Sở Y tế cấp giấy chứng chỉ hành nghề cho các bác sỹ sau quá trình thi và đào tạo vài tháng
Bác sỹ cần có đủ kỹ năng xã hội!
Bác sỹ cần có đủ kỹ năng xã hội!
Chuẩn năng lực bác sỹ đa khoa có 65 tiêu chí
Thực hiện luân phiên bác sỹ về tuyến dưới
Điều dưỡng 'đội lốt' bác sỹ bị tước chứng chỉ hành nghề
Tước chứng chỉ hành nghề y khi gây hậu quả nghiêm trọng
“Muốn có chứng chỉ hành nghề thì phải có xác nhận thâm niên về thực hành, muốn được thực hành làm việc chuyên môn thì lại phải cần có chứng chỉ hành nghề! Vậy bác sỹ, kỹ thuật viên, điều dưỡng mới ra trường biết làm sao để được thực hành và để xin chứng chỉ hành nghề? Hỏi thăm mấy chuyên gia thẩm định từ Sở Y tế, họ cũng không biết sao luôn, hic...” – Đây là chia sẻ của một bác sỹ xin được giấu tên khi được hỏi về “vấn nạn” giấy phép hành nghề hiện nay.
Chứng chỉ hành nghề là cái chi chi?
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật. Để được cấp chứng chỉ hành nghề, người tham gia phải học ôn và phải thi một số môn trực thuộc chuyên ngành mà họ muốn được cấp chứng chỉ (đối với các bác sỹ đã có bằng đại học, những môn học này đã được học trong trường y) trong thời gian 3 - 4 tháng và được cấp chứng chỉ hành nghề.
Đối với tất cả các ngành nghề, việc chuẩn hóa các yêu cầu chuyên môn, các kỹ năng thực hành, hiểu biết về pháp luật… để người làm nghề có thể hành nghề một cách đúng chức năng, nhiệm vụ, phát huy khả năng phụng sự xã hội ở mức cao nhất, là vô cùng quan trọng. Đối với ngành y, yêu cầu này còn gay gắt hơn, để bảo đảm cho các thầy thuốc có thể hành nghề một cách an toàn, hiệu quả, hạn chế thấp nhất những rủi ro mà người bệnh và xã hội phải gánh chịu. Xuất phát từ lý do trên, việc mọi nhân viên y tế đều phải có một chứng chỉ hành nghề (CCHN) là yêu cầu chính đáng trong quản lý y tế. Ở nhiều nước phát triển, sau khi tốt nghiệp, các bác sỹ phải học chuyên khoa một số năm, có thể phải tham gia thêm một vài khóa đào tạo liên quan đến vấn đề pháp lý, y đức… và thi lấy Chứng nhận hành nghề (CCHN). Ở Việt Nam, phải đến khi cho phép y tế tư nhân hoạt động mới có yêu cầu về CCHN. Thực tế, chứng chỉ này khi đó chỉ cấp để làm giám đốc phòng khám, hay bệnh viện. Nhưng Luật Khám bệnh, chữa bệnh có quy định tất cả nhân viên y tế đều phải có CCHN khi hành nghề. Tuy nhiên, việc ban hành và thực hiện Luật khám bệnh, chữa bệnh có quá nhiều bất cập, làm cho việc cấp CCHN trở thành nỗi ám ảnh đối với rất nhiều nhân viên y tế, đặc biệt ở lĩnh vực y tế tư nhân.
Tôi làm “tội phạm” nhiều năm
Không ít bác sỹ ở các phòng khám, bệnh viện ngoài công lập chia sẻ, “Không biết các bác sỹ làm việc trong y tế công có gặp khó khăn gì với cái chứng chỉ hành nghề (CCHN) không chứ bên tư nhân thì khốn khổ, khốn nạn lắm các bác ạ”.
Thậm chí, có người còn nói nặng rằng: “Tôi là bác sỹ chui hàng chục năm trời”. Chẳng là, vị bác sỹ này là một chuyên gia đầu ngành của ngành tiêu hóa, đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại Đức, được phòng hàm Phó Giáo sư từ khi còn rất trẻ và được giao trách nhiệm làm Giám đốc một bệnh viện thuộc Hà Nội. Thế nhưng, khi đến khi nghỉ hưu và được một phòng khám tư nhân mời về phụ trách phòng khám thì ông bị vướng vì “không có CCHN”. “Tôi dám chắc là tất cả những người xét duyệt CCHN cho tôi đều biết rõ tôi, biết rõ cả quá trình của tôi, thậm chí là còn biết cả đến những chuyện riêng tư của tôi nữa. Vậy nhưng, hơn một năm trời kể từ khi bắt đầu làm thủ tục, tôi mới có CCHN, cho dù tôi hành nghề liên tục”.
Không những vậy, những bất cập trong cấp phép CCHN liên quan đến nhiều yếu tố khác nữa.
Cái vòng luẩn quẩn: Có chứng chỉ mới được hành nghề, có hành nghề mới được cấp chứng chỉ đang làm khó các bác sỹ, biến họ thành những "tội phạm" làm việc chui
“Cái cơ chế tin vào tờ giấy lộn hơn tin vào con người này sản sinh ra những thủ tục mà những ai ít tiếp xúc với thủ tục hành chánh không thể tưởng tượng ra. Một số kẻ có quyền (chẳng hạn quyền nhận hồ sơ) đòi hỏi nào là giấy chứng nhận thời gian hành nghề phải theo mẫu của nơi xét duyệt, phải đúng cả cách viết hoa hay viết thường chữ “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt nam”, hết bổ sung dấu chấm đến loại bỏ dấu phẩy… Không thể biết cái nào là luật, cái nào là lệ và cái nào thuộc diện “Cháu ngoan Bác Hồ”.
Có được CCHN rồi cũng chưa yên đâu. Có một bác sỹ hành nghề ở một tình phía Bắc, nghỉ việc vào Nam, xin vào làm ở một phòng khám. Đương nhiên là phải có xác nhận không hành nghề tại địa phương cũ. OK, có ngay. Thêm giấy xác nhận thực hành mới, bay ra bay vào, rồi cũng có. Lại thêm một xác nhận mới cần phải có, rằng cái cơ sở xác nhận thực hành đó có được phép xác nhận không? Đây là việc của các cơ quan nhà nước với nhau. Nhưng thôi, “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, hy vọng rồi sẽ xong.
Vậy mà vẫn không xong, không được, không cần lý do gì. Không được nghĩa là không được. Cả năm trời trả lương, bao nhiêu công lao chạy lên chạy xuống, chạy ra chạy vào đổ xuống sông xuống biển. Tìm một bác sỹ khác thay thế. Bác sỹ bị từ chối được đúng những người từ chối cấp phép làm việc cho một cơ sở khác ngay lập tức. Vị bác sỹ đó thể hiện sự thông cảm với chủ phòng khám một cách đầy ý nhị: Chắc tại anh chỉ lo trả lương cho bác sỹ làm việc thôi.
Muốn được làm việc, muốn được hành nghề, nhiều bác sỹ bị buộc phải “cùng hành quân với Bác” để làm vui lòng các “cháu ngoan” của Bác. Và, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, họ trở thành tội phạm. Nhiều bác sỹ trở thành… “tội phạm” chỉ vì muốn được hành nghề, muốn được cống hiến. Và khi đã là tội phạm, thì không biết các bác sỹ ấy còn có thể coi sự cống hiến là nghĩa vụ của mình như khi bước chân vào trường y không nữa?
Nhiêu khê lắm cái chứng chỉ hành nghề
Ở các nước phát triển, việc xét cấp CCHN do các hiệp hội chuyên ngành trực tiếp thực hiện hoặc chịu trách nhiệm cố vấn trong tất cả các công đoạn. Ở Việt Nam, do mô hình tập trung quyền lực mà các hiệp hội chuyên ngành chỉ mang tính hình thức, tượng trưng, trong khi nhà nước ôm đồm mọi việc, dẫn đến chuyện những người biết việc, biết người không được sử dụng. Việc giao quyền cấp CCHN cho bộ máy quản lý nhà nước, nơi luôn trung thành với quan điểm không tin ai cả, đẻ ra hàng loạt các thủ tục, thực chất là các giấy phép con hay các chứng chỉ con, vừa gây ra sự phức tạp không đáng có, vừa tạo điều kiện cho những con sâu lúc nhúc trong bộ máy quản lý nhà nước nhũng nhiễu, đục khoét, vừa làm giảm chất lượng của CCHN.
Ngoài kỹ năng chuyên môn, những yếu tố quan trọng để cấp CCHN như kỹ năng giao tiếp, kiến thức pháp lý, vấn đề y đức hoàn toàn chỉ dựa trên sự nhận xét chủ quan của người hướng dẫn thực hành và phụ trách đơn vị thực hành mà không có một tiêu chí cụ thể nào khiến cho người được cấp CCHN thực chất vẫn chưa đủ khả năng hành nghề, nhất là những hiểu biết về mặt pháp lý và y đức, cũng không được trang bị kỹ năng tự bảo vệ mình trước các rắc rối nghề nghiệp.
Rất khó chuyển việc xét và cấp CCHN về cho các hiệu hội chuyên ngành như các bác sỹ mong muốn
Có nên trả lại chức năng xét cấp CCHN cho các hiệp hội chuyên ngành, nơi có đầy đủ các nhà khoa học để có thể lập lên các hội đồng đánh giá chuyên môn, nơi có đầy đủ những nhà thực hành, vừa có thể hướng dẫn, vừa có thể đánh giá chính xác về đạo đức của người được cấp CCHN? Nơi mà cho đến nay vẫn còn năng động và ít quan liêu hơn nhiều so với bộ máy quản lý nhà nước cồng kềnh, hoạt động chồng chéo, kém hiệu quả, không thể thoát ra khỏi cơ chế xin - cho và đầy rẫy tiêu cực.
Làm được như vậy, cái CCHN mới thực sự có ý nghĩa, mới thực sự phát huy tác dụng.
Ấy thế nhưng, khó lắm!
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Cộng đồng lên tiếng
Bình luận của bạn