Cần rà soát việc làm lại các xét nghiệm khi khám bệnh

Từ lâu, người bệnh bức xúc về việc phải làm lại các xét nghiệm khi đi khám bệnh, gây lãng phí, tốn thời gian và ảnh hưởng đến sức khỏe (Ảnh minh họa)

Infographic: Viêm gan C, hãy xét nghiệm trước khi quá muộn!

Nên xét nghiệm HIV mấy lần để có kết quả chính xác?

16 triệu người sẽ tránh được ung thư gan nhờ... xét nghiệm

Phê chuẩn phương pháp xét nghiệm máu chẩn đoán mạch vành

Xét nghiệm cảnh báo ung thư phổi

Xét nghiệm lại vì không yên tâm

Bà Lưu Thị Liên - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, nhiều trường hợp các bệnh viện yêu cầu người bệnh đi xét nghiệm lại vì trang thiết bị y tế ở mỗi tuyến, mỗi bệnh viện khác nhau, nhất là ở các bệnh viện tuyến dưới thường ít được trang bị các máy có thông số lớn.

Trực tiếp dẫn đầu đoàn kiểm tra của Bộ Y tế kiểm tra tại Bệnh viện Saint Paul vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đánh giá, việc một số kết quả xét nghiệm khi chuyển viện bị yêu cầu làm lại chủ yếu nhằm mục đích giúp bác sỹ chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Song trên thực tế cũng có không ít xét nghiệm phải làm đi làm lại do sai sót của nhân viên y tế. Tại Bệnh viện Việt Đức cũng diễn ra tình trạng tương tự, bệnh nhân từ các bệnh viện tuyến tỉnh khi chuyển lên phải đi làm lại một số xét nghiệm vẫn còn khá phổ biến, ngay cả khi kết quả xét nghiệm đó họ mới làm ở tuyến dưới.

Giải thích về tình trạng này, ông Nguyễn Đình Hưng - Giám đốc Bệnh viện Saint Paul cho biết, bệnh viện vẫn tôn trọng kết quả xét nghiệm của các bệnh viện khác chuyển đến, tuy nhiên trong một số trường hợp còn nghi ngờ, chẳng hạn viết không rõ ràng thì vẫn phải làm lại xét nghiệm. Đồng quan điểm, ông Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức cũng chia sẻ, việc làm lại xét nghiệm là do sợ nhiều cơ sở y tế tuyến dưới không đảm bảo chất lượng xét nghiệm. Bên cạnh đó, về phía nhân viên y tế, ông cho hay, bệnh viện đang tăng cường kiểm soát chỉ định xét nghiệm tại các khu vực ngoại trú nhằm tránh bệnh nhân đông, bác sỹ khám có thể ghi nhầm hoặc ghi các chỉ định nhiều hơn mức cần thiết.

Bệnh nhân từ các bệnh viện tuyến tỉnh khi chuyển lên phải làm lại một số xét nghiệm vẫn rất phổ biến (Ảnh minh họa)

Nhiều cơ sở xét nghiệm không đảm bảo

Theo các chuyên gia, với tình trạng nhiều cơ sở xét nghiệm đang “mọc lên như nấm” hiện nay, máy móc chưa được đảm bảo hoặc có thể máy móc thiết bị thì mới, tốt, nhưng đáng lo ngại là về nguồn hóa chất (còn gọi là thuốc thử) để làm xét nghiệm. Cơ quan chức năng rất khó kiểm soát nguồn hóa chất này và đó cũng là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xét nghiệm bị sai lệch.

GS.TS Trần Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Niệu - thận học TP.HCM nói: "Vô số phòng xét nghiệm hiện nay được mở ra và sự sai số về kết quả xét nghiệm giữa các nơi là có thật. Sai số có thể là do con người, máy móc, thuốc thử và cả phương pháp làm xét nghiệm giữa các nơi khác nhau. Một số cơ sở xét nghiệm lấy máu bệnh nhân rồi cho vào tủ lạnh, đợi gom cho đủ số lượng rồi mới đưa đến nơi khác làm xét nghiệm dẫn đến làm sai lệch kết quả". Chính vì vậy, việc xét nghiệm lại là cách đưa ra phương hướng chẩn đoán chính xác nhất giúp bác sỹ tránh được các sai sót có thể xảy ra.

Nên tổ chức bình bệnh án xem xét những xét nghiệm

Qua kiểm tra tại Bệnh viện Saint Paul và Bệnh viện Việt Đức, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đề nghị 2 bệnh viện này phải có thông báo nhắc nhở bằng văn bản tới các bác sỹ nhằm kiểm soát, hạn chế tình trạng chỉ định xét nghiệm lại. Trong đó, phải hướng dẫn và yêu cầu các bác sỹ khi chỉ định xét nghiệm, chiếu chụp phải rà soát những kết quả xét nghiệm nào bệnh nhân đã có mà có thể sử dụng được thì không cần làm lại. Những xét nghiệm nào chưa có, cần bổ sung để phục vụ chẩn đoán thì mới chỉ định làm, tránh lãng phí và gây tốn kém tiền bạc, thời gian và công sức của người bệnh. Với những xét nghiệm đắt tiền, nếu bắt buộc phải chỉ định làm lại thì cần tư vấn giải thích, tránh gây bức xúc cho người bệnh.

Mặt khác, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng đề nghị các bệnh viện cần rà soát tỷ lệ các xét nghiệm, chụp chiếu mà bệnh viện sử dụng lại khi bệnh nhân chuyển tuyến đến, đồng thời tổ chức bình bệnh án để xem xét những xét nghiệm, chụp chiếu nào chỉ định không cần thiết. Đối với các bệnh viện cùng hạng cần phải có quy trình nội kiểm, ngoại kiểm chuẩn mực để chấp nhận kết quả xét nghiệm của nhau, tránh tình trạng một số bệnh viện cùng hạng, thậm chí nằm sát nhau nhưng khi bệnh nhân từ bệnh viện này chuyển sang bệnh viện kia vẫn phải làm lại xét nghiệm.

Hiện Bộ Y tế đã hoàn thiện dự thảo về quy trình kiểm chuẩn thiết bị xét nghiệm sinh hóa huyết học và sẽ ban hành trong thời gian tới. Đây sẽ là cơ sở để các bệnh viện tuân thủ để đảm bảo chất lượng xét nghiệm, từ đó tiến tới công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau, giảm chi phí cũng như phiền hà cho người bệnh.
M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý