẩm chức năng (TPCN), thực phẩm bổ sung cũng như các loại thực phẩm chức năng giả, nhái gây ra.
Trước thực trạng trên, là một đơn vị độc lập tại Mỹ chuyên nghiên cứu, đưa ra nhận định khách quan về các loại dược phẩm, thực phẩm, TPCN… Consumerlab.com đã đưa ra nhiều khuyến cáo cho người tiêu dùng trong việc làm thế nào để lựa chọn, nhận diện sản phẩm tốt cho sức khỏe.
1. Cẩn trọng với "Proprietary Blend"
Theo TS. Tood Cooperman - Chủ tịch của ConsumerLab.com, nếu bạn nhìn thấy cụm từ “Proprietary Blend” trên nhãn mác sản phẩm, hãy từ bỏ ngay ý định mua nó. “Proprietary Blend” là công thức độc quyền của nhà sản xuất. Nó là sự pha trộn nhiều thành phần vào với nhau mà không hề ghi rõ hàm lượng, thậm chí nhiều loại còn không hiển thị rõ có những thành phần gì ở trong hỗn hợp này.
Ví dụ như sản phẩm trong ảnh trên, người mua chỉ biết trong Proprietary Blend có những thành phần: Arginine, creatine, caffeine, shisandra… Tổng số hàm lượng hỗn hợp là 4.145mg mà không biết hàm lượng mỗi chất là bao nhiêu.
"Nói cách khác, Proprietary Blend là một chiêu trò của các nhà sản xuất nhằm che giấu sự thật rằng: Các hoạt chất trong sản phẩm dù được quảng cáo là 'chính' hay 'chủ yếu' cũng chỉ là phụ mà thôi”, TS. Cooperman khẳng định.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các nhà sản xuất lựa chọn ghi Proprietary Blend trên nhãn mác bởi vì lý do bảo vệ bí mật thương mại. Chính vì vậy, người mua nên chọn những thương hiệu lớn, uy tín, có tem nhãn chứng minh chất lượng của cơ quan chức năng liên quan.
2. Tìm tem chứng nhận của “bên thứ ba”
Hiện nay có hai cung cách quản lý hoạt động của sản xuất, kinh doanh TPCN phổ biến trên thế giới: Một là cơ quan quản lý nhà nước ban hành quy chế và kiểm tra việc thực thi của các doanh nghiệp; Hai là cơ quan quản lý nhà nước ban hành quy chế nhưng ủy nhiệm chức năng kiểm tra thực thi cho một đơn vị khác có chuyên môn, gọi là "bên thứ ba" (third party).
Ở Mỹ, có ba công ty lớn tiến hành kiểm tra và cấp chứng chỉ chứng nhận sự phù hợp của bên thứ ba đối với thực phẩm chức năng là: ConsumerLab.com, USP và NSF. Tất cả các sản phẩm được dán nhãn của một trong ba công ty này đều đã vượt qua kỳ kiểm tra chất lương và tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
Ở Việt Nam, cơ quan quản lý trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh TPCN là Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y Tế). Năm 2015, việc đánh giá chất lượng và cấp chứng nhận GMP-HS được giao cho Công ty TNHH Chứng nhận chất lượng Asiacert (gọi tắt là Công ty Asiacert). Trước tháng 9/2014, Asiacert là Trung tâm Chứng nhận chất lượng trực thuộc Viện Thực phẩm chức năng (VIDS), sau đó tách ra hoạt động độc lập, có tư cách pháp nhân và con dấu riêng.
Asiacert là bên thứ ba chứng nhận GMP-HS cho TPCN
Mặc dù, giấy chứng nhận hỗ trợ uy tín của nhà sản xuất trên thị trường nhưng không khẳng định tuyệt đối chất lượng của sản phẩm. Bởi lẽ, tùy từng quốc gia, để đạt được chứng nhận GMP thông qua một “bên thứ ba” không phải thông qua giám sát của pháp luật nên vẫn xảy ra tình trạng bỏ sót, “kiểm định nhầm”những sản phẩm chưa thực sự tốt cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, ở nhiều quốc gia chưa có cơ quan nào đảm nhiệm chứng nhận vai trò “bên thứ ba” nên sẽ không có tem nhãn kiểm định trên sản phẩm. Trong trường hợp này, người tiêu dùng cần phải dựa vào nhiều yếu tố và các dấu hiệu khác nhau để lựa chọn sản phẩm chứ không chỉ đơn thuần dựa vào một chiếc tem.
3. Nên mua ở hệ thống bán hàng uy tín
Ở quốc gia phát triển ngành bán lẻ như Mỹ, người tiêu dùng có thể mua TPCN ở bất cứ nơi nào: Từ siêu thị, nhà thuốc lớn tới các sạp bán hàng nhỏ, trạm xăng và mua hàng trực tuyến. Tuy nhiên, TPCN là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn được phát hiện ở nhiều hệ thống, đặc biệt là ở những cửa hàng nhỏ, bán online…
Đối với nhiều người tiêu dùng Việt Nam ưa hàng ngoại, hàng xách tay, việc mua phải TPCN kém chất lượng là điều không hiếm. Chính vì vậy, hãy lựa chọn những kênh bán hàng có uy tín, được cơ quan chức năng có liên quan kiểm định và cấp phép.
4. “Soi” các thành phần
Hãy cẩn trọng với những sản phẩm bổ sung tăng cường mức năng lượng hay giúp bạn giảm cân. Ví dụ, các sản phẩm nước tăng lực, TPCN tăng cường năng lượng thường chứa nhiều caffeine uống nhiều có thể gây: Căng thẳng, bồn chồn, mất ngủ, tim đập nhanh và đau bụng.
Bên cạnh đó, có nhiều loại TPCN bạn tin tưởng để giúp bổ sung thêm dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe mà không ngờ chúng lại khiến bạn tăng cân không phanh được như: Vitamin B, dầu cá, bột protein và thanh dinh dưỡng.
5. Tư vấn bác sỹ, chuyên gia
Ai cũng hiểu là chỉ có bác sỹ, chuyên gia sức khỏe mới có thể giới thiệu cho bạn những sản phẩm tốt, phù hợp với cơ thể. Nhưng hầu như ai cũng bỏ qua bước quan trọng này.
Đừng ngại tham vấn những người có chuyên môn trước khi bạn quyết định mua bất cứ một sản phẩm để chăm sóc sức khỏe nào. Vì biết đâu, loại TPCN đơn giản bạn vừa mua lại có những thành phần gây dị ứng hoặc là có những hoạt chất tương tác, làm giảm tác dụng của các loại thuốc trị bệnh bạn đang dùng. Đặc biệt, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, trẻ em và người mắc bệnh mạn tính càng cần phải cẩn trọng với mọi loại TPCN, đề phòng nguy cơ “tiền mất tật mang”.
Bình luận của bạn