Chăm sóc bé mùa Tết

Bổ sung nước

BS Đào Thị Yến Phi - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch hướng dẫn: “Trời lạnh, lượng nước mất qua mồ hôi giảm, nên nhu cầu nước của trẻ cũng ít đi, vì vậy, trẻ không uống nhiều nước. Với trẻ nhỏ dưới hai tuổi, lượng sữa hàng ngày cộng với lượng nước trong cháo có thể cung cấp đủ nhu cầu cho trẻ, không cần phải bổ sung quá nhiều nước. Với trẻ trên hai tuổi, nên cho trẻ uống theo phản xạ khát bình thường.

Nước còn có thể được bổ sung qua các loại trái cây hoặc sinh tố trái cây (ăn nguyên cả xác). Ngoài “giàu có” vitamin, trái cây còn là nguồn cung cấp chất xơ, cần thiết cho hệ tiêu hóa và miễn dịch, giúp trẻ tăng sức đề kháng, chống bệnh.

Khi ăn trái cây hoặc uống nước, cần nhớ lúc cơ thể bé không khỏe, có thể gây lạnh bụng, khó tiêu, nôn ói…


Thận trọng trong việc ủ ấm

Mùa lạnh, khi đi ra đường (đi chích ngừa, đi chơi) các bà mẹ thường ủ con rất kín bằng cả chăn mền, khăn voan phủ mặt, nhằm giúp bé không bị viêm hô hấp và viêm phổi. Thực tế, không cần thiết ủ quá kín, khiến bé nóng, ra mồ hôi, nhớp nháp khó chịu, bé sẽ quấy khóc. Việc dùng khăn che mặt khiến mẹ không nhìn rõ mặt bé, khó theo dõi thái độ của bé và nguy hiểm nhất là xảy ra trường hợp bé ngạt.

Chỉ cần mang khẩu trang nhỏ để ngăn bụi cho bé. Nếu trời nóng cho bé đội chiếc nón vải, mặc áo quần bình thường. Nếu trời lạnh, cho bé mặc quần áo ấm, nhưng phải có chỗ thoát nhiệt.

BS Lê Phan Kim Thoa - Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, các bà mẹ trẻ thường mắc những sai lầm sau:

- Quấn bé bằng hai tấm mền, khiến bé xuất nhiều mồ hôi để hạ nhiệt và làm mát cơ thể. Nhưng sau khi ủ con, các bà mẹ sờ vào thấy lạnh, lại càng ủ kỹ. Điều này khiến bé khó chịu, quấy khóc.

- Con sốt nhưng khi đưa đi bệnh viện vẫn quấn, ủ quá kín, khiến thân nhiệt bé tăng cao. Những bé đã từng sốt cao co giật trước đó sẽ co giật, khó cấp cứu giữa đường.

Chú ý bệnh da

Thời tiết này khiến các bé dễ bị viêm da, khô da và bệnh chàm. BS Huỳnh Huy Hoàng - BV Da Liễu TP.HCM hướng dẫn cách phân biệt các bệnh này như sau:

- Da khô: Có vảy đóng trên da.

- Viêm da: Da đỏ kèm theo ngứa.

- Chàm: Trời lành lạnh, bệnh chàm thường “lộ diện” ở bé dưới hai tuổi có cha hoặc mẹ bị bệnh chàm, viêm mũi dị ứng. Có trường hợp mặt đỏ, nổi mụn nước; có trường hợp mặt đỏ, da khô…

Khi bị khô da, chỉ cần bôi kem dưỡng ẩm dành cho trẻ nhỏ là tình hình cải thiện. Bệnh viêm da và bệnh chàm cần đi điều trị tại các chuyên khoa da liễu, vì đây là những bệnh có thể bị nhiễm trùng. Riêng bệnh viêm da, tại phòng khám da liễu đã phát hiện nhiều trường hợp phụ huynh tự dùng kem chứa corticoid cho trẻ. Khi bôi loại kem này, bệnh “lui” thấy rõ, nhưng khi ngừng thuốc lại bùng phát dữ dội.

Để phòng bệnh da cho bé, cần tránh gió, tránh lạnh, tránh ra ngoài đường. Trong nhà, nên dùng quạt máy, nếu dùng máy điều hòa nhiệt độ thì nên để trên 25o.

Phòng bệnh theo mùa

Do sức đề kháng kém, nên các bé dễ nhiễm bệnh. Mùa này, trẻ thường bị cảm, viêm mũi, viêm amiđan, viêm họng cấp… Khi bé bị bệnh, cần đưa bé đi khám và tuân thủ điều trị vì đây là những bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm như: thấp tim, viêm phổi… Nếu trong gia đình có người bị hen suyễn, dị ứng, nổi mề đay…, cần chăm sóc con cháu cẩn thận khi nhiệt độ thay đổi thất thường, vì bé có thể bị suyễn. Cơn suyễn thường khó thở khi thở kéo dài làm phập phồng cánh mũi, gây co kéo hõm ức, tiếng thở khò khè. Bệnh suyễn cần được điều trị tại các bệnh viện.

Để phòng bệnh cho bé, nên tránh đưa bé tới những nơi đông người. Ban đêm đi ngủ cần mặc thêm áo (loại áo không có tay) mang vớ cho ấm chân bé. Với các bé mới biết bò, biết đi, tay chân thường sờ soạng đồ vật trong nhà rồi cho vào miệng mút, ngoáy mũi…, khi thấy những hành động mất vệ sinh này, cần nghiêm khắc nhắc bé và đề nghị bé rửa tay ngay.

vanhuong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ