PGS. TS Chu Thị Hạnh đang thăm khám cho bệnh nhân
Khám và phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Những thực phẩm nên tránh khi bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
5 điều bạn cần biết về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
5 yếu tố nguy cơ thường gặp của bệnh COPD
Đó là lời chia sẻ của PGS.TS Chu Thị Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp (BV Bạch Mai), thành viên Ban quản lý Dự án Phòng chống Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD và Hen phế quản, nhân sự kiện BV Bạch Mai vừa tổ chức khám, tư vấn và phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân COPD tại Hà Nội.
PGS.Hạnh cho biết, trong thời tiết lạnh của mùa Đông miền Bắc, số bệnh nhân mắc căn bệnh này càng có xu hướng gia tăng, diễn biến nặng. Thế nhưng việc phát hiện sớm còn hạn chế, có tới 25 - 50% bệnh nhân COPD không được chẩn đoán đúng trước khi nhập viện điều trị và còn tỷ lệ rất lớn bệnh nhân không tuân thủ liệu trình điều trị dự phòng, chỉ điều trị khi có cơn kịch phát.
PGS. Hạnh cũng chỉ rõ rất nhiều sai lầm trong điều trị khiến cho tình trạng bệnh phổi và hen phế quản ngày một trầm trọng hơn như không tuân thủ điều trị, hoặc sử dụng thuốc không đúng cách, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, chưa chú ý đến phục hồi chức năng hô hấp và nhất là vẫn tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ khiến bệnh không được cải thiện....
"Chúng tôi luôn giải thích với bệnh nhân, khi đã chẩn đoán là phải sống chung với bệnh, dùng thuốc dự phòng như một thói quen ăn cơm, uống nước hàng ngày để phòng bệnh. Bởi bình thường, bất cứ bệnh nào rồi cũng sẽ đi đến đích, nếu không điều trị đều, đích đến (là giai đoạn nặng) chỉ khoảng 5 năm, trong khi đó nếu điều trị, phải từ 10 - 20 năm, thậm chí lâu hơn mới đến đích, nhưng nhiều người bệnh vẫn chủ quan bỏ thuốc khi thấy tình trạng ổn định hơn", PGS. Hạnh cho biết.
Bác sỹ BV Bạch Mai hướng dẫn người bệnh sử dụng thuốc đúng cách
Một sai lầm nữa người bệnh hay mắc phải, đó là dùng thuốc không đúng kỹ thuật nên hiệu quả kém. Bệnh nhân cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ - kỹ thuật đúng, thuốc phân bổ vào phổi tốt nhất sẽ mang lại hiệu quả điều trị tối đa.
PGS. Hạnh tư vấn, bệnh nhân COPD cần tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, thuốc lào chủ động hoặc thụ động; Không sử dụng bếp than, bếp củi để sưởi ấm trong nhà vào trời rét để tránh nguy cơ bị ngộ độc khí CO - một tác nhân gây nên các đợt cấp của COPD.
Bên cạnh đó, bệnh nhân COPD cần được tiêm phòng cúm, sử dụng thuốc tăng cường miễn dịch trong mùa lạnh. Bởi nhiễm VR cúm, vi khuẩn, không khí lạnh là một dạng stress gây khởi phát cơn cấp COPD. Ngoài ra, áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh cũng là yếu tố quan trọng trong điều trị: bệnh nhân COPD khó thở khiến việc ăn uống khó khăn nên có thể ăn đồ loãng, đồ nóng, thức ăn mềm dễ hấp thu, tránh uống nước đá, đồ ăn lạnh. Chế độ ăn cần đủ chất dinh dưỡng và bổ sung thêm nước hoa quả, trái cây, rau xanh.
Cuối cùng, với bệnh nhân COPD thì việc luyện tập phục hồi chức năng cũng rất quan trọng. Người bệnh COPD mức độ nhẹ hoặc trung bình nên duy trì luyện tập các bộ môn như đạp xe, đi bộ, thảm lăn mức độ vừa phải từ 30 - 60 phút tùy theo khả năng. Với thể nặng có thể giảm thời gian luyện tập, hoặc có các phương pháp tập luyện khác như luyện sức bền với tạ nhỏ; hoặc tập thở cơ hoành bằng cách hít sâu và thở mạnh ra hết sức, tập ho khạc đờm chủ động.
Bình luận của bạn