Giúp trẻ khám phá thiên nhiên theo tính cách riêng

Tiếp xúc thiên nhiên giúp trẻ phát triển toàn diện

Thói quen đơn giản giúp kéo dài tuổi thọ

Góc thư giãn cá nhân: “liều thuốc” tinh thần trong cuộc sống hiện đại

3 cách cải thiện sức khỏe tinh thần khi về già

Infographic: Ăn uống thế nào để cải thiện sức khỏe tinh thần?

Trẻ không cần đi xa hay tham gia hoạt động cầu kỳ để thư giãn tinh thần. Chỉ một buổi đi dạo công viên, vài phút tắm nắng ở ban công hoặc cùng cha mẹ quan sát cây cối quanh nhà cũng có thể mang lại nhiều lợi ích.

Tuy nhiên, để việc tiếp xúc với thiên nhiên thật sự có tác dụng, cha mẹ nên lưu ý 2 yếu tố: hướng dẫn trẻ cảm nhận thế giới xung quanh bằng cả 5 giác quan (thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác và vị giác) và lựa chọn hoạt động phù hợp với tính cách của trẻ. Từng giác quan hoạt động sẽ giúp trẻ hiểu cơ thể mình, kết nối sâu hơn với thiên nhiên, cảm nhận rõ sự sống quanh mình thay vì chỉ quan sát hời hợt. Và khi được kết nối theo cách riêng, trẻ không chỉ thấy thoải mái hơn mà còn phát huy được điểm mạnh của mình.  

Trẻ yêu thích sáng tạo

Trẻ thích vẽ, tô màu hay làm đồ thủ công thường bị thu hút bởi màu sắc và hình khối trong tự nhiên. Thay vì để con vẽ từ trí tưởng tượng hoặc theo mẫu, cha mẹ có thể gợi ý con ra ngoài trời, quan sát một chiếc lá, một bông hoa hay khung cảnh xung quanh rồi thể hiện lại bằng nét vẽ của mình. Trong lúc đó, hãy khơi gợi sự chú ý của trẻ bằng nhiều giác quan như: “Chiếc lá này có gì đặc biệt?”, “Con nghe thấy âm thanh gì?”, “Mùi hương nào đang thoảng qua?”... Điều này không chỉ giúp trẻ thư giãn, mà còn học cách quan sát và cảm nhận thế giới một cách tinh tế, sâu sắc hơn.

Trẻ ham học hỏi, thích tìm hiểu

Rèn luyện tính kiên nhẫn từ hoạt động trồng cây

Rèn luyện tính kiên nhẫn từ hoạt động trồng cây

Nếu trẻ hay đặt câu hỏi, thích khám phá thế giới tự nhiên, hoạt động trồng cây là lựa chọn lý tưởng. Khi cùng con gieo hạt, làm đất, tưới nước và theo dõi cây lớn lên từng ngày, cha mẹ có thể đặt những câu hỏi như: “Hôm nay lá có gì khác hôm qua?”, “Con thấy đất ướt thế nào?”, “Mùi cỏ mới cắt có giống hôm trước không?”. Việc lặp lại hành động đơn giản nhưng đều đặn này giúp trẻ rèn tính kiên trì, học cách quan sát sự thay đổi và hiểu rằng mọi thứ đều cần thời gian để phát triển.

Trẻ năng động, thích chơi thể thao

Trẻ thích chạy nhảy, vận động nên được khuyến khích chơi ngoài trời, chẳng hạn như đá bóng, đạp xe, nhảy dây ở công viên hoặc khoảng sân gần nhà. Tuy nhiên, thay vì chỉ chú trọng vận động, cha mẹ có thể khơi gợi con chú ý đến cảm giác cơ thể và môi trường xung quanh. Ví dụ: “Con nghe thấy gì khi đang chạy?”, “Khi đá bóng, con cảm thấy mặt đất ra sao?”... Những câu hỏi đơn giản sẽ giúp trẻ vừa vận động vừa tập trung lắng nghe cơ thể mình, hiểu cảm xúc mình và kết nối tốt hơn với không gian xung quanh.

Trẻ thích phiêu lưu

Trẻ thích phiêu lưu sẽ hứng thú với các hoạt động như đi bộ đường dài, leo dốc nhẹ, đạp xe qua địa hình gồ ghề. Điều này không chỉ giúp trẻ vận động, mà còn giúp trẻ rèn luyện tính chủ động, khả năng phản xạ và tự giải quyết tình huống. Khi phải chọn hướng đi, vượt qua đoạn đường khó hay giữ thăng bằng trên địa hình lạ, trẻ học được cách giữ bình tĩnh, suy nghĩ nhanh và kiên định với mục tiêu.

Sau mỗi hành trình, cha mẹ có thể cùng con nhìn lại trải nghiệm:“Điều gì khiến con thấy hào hứng?”, “Đoạn đường nào là thử thách nhất?”, “Cảm giác của con khi vượt qua khó khăn là gì?”. Những câu chuyện thật từ chính trải nghiệm sẽ giúp trẻ hiểu rõ bản thân và ngày càng vững vàng hơn trong suy nghĩ, cảm xúc.

Trẻ có xu hướng sống nội tâm, nhạy cảm

Rèn luyện sự thấu cảm qua những hành động đơn giản

Rèn luyện sự thấu cảm qua những hành động đơn giản

Nếu trẻ có xu hướng sống nội tâm, thiên nhiên có thể trở thành nơi con lắng nghe chính mình và kết nối với thế giới theo cách riêng. Cha mẹ có thể cùng con ngồi yên quan sát một chú chim, một chú chó nhỏ hay đàn cá bơi trong hồ. Hãy khơi gợi cảm nhận bằng những câu hỏi gần gũi: “Con thấy con vật ấy đang làm gì?”, “Con nghĩ nó đang cảm thấy thế nào?”.

Việc quan sát kỹ hành vi của một sinh vật giúp trẻ dần hiểu rằng mọi thứ xung quanh đều có đời sống riêng, có cảm xúc riêng. Từ đó, con biết cách chú ý hơn tới những điều nhỏ bé, rèn luyện khả năng lắng nghe và nuôi dưỡng lòng thấu cảm - nền tảng quan trọng giúp trẻ hòa nhập, ứng xử nhẹ nhàng và trưởng thành về mặt cảm xúc.

 
Đào Dung (Theo National Geographic)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ