"Chiến lược 3E" để giảm thiểu tai nạn cho trẻ em

Chỉ mới 5 ngày trong tháng 6/2013, cơ quan báo chí đưa tin có hai trẻ nhỏ tử vong do sự bất cẩn của người lớn trong khi trông giữ trẻ. Cần báo động sự vô trách nhiệm của người lớn trong khi chăm sóc trẻ.

Trong số đó có thể kể, bé gái 14 tháng tuổi ở tại Q.4, TP.HCM, bị tử vong đuối nước do ngã cắm đầu vào xô nước trong nhà vệ sinh khi bé đi vệ sinh ở trong đó một mình. Người mẹ bận nấu ăn cho gia đình ở bếp nên không để ý đến việc trông nom bé. Khi người mẹ phát hiện bé bị đuối nước, đưa ngay đi bệnh viện cấp cứu nhưng không đáp ứng hồi phục và tử vong.

Tiếp theo đó, một bé gái 4 tuổi được bà nội đưa đến thăm nhà một người thân ở tòa nhà số 9B khu đô thị bán đảo Linh Đàm, Hà Nội. Khi bé ngủ, bà nội bỏ đi ra ngoài; khi về lại phòng không thấy nên đi tìm và phát hiện bé bị tử vong tại chỗ do chấn thương vì rơi ngã từ tầng 11 xuống ô văng tầng 2 ở sau nhà.


Ban công chung cư thường không được che chắn an toàn cho trẻ nhỏ (Ảnh minh họa)

Trẻ nhỏ với thương tích không chủ định

Trẻ nhỏ thường bị những thương tích không chủ định hoặc không chủ ý trong sinh hoạt hàng ngày và những thương tích này được xem là những tai nạn. Theo thống kê, tỉ lệ trẻ nhỏ và thanh thiếu niên bị thương tích, tử vong phần lớn do tai nạn thương tích không chủ định chiếm tới 90%; trong đó tai nạn giao thông và đuối nước đã chiếm đến 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Thương tích không chủ định gây nên thường là hậu quả của các loại tai nạn như: tai nạn giao thông, đuối nước, bỏng, ngã... Thương tích cũng có thể do tai nạn nghẹn hóc, ngộ độc, bom mìn và các vật liệu nổ; do côn trùng đốt và súc vật cắn... gây ra. Hầu hết các thương tích không chủ ý đều có thể phòng tránh được. Tuy vậy trên thực tế nhiều trường hợp thương tích không chủ ý hay có chủ ý không thể khẳng định được mức tuyệt đối như một trẻ nhỏ ngã từ trên thang gác xuống sẽ có trường hợp không xác định được sự khác biệt rõ ràng giữa tình huống trẻ bị ngã và bị xô đẩy nên ngã xuống hoặc trong những trường hợp khác như tình trạng bị xâm hại và bị bỏ rơi cũng rất khó phân biệt rạch ròi.

Bất cẩn của người lớn gây tử vong cho trẻ nhỏ 1
Ban công là mối nguy hiểm với trẻ nhỏ

Các trường hợp tai nạn thương tích không chủ định của trẻ nhỏ xảy ra trong thực tiễn thời gian qua có nguyên nhân cần phải báo động là sự bất cẩn, thiếu trách nhiệm của người lớn trong khi trông nom, giám sát sinh hoạt của trẻ. Một chút chủ quan, lơ là, sơ sẩy, không quan tâm để mắt đến của người lớn khi trông giữ trẻ là trẻ nhỏ sẽ có nguy cơ bị tai nạn thương tích ngay và có thể bị tử vong.

Chiến lược 3E

Kinh nghiệm cho thấy ở các nước trên thế giới, việc phòng chống tai nạn thương tích trẻ em được áp dụng tổng hợp chiến lược 3E sẽ mang lại hiệu quả tốt. Chiến lược 3E được viết tắt theo tiếng Anh: Education có nghĩa là giáo dục, tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi; Environment modification: thay dổi môi trường sống; Enforcement: thi hành, củng cố pháp luật liên quan đến an toàn và phòng chống tai nạn thương tích.

Giáo dục, tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi trong phòng chống tai nạn thương tích trẻ em là hoạt động cung cấp các thông tin cần thiết cho đối tượng cần tiếp thu như cha mẹ, giáo viên nhà trẻ - mẫu giáo, người chăm sóc trẻ, kể cả trẻ em... về hậu quả của tai nạn thương tích, các yếu tố nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích, lợi ích của việc thực hiện các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích; các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích có hiệu quả và thực tế; các cách sơ cấp cứu, xử trí khi tai nạn thương tích xảy ra. Hình thức giáo dục phải đa dạng và phù hợp với từng đối tượng được truyền thông giáo dục.


Người chăm sóc trẻ phải luôn quan sát, lường trước các tình huống gây nguy hiểm cho trẻ.

Thay đổi môi trường sống để nhằm loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích có tác dụng như phòng chống bị động, do đó đây là một trong những cách tiếp cận hiệu quả nhất trong phòng chống tai nạn thương tích. Nội dung thay đổi môi trường sống trong phòng chống tai nạn thương tích là rào chung quanh các ao để ngăn không cho trẻ nhỏ bị ngã xuống ao, làm biển báo nguy hiểm ở các sông hồ cảnh báo nguy cơ đuối nước; làm đường ngang dành cho người đi bộ, lắp hệ thống đèn giao thông các dải phân cách... Thực tế có 3 mô hình phổ biến giúp cho việc thay đổi môi trường sống an toàn hơn đối với trẻ nhỏ thường được áp dụng là ngôi nhà an toàn, trường học an toàn và cộng đồng an toàn.

Thi hành, củng cố pháp luật liên quan đến an toàn và phòng chống tai nạn thương tích là những hoạt động phát triển và thực thi các quy phạm pháp luật có liên quan ví dụ như: luật an toàn giao thông đượng bộ quy định các giới hạn tốc độ, quy định về đội mũ bảo hiểm, các quy định xử lý hành chính khi vi phạm luật; luật an toàn giao thông đường thủy quy định về đăng kiểm phương tiện, mặc áo phao... Ngoài những quy định mang tính pháp quy này, việc thực hiện các quy định riêng của một cộng đồng như xem công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em là một tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng làng văn hóa, gia đình văn hóa... cũng có tác dụng trong phòng chống tai nạn thương tích.


Tai nạn do vật sắc nhọn rình rập ngay trong chính căn nhà của bé.

Chiến lược 3E nói trên là chiến lược chung, căn cứ vào chiến lược này để triển khai các biện pháp cụ thể về phòng chống các tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ nhỏ như tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, bỏng, ngộ độc, động vật cắn, ngạt thở và tắt đường thở; tai nạn do vật sắc nhọn, các trò chơi nguy hiểm... Những thương tích này thuộc loại tai nạn không chủ định đối với trẻ nhỏ nên có thể xảy ra bất cứ ở đâu, bất kỳ lúc nào nếu người lớn chủ quan, bất cẩn, lơ là, thiếu trách nhiệm trong việc trông giữ trẻ.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ