Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc cha mẹ cố tâm lý cố chờ đợi vaccine dịch vụ mà không tiêm vaccine miễn phí có nhiều lý do. Và tư tưởng làm công thì không tốt bằng dịch vụ, miễn phí là không tốt... đã khiến nhiều trẻ không được đi tiêm vaccine đúng lịch do chờ vaccine dịch vụ. Ông khẳng định, tất cả các điểm tiêm chủng dù là dịch vụ hay mở rộng đều phải đảm bảo điều kiện của nhà nước.

Về nguyên nhân dẫn đến sự khan hiếm vaccine, ông Trần Đắc Phu cho biết, hiện nay trong 20 loại vaccine dịch vụ, chỉ thiếu 2 loại vaccine, còn 18 loại khác đều cơ bản đáp ứng đầy đủ.

Nguyên nhân thiếu 2 loại vaccine này là do thời gian vừa qua nhà sản xuất không đáp ứng đủ, họ thay công nghệ, chuyển địa điểm… cũng có những lô vaccine hỏng nên phải mất từ 6 tháng – 1 năm để cung cấp lại. "Mặt khác, vaccine 6 trong 1 5 trong 1 trong dịch vụ có thị phần rất ít và không phải sự đặt hàng có tính chất quy mô từ Chính phủ như vaccine tiêm chủng mở rộng, mà nó lại theo điều tiết theo cơ cấu thị trường, cung cầu nên không được sự quan tâm của nhà sản xuất, vì thế đã dẫn tới có hiện tượng thiếu hụt như vậy", ông Trần Đắc Phu cho hay.

Ông Kohei Toda, chuyên gia về tiêm chủng mở rộng của WHO cũng cho biết, tình trạng khan hiếm vaccine dịch vụ không xảy ra ở những nước khác. Ở Nhật Bản, chính quyền địa phương sẽ giao cho các bệnh viện và các phòng khám tư nhân thực hiện tiêm chủng mở rộng thường xuyên. Các bệnh viện và các phòng khám này sẽ mua vaccine mà đã được các cơ quan quản lý cấp phép để tiêm phòng cho trẻ em, sau đó chính quyền địa phương sẽ hoàn tiền cho các phòng khám và các bệnh viện.

Tại Mỹ và châu Âu, hệ thống tiêm chủng tương tự như Nhật Bản, đó là các bậc cha mẹ sẽ nhận được thông báo tiêm cho con khi đến lịch tiêm chủng.

Theo ông Kohei Toda, ở Việt Nam, ý thức của các bậc phụ huynh về tiêm chủng cao hơn ở các nước khác. Điều này thể hiện ở chỗ, các bậc cha mẹ Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng của vaccine, họ biết và nhìn thấy những bệnh có thể phòng được nhờ vaccine. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là mặc dù họ ý thức được tầm quan trọng của việc này nhưng lại đưa con đi tiêm phòng muộn.

"Thông điệp của tôi mong muốn gửi tới các bạn là: Hãy sử dụng vaccine của chương trình tiêm chủng mở rộng đúng lịch và hãy đến các cơ sở y tế gần nhất để tiêm phòng, đừng chậm trễ. Cụ thể, thông điệp ngắn gọn hơn là: Không trì hoãn, không chậm trễ, hãy đưa trẻ đi tiêm đúng lịch!", ông Toda nhấn mạnh.