CDC: Bệnh sởi nguy cơ trở thành mối đe dọa toàn cầu mới do COVID-19

Nguy cơ bùng phát bệnh sởi trên toàn cầu do bỏ lỡ tiêm phòng vì dịch COVID-19 - Ảnh: Los Angeles Times.

Những lưu ý khi cho trẻ tiêm vaccine phòng bệnh sởi

Bị bệnh sởi rồi, có nên chích ngừa sởi không?

Khi nào nên tiêm vaccine sởi cho trẻ?

Tiêm phòng sởi cho trẻ vào thời điểm nào tốt nhất?

Theo CNN, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo, sởi đang có nguy cơ trở thành mối đe dọa toàn cầu mới sau khi 22 triệu trẻ sơ sinh bị lỡ mũi tiêm do dịch COVID-19. CDC ước tính, các chương trình tiêm chủng vaccine sởi đã ngăn ngừa hơn 31 triệu ca tử vong mỗi năm.

Sởi là một trong những loại virus dễ lây lan nhất và khiến hơn 60.000 người tử vong mỗi năm, chủ yếu là trẻ nhỏ. Các chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn đã giúp cuộc chiến chống căn bệnh này có nhiều bước tiến nhưng đại dịch COVID-19 một lần nữa có thể đảo ngược mọi thành quả.

CDC Mỹ cho biết, các trường hợp mắc bệnh sởi đã giảm vào năm 2020. Tuy nhiên, cơ quan này không cho rằng đó là dấu hiệu khả quan. “Các đợt bùng phát dịch sởi lớn và gây rối loạn vào năm 2020 cho thấy số ca mắc bệnh sởi đã không được báo cáo đầy đủ”, CDC viết trong báo cáo hàng tuần về tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.

Theo CDC, trong năm 2020 có khoảng 22 triệu trẻ sơ sinh bỏ lỡ các mũi tiêm phòng bệnh sởi đầu tiên, tăng khoảng 3 triệu trẻ so với năm 2019, mức tăng hằng năm lớn nhất trong 2 thập niên. Theo các chuyên gia y tế, số ca mắc sởi giảm trong năm 2020 giảm giống như khoảng lặng trước các "cơn bão lớn", với nguy cơ bùng dịch gia tăng trên toàn thế giới.

Tiến sĩ Kevin Cain, Giám đốc tiêm chủng toàn cầu của CDC cho biết: “Một số lượng lớn trẻ em không được tiêm chủng, các đợt bùng phát dịch sởi cũng như nguồn lực để phát hiện và chẩn đoán bệnh đã được chuyển sang để hỗ trợ đối phó đại dịch COVID-19 là những yếu tố làm tăng khả năng tử vong do bệnh sởi cũng như các biến chứng nghiêm trọng ở trẻ em”.

Theo một báo cáo mới nhất của Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), có 24 chiến dịch tiêm vaccine sởi được lên kế hoạch trong năm 2020 tại 23 quốc gia đã bị hoãn lại vì đại dịch COVID-19, khiến hơn 93 triệu người có nguy cơ mắc bệnh.

“Việc các quốc gia phải đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19 càng sớm càng tốt là rất quan trọng. Tuy nhiên điều này cũng không có nghĩa là bỏ qua các chương trình tiêm chủng thiết yếu khác”, Tiến sĩ Kate O’Brien, Giám đốc Cục Tiêm chủng, Vaccine và Sinh phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết.

WHO kêu gọi các nước cần phải hành động ngay bây giờ để tăng cường hệ thống giám sát dịch bệnh và khả năng miễn dịch, trước khi các hoạt động đi lại quốc tế được nối lại, có nguy cơ làm lây lan bệnh sởi hay các loại bệnh khác. Theo UNICEF, mặc dù hiện chưa có sự gia tăng về số ca bệnh nhưng sởi rất dễ lây lan. Nếu chúng ta không hành động, các "lỗ hổng" sẽ trở thành ổ dịch và nhiều trẻ em sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong do một căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được.

 
Hiệp Nguyễn H+ (Theo CNN/UNICEF)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn