“Con về” – Hành trình đưa con trở lại cuộc sống đa sắc màu

Cuốn tự truyện "Con về" của một người mẹ 8 năm đưa con thoát khỏi tự kỷ

Hành trình 8 năm cứu con thoát tự kỷ

Dạy trẻ tự kỷ: Từ tình yêu đến kỹ năng

Gian nan dạy trẻ tự kỷ

Vụ 'Dạy trẻ tự kỷ bằng... khúc cây': Trường Anh Vương hoạt động trá hình

Dạy trẻ lạc quan và yêu đời

“Con về” ghi lại toàn bộ hành trình của một người mẹ, đón chờ con gái yêu chào đời, rồi chăm chút con từng miếng ăn, giấc ngủ mỗi ngày bằng tình yêu thương vô bờ bến, và xót xa khi biết con mắc chứng tự kỷ nặng. Bà mẹ trẻ ấy đã không nản lòng, vẫn tràn đầy nghị lực và niềm tin, quyết tâm tự tìm biện pháp, cùng con vượt qua chứng bệnh tâm lý, trở về với cuộc sống bình thường.

Nội dung cuốn sách bao gồm 5 chương, mỗi chương thể hiện mỗi cung bậc cảm xúc khác nhau theo từng giai đoạn phát triển của con: Từ khi con đến bên đời; Mẹ phát hiện con bệnh rồi tất tả kiếm tìm nơi chữa trị và thất vọng; Mẹ tự làm cô giáo, tự tìm cách chữa trị cho con theo phương pháp riêng; Ngày còn trở về với tiếng cười, tiếng nói bập bẹ trên môi và những ngày sắp đến mẹ sẽ dạy con từng bước để trưởng thành.

Phần chính của chương mục là nội dung viết theo dạng nhật ký, có minh họa cụ thể từng phần. Cuối mỗi chương là thông tin đúc kết dạng box, kèm các giáo án trực quan dạng sơ đồ tư duy hay biểu đồ. Lồng ghép một cách khoa học và mạch lạc trong cuốn sách là những giáo án dành riêng cho những thầy cô, phụ huynh với niềm yêu thương không giới hạn, tận tụy vô bờ và niềm tin mãnh liệt vào những học trò đặc biệt này.

ThS Nguyễn Thị Mỹ Linh – Giảng viên Khoa Khoa học Cơ bản, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Phân hiệu TP.HCM sau khi đọc xong cuốn sách đã xúc động chia sẻ: “Hành trình của một người mẹ đưa con trở về một người bình thường thật gian nan, vất vả. Cuốn tự truyện sẽ làm rung động biết bao trái tim về tấm lòng cao cả của một người mẹ đã đồng hành cùng con trên suốt một quãng đường dài, với ý chí, nghị lực phi thường để tranh đấu cho sự trưởng thành của con. Những người mẹ có con cùng cảnh ngộ hẳn sẽ rất vui mừng khi đọc được cuốn sách này bởi những phương pháp, bài tập, dụng cụ hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ trẻ tự kỷ thật bổ ích và quý báu. Khép lại cuốn sách, người đọc sẽ tìm thấy được sức mạnh của niềm tin về một ngày mai tươi sáng cho các bé tự kỷ. Đây là một cuốn sách hay, đáng nên đọc của những người làm mẹ, bởi vì “đằng sau sự trưởng thành của một đứa con sẽ không thể nào thiếu vắng bóng dáng của một người mẹ vĩ đại”.

Tác giả Hải Ninh tại Lễ ra mắt cuốn tự truyện "Con về" tại TP.HCM

Dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ tự kỷ còn khó hơn gấp trăm ngàn lần, bởi vốn dĩ con đã bất thường ngay từ xuất phát điểm. Tự kỷ không phải là bệnh thể lý để có thể kê toa uống thuốc vài ba lần là khỏi. Tự kỷ là chứng bệnh về tâm lý. Chỉ có mẹ, người yêu con hết mực, yêu con hơn cả mạng sống, hạnh phúc riêng của mình, mới sẵn sàng xông vào thế giới vô thức của con, để khuấy động và giành giật níu lấy từng giác quan, cảm xúc, để đưa con thoát khỏi vùng tăm tối của ánh mắt vô hồn lạnh giá, để mang con về với hiện thực đa màu ấm áp, để con biết khóc, biết cười, biết chia sẻ và yêu thương…

Phương Minh – đứa trẻ tự kỷ ngày ấy, giời đây đã trở thành một cô bé bình thường và đáng yêu. Đây không còn là những trải nghiệm cá nhân của riêng chị mà trở thành những kinh nghiệm quý báu cho tất cả những ông bố bà mẹ đang chờ đón hay nuôi dưỡng tình yêu của cuộc đời mình.

“Con về” được phát hành rộng rãi tại các nhà sách trên cả nước, từ ngày 1/11/2014. 

Để “Con về”, đừng quên là:
1. Không ai muốn con tốt hơn chính cha mẹ, bởi chỉ có cha mẹ mới thấu hiểu rõ con mình ở trong tình trạng nào và con thực sự giỏi thế nào.
2. Luôn luôn tin vào sự phục hồi trí lực và đuổi kịp các bạn của con. Có niềm tin là có tất cả! Nhưng tất nhiên, niềm tin đó phải được suy xét kỹ lưỡng theo phân tích tỉnh táo và logic nhất.
3. Khi đã có niềm tin thì không được chần chừ, thẳng tiến luôn! Mỗi phút giây chần chừ là cơ hội phục hồi của con lại qua đi, qua đi...
4. Đừng có cầu toàn, muốn cái gì cũng phải vừa ý mình (Cầu toàn cũng là một “kiểu” tự kỷ).
5. Luôn khen con ngay khi có “biểu hiện” tiến bộ. Biểu hiện này nhiều khi chỉ là cảm nhận của bố mẹ, không phải là một hành động rõ ràng của con.
6. Đừng mất công đọc quá nhiều tài liệu về chứng tự kỷ. Chả có tài liệu nào sai, nhưng cũng chả có tài liệu nào đầy đủ cả. Bao gồm cả cuốn sách này!
Từ trường hợp của chính mình, chị Hải Ninh khẳng định cứng rắn nhưng vẫn không tránh khỏi chạnh lòng: “Chỉ có mẹ thôi!”. 
Vân Anh H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ