SK+ Cham soc SKND-02
SK+ Cham soc SKND-03

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc chăm lo sức khỏe cho người dân. Người nhấn mạnh: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khoẻ tức là cả nước mạnh khỏe”. Người giao trọng trách cho ngành Y tế: “Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”. Về phát triển hệ thống y tế của đất nước Người cũng đã dạy: “Cần xây dựng một nền y học Việt Nam dân tộc, khoa học và đại chúng”. Đối với nguồn nhân lực y tế, cán bộ nhân viên ngành Y tế, Người nhấn mạnh: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú” [1]

Có thể nói, những lời chỉ dạy sáng suốt nhưng hết sức gần gũi, dễ hiểu của Bác Hồ là những phương hướng chỉ đạo có tính chiến lược, toàn diện của người sáng lập Đảng ta đối với Đảng, Chính phủ, ngành Y tế và toàn dân trong sự nghiệp xây dựng, phát triển hệ thống y tế phù hợp với nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ, trong sự nghiệp giữ nước và xây dựng, phát triển quốc gia, dân tộc qua từng thời kỳ cách mạng và cho giai đoạn Việt Nam đang phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay.

SK+ Cham soc SKND-04

Tinh thần những chỉ đạo của Bác Hồ cũng đã được Ban chấp hành TW Đảng Khóa XII thể hiện trong Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 về “Tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” [2].

Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII [3] cũng đã nhấn mạnh: “Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển”, coi nguồn lực con người là nguồn vốn quý báu nhất, vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc.

Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII (28/6/-1/7/1996) có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đánh dấu bước ngoặt, đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có ngành Y tế. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1996-2000, Đại hội Đảng lần thứ VIII nhấn mạnh: “…Phát triển toàn diện các mặt hoạt động về văn hoá, thông tin, thể dục thể thao, y tế, dân số, kế hoạch hoá gia đình và các mặt xã hội khác nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần và thể lực của dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và hội nhập vào cộng đồng quốc tế” [4].

Gần như đồng thời với Đại hội VIII, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 37-CP về “Định hướng chiến lược công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhânh dân trong thời gian 1996-2000 và Chính sách quốc gia về thuốc của Việt Nam” [5]. Có thể nói văn kiện này và các văn kiện của các Đại hội IX (2001), X (2006), XI (2011), XII (2016), XIII (2021) đã chỉ đạo xuyên suốt đường lối, chiến lược phát triển ngành Y tế và ngành Dược nước ta trong ba thập kỷ vừa qua.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua các thời kỳ, sau 30 năm đổi mới toàn diện, ngành Y tế Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đạt được các thành tựu đáng tự hào.Mới đây nhất, ngày 23 tháng 1 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Số 89/NQ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045” [6]. Chiến lược khẳng định một lần nữa quan điểm của Đảng về sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xuyên suốt qua các kỳ Đại hội Đảng và nhấn mạnh:

SK+ Cham soc SKND-05

Tuy nhiên, trước những đặc điểm mới về kinh tế - xã hội của đất nước, dân tộc và bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, trước nguy cơ toàn cầu hóa kinh tế đi kèm với toàn cầu hóa dịch bệnh mà đại dịch COVID-19 là một ví dụ điển hình, Chiến lược lần này bổ sung và nhấn mạnh đến các quan điểm hệ thống y tế phải “có tính giải trình, bền vững và khả năng chống chịu”, “chăm sóc sức khỏe dựa trên nhu cầu và lấy người dân làm trung tâm”, “bảo đảm an ninh y tế, ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp và đại dịch”, “tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số”, “bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó ngành Y tế là nòng cốt; khuyến khích, thúc đẩy và phát huy vai trò của khu vực ngoài công lập”.

Để bảo đảm triển khai và thực hiện thành công Chiến lược, Chính phủ cũng đã đề ra mục tiêu chung là: “Mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

SK+ Cham soc SKND-06

Chiến lược cũng đã đề ra 12 nhóm giải pháp chủ yếu có thể gom thành các nhóm sau đây: Bao gồm:

- Thực hiện các chương trình, đề án và chiến lược liên quan (Chương trình sức khỏe Việt Nam, Chương trình Can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030, Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020 – 2030, Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021- 2020, Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, Chiến lược phòng, chống tác hại của thuốc lá…)

- Công tác dân số và phát triển; Thể hiện quan điểm con người vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển, Chiến lược đã đề ra nhiều giái pháp cụ thể bao gồm: “Thực hiện hiệu quả Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 để đạt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; quy mô, cơ cấu, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số” và “Có chính sách và biện pháp phù hợp để người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế cơ bản, nhất là trẻ em, người khuyết tật, người bị di chứng chiến tranh, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, người di cư…”

- Nhân lực y tế là bộ phận nòng cốt để triển khai và thực hiện thành công sự nghiêp bảo vệ, chăm, sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Chiến lược đặt ra mục tiêu đồng thời là giải pháp đối với nguồn nhân lực y tế: “Đổi mới toàn diện công tác đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là nhân lực cho y tế cơ sở. Đổi mới chương trình đào tạo, chú trọng nâng cao năng lực thực hành và chuyên môn. Đổi mới việc thi, cấp chứng chỉ hành nghề; triển khai hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia”.

- Trong bối cảnh phát triển một nền kinh tế đa thành phần và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc đảm bảo nâng cao và công bằng trong tiếp cận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thể hiện bản chất xã hội chủ nghĩa của nền y tế Việt Nam. Chiến lược xác định: “Cần thực hiện nâng cao và công bằng trong tiếp cận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng có chất lượng, rút ngắn khoảng cách giữa các tuyến, các vùng miền, từng bước thực hiện chăm sóc người bệnh toàn diện, đặc biệt với những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách; hoàn thiện phác đồ, quy trình, hướng dẫn điều trị y học hiện đại, y học cổ truyền, chuẩn hóa mã bệnh theo quốc tế...”

- Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học - công nghệ và công nghệ thông tin giữ một vai trò cốt yếu trong triển khai và thực hiện chiến lược. Chiến lược xác định ngành y tế cần: “Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo ngành y tế. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong phòng bệnh, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh đặc biệt nguy hiểm; dịch bệnh mới phát sinh; nghiên cứu thích ứng với quá trình già hóa dân số” và “Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ y tế, dược, y sinh học. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến”. Về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, ngành y tế phải “Mở rộng ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực hoạt động của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám bệnh, chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh”.

- Ngành Dược và Trang thiết bị y tế giữ vai trò trọng yếu trong việc cung cấp vật chất – kỹ thuật cho công tác khám chữa bệnh. Chiến lược đề ra nhiệm vụ, giải pháp “thực hiện đổi mới cơ chế phân phối, bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vaccine, vật tư, thiết bị y tế có chất lượng, an toàn, hiệu quả, giá hợp lý cho phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, phòng chống thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác; phát triển dược liệu và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và trên thế giới”.

Có thể nói “Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045” là kim chỉ nam cho sự phát triển ngành y tế Việt Nam từ nay cho đến giai đoạn giữa thế kỷ XXI.

Nhằm bảo đảm các tiền đề phục vụ cho công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, ngày 9 tháng 3 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1165/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dươc Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” [7]. Ngoài xác định nhiệm vụ của ngành Dược Việt Nam đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc và sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả, Quyết định 1165/QĐ-TTg đã xác định rõ quan điểm: “Phát triển ngành Dược Việt Nam bền vững, từng bước tiến tới hiện đại, chú trọng việc đảm bảo an ninh thuốc; phát triển công nghiệp dược, công nghiệp hoá dược, dược liệu sản xuất trong nước, gia tăng giá trị xuất khẩu và hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu”.

Ngành Dược Việt Nam được xác định “là ngành công nghiệp mũi nhọn được ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển” và cần “phát triển hệ thống sản xuất, phân phối, cung ứng thuốc chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả và được quản lý chặt chẽ; nâng cao hiệu quả cung ứng, phân phối thuốc của doanh nghiệp trong nước phù hợp với cam kết quốc tế”.

Chiến lược xác đinh mục tiêu chung cho ngành Dược Việt Nam trong 2 thập niên tới là: “Phát triển ngành Dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dân với mức chi phí hợp lý; nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công/chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN, phấn đấu phát triển nền công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 theo phân loại của WHO; phát triển dược liệu, thuốc và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao; đẩy mạnh sản xuất nguyên liệu làm thuốc; tối ưu hóa việc sử dụng thuốc”.

SK+ Cham soc SKND-07

Để đạt được các mục tiêu chung nói trên, Chiến lược đã xác định một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như: “Chủ động cung ứng kịp thời 100% cho nhu cầu phóng chữa bệnh, thuốc sản xuất trong nước đáp ứng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường, phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất thuốc có giá trị cao trong khu vực”. Về dược liệu cần “xây dựng được 08 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên và 02-05 vùng trồng dược liệu quy mô lớn”. Về quản lý nhà nước, cơ quan quản lý Dược Việt Nam được “công nhận đạt mức độ 3 trở lên của Tổ chức y tế thế giới”. Tiếp tục triển khai các thực hành tốt và “20% cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP, PICs-GMP hoặc tương đương”. Về công nghệ thông tin ngành Dược cần “hoàn thành chuyển đổi số”, cơ quan quản lý nhà nước về dược phải “đảm bảo duy trì hoạt động 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4”. Về các giải pháp lớn và cụ thể, Chiến lược xác định rõ:

- Tiếp tục hoàn thiện về thể chế, pháp luật phát triển và quản lý ngành Dược.

- Xây dựng lộ trình nâng cao từng bước các Thực hành tốt (EU-GMP, PIC/S GMP).

- Đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường liên kết, tham gia chuỗi giá trị trong ngành dược. Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thúc đẩy đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển sản xuất thuốc, vaccine, sinh phẩm trong nước, sản xuất nguyên liệu làm thuốc; đầu tư vào xây dựng các trung tâm nghiên cứu sinh khả dụng và đánh giá tương đương sinh học của thuốc (BA/BE); đầu tư thành lập các trung tâm thử nghiệm lâm sàng quốc tế (đa trung tâm).

- Xây dựng các chính sách dài hạn, minh bạch, ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi để phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực.

- Đặc biệt, lần đầu tiên Chính phủ nhấn mạnh đến chính sách: “Ưu tiên bố trí cho việc đầu tư xây dựng các khu công nghiệp dược để thu hút các nhà đầu tư phát triển các dự án sản xuất các thuốc biệt dược gốc còn bản quyền, sản xuất thuốc gia công ngay khi hết hạn bằng sáng chế hoặc các chứng nhận độc quyền có liên quan; thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao; vaccine, sinh phẩm chuyển giao công nghệ, vaccine đa giá, thuốc, vaccine để phòng các bệnh mới nổi, nguy hiểm, có tính chất lây nhiễm cao trong cộng đồng và các vaccine tiêm chủng mở rộng”.

- Nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát thị trường thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong đó có chính sách: “Nghiên cứu, hoàn thiện đổi mới mô hình hệ thống tổ chức ngành Dược tầm quốc gia, đảm bảo hiện đại, hiệu quả, theo thông lệ quốc tế. Nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về dược tại trung ương, địa phương và chủ động hội nhập quốc tế hướng đến đạt trình độ, năng lực quản lý tương đương các quốc gia phát triển”.

- Về khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo, Chiến lược nhấn mạnh đến các hoạt động: “Đẩy mạnh nghiên cứu và tham gia phối hợp quốc tế phát triển thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vaccine, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự, thuốc từ dược liệu và ứng dụng công nghệ bào chế thuốc hiện đại; nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, đánh giá tương đương sinh học” và “Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về dược, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến phát triển công nghiệp dược, công nghiệp hoá dược”.

Tổng quát lại, trong gần 30 năm qua, dưới sự chí đạo của Chính phủ, thực hiện các đường lối, chính sách và chiến lược của Đảng, hòa nhịp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngành Y tế nói chung và ngành Dược nói riêng đã có những bước tiến mạnh mẽ. Đến nay, ngành Y tế đã là một hệ thống tương đối hoàn chỉnh từ TW đến địa phương, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,85% (2020), kỳ vọng sống của người Việt Nam đạt 73,7 năm, số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 30,7… Y tế chuyên sâu đạt nhiều thành tựu ngang tầm khu vực và quốc tế như kỹ thuật ghép tạng, đặc biệt ghép tạng từ một người hiến tạng cho nhiều người nhận, phẫu thuật tim mạch, đặc biệt là thông tim xuyên tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF: in vitro fertilization), điều trị ung thư, điều trị các bệnh di truyền…

Ngành Dược Việt Nam trong hai thập niên gần đây đạt tỷ lệ tăng trưởng cao với tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) từ 10-12% /năm, được công nhận là một trong những thị trường dược phẩm mới nổi (pharmerging market). Tổng giá trị thị trường dược phẩm năm 2023 đạt khoảng 7,5 tỷ US$, tiền thuốc sử dụng bình quân đầu người năm 2023 đạt 75 US$ so với khoảng 50 US$ năm 2010. Hiện nay Việt Nam đã có 238 nhà máy dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO-GMP), trong đó có 17 nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP, 4 nhà máy đạt PIC/S-GMP. Việt Nam đã sản xuất được 10/11 loại vaccine cung ứng cho Dự án quốc gia tiêm chủng mở rộng. Công nghiệp dược Việt Nam được đánh giá ở cấp độ 3 theo thang phân loại 4 cấp của WHO, cấp độ 3,5 theo thang phân loại 5 cấp của Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO).

Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên hội nhập và phát triển với nhiều cơ hội và thách thức. Nền kinh tế đang tiếp cận với độ mở chưa từng có. Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA: Free Trade Area) và đang tiếp tục đàm phán các hiệp định khác. Các FTA đem lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong nước. Thế giới cũng đang bước vào kỷ nguyên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và cách mạng công nghệ sinh học tác động mạnh mẽ đến công nghiệp dược…

SK+ Cham soc SKND-08
SK+ Cham soc SKND-09
SK+ Cham soc SKND-10
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý