Vô tình dùng thuốc quá liều
Tiến sỹ Rebekah Moles và đồng nghiệp của bà đã thực hiện khảo sát với 100 ông bố bà mẹ và những người chăm sóc trẻ về cách điều trị các triệu chứng sốt hoặc bệnh cảm lạnh. Bà Rebekah Moles cho biết hầu hết các trường hợp xử trí các cơn sốt không đúng phương pháp. Những người tham gia nghiên cứu thường cho con uống thuốc nhanh và khoảng cách giữa các lần uống thuốc quá ngắn.
“Mặc dù các bậc phụ huynh có vỏ thuốc và có thể đọc hướng dẫn để xác định liều lượng sử dụng cho con cái dựa trên trọng lượng cơ thể nhưng các ông bố bà mẹ không nhận thức được việc xác định liều lượng dựa trên trọng lượng cơ thể tốt hơn dựa trên độ tuổi. Do vậy, việc sử dụng quá liều thuốc điều trị xảy ra khá phổ biến”, TS Moles nhận xét.
“Nếu chỉ cho trẻ một lần uống thuốc quá liều thì tác hại có thể không lớn. Vấn đề nằm ở chỗ sử dụng thuốc quá liều xảy ra trong vòng trên 48 giờ. Nếu trẻ bị ốm bị cho uống thuốc quá liều liên tục trong hai ngày thì tính mạng bé có thể bị nguy hại” |
TS. Moles cho biết lượng thuốc sử dụng quá liều có thể tăng thêm 20% so với liều chỉ định. “Nếu chỉ cho trẻ một lần uống thuốc quá liều thì tác hại có thể không lớn. Vấn đề nằm ở chỗ sử dụng thuốc quá liều xảy ra trong vòng trên 48 giờ. Nếu trẻ bị ốm bị cho uống thuốc quá liều liên tục trong hai ngày thì tính mạng bé có thể bị nguy hại”, TS Moles nhận định.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc quá liều, một mối quan ngại khác là thái độ tự mãn của các bậc phụ huynh trong việc sử dụng những loại thuốc không cần kê đơn. “Ví dụ như Paracetamol là một loại thuốc an toàn và hiệu quả nếu sử dụng đúng liều. Tuy nhiên, trên thực tế, kể cả với người lớn, nếu liều lượng sử dụng quá cao, chỉ sau một vài ngày, thì tính mạng có thể bị đe dọa. Với trẻ em, việc sử dụng thuốc cho phép quá liều, dù không lớn, trong một thời gian dài có thể dẫn đến tử vong.”
Nguyên nhân và giải pháp
Các trung tâm thông tin về chất độc trên khắp nước Úc nhận được hàng ngàn cuộc gọi mỗi năm từ các bậc phụ huynh vô tình cho con uống thuốc quá liều. Tiến sỹ Naren Gunja, Giám đốc phụ trách vấn đề y tế tại Trung tâm Chống độc New South Wales, cho biết trẻ em thường bị cho uống Nurofen hoặc Paracetamol quá liều và sau đó phải vào bệnh viện để điều trị đề phòng nguy cơ nhiễm độc Paracetamol.
Bà Carol Wylie, phụ trách Trung tâm Thông tin Chống độc Queensland, cho biết: “Trong nhiều trường hợp, trẻ được cho uống thuốc gấp đôi liều chỉ định do bố mẹ tự xác định liều lượng sai. Có lẽ do bố mẹ quá căng thẳng nên họ không thể đọc được nhãn thuốc và không tính được chính xác liều lượng. Ngoài ra, một số công thức điều chế thuốc có công dụng khác nhau và đôi khi bố mẹ mắc sai lầm bởi họ nghĩ đây là sản phẩm thuốc cùng loại nên không kiểm tra lại nhãn mác.”
Theo TS. Gunja, việc thiết kế nhãn mác hiệu quả hơn có thể ngăn chặn việc sử dụng thuốc quá liều.
“Các công ty dược có thể thiết kế nhãn mác hoặc bao bì và cả những dụng cụ đo tốt hơn nhằm giúp các bậc cha mẹ có thể xác định đúng liều lượng thuốc sử dụng,” Tiến sĩ Gunja nói.
Các chuyên gia cũng thống nhất cho rằng dùng xi-lanh để đo liều lượng là cách tốt nhất để cho trẻ uống thuốc đúng liều bởi thể tích tính theo ml đã được đánh dấu rõ trên dụng cụ này giúp các ông bố bà mẹ có thể dễ dàng xác định liều chính xác. Các bậc phụ huynh cũng cần nắm rõ trọng lượng cơ thể của con cái, không nên phỏng đoán, để có thể tính được liều lượng thuốc phù hợp với cơ thể trẻ.
Bình luận của bạn