Mùa Đông Xuân: Cảnh giác với đại dịch cúm nguy hiểm ở người

Virus cúm A/H7N9 đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc và đã gây tử vong trên người

Tết Ất Mùi: Cần cảnh giác với cúm A/H7N9

Bài học phòng chống cúm A/H7N9 của Trung Quốc

Cúm A/H7N9 nguy hiểm nhưng dễ phòng ngừa

Canada ghi nhận ca nhiễm cúm H7N9 đầu tiên

Trung Quốc: gần 1/3 số người nhiễm cúm H7N9 đã tử vong

Virus cúm nguy hiểm có nguy cơ vào Việt Nam

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 3 tuần đầu của tháng 1/2015, tại Trung Quốc ghi nhận 16 ca mắc cúm A/H7N9, trong đó có 3 ca tử vong. Như vậy từ ca mắc đầu tiên vào năm 2013 đến nay thế giới ghi nhận 486 trường hợp mắc cúm A/H7N9 và đã có 185 người tử vong, chiếm tỷ lệ 40%, hiện các ca bệnh cúm A/H7N9 tại nước láng giềng Trung Quốc có xu hướng lan rộng xuống các tỉnh phía Nam (gần biên giới nước ta). Tại tỉnh Quảng Đông, nơi có nhiều người Việt Nam sang du lịch, làm ăn buôn bán cũng ghi nhận 111 ca mắc cúm A/H7N9.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương: “Thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị cúm mùa như cúm A/H1N1, A/H3N2 nhưng triệu chứng lâm sàng rất nặng, suy hô hấp cấp, suy đa phủ tạng. “Bộ Y tế nên cảnh báo cho các bệnh viện cảnh giác với các biểu hiện cúm nặng để có hướng điều trị kịp thời”.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định: “Nguy cơ xâm nhập cúm A/H7N9 vào Việt Nam ở mức trung bình, tuy nhiên nếu không kiểm soát được việc vận chuyển gia cầm qua biên giới thì nguy cơ này sẽ rất lớn”.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tại Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên gia cầm và trên người. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng: “Mùa Đông Xuân là thời điển rất thuận lợi cho việc lây truyền các chủng virus, vi khuẩn, dịch bệnh lây qua đường hô hấp. Trong khi tình hình dịch cúm A/H7N9, cúm A/H5N1, cúm A/H5N2... diễn biến khá phức tạp và khó tiên đoán. Vì vậy, khả năng lây nhiễm, lan truyền dịch bệnh từ Trung Quốc sang Việt Nam là hoàn toàn có thể. Do đó, người dân cần coi trọng việc phòng chống bệnh cúm lây lan sang người trong thời điểm này”.

Theo đại diện Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cúm A/H5N1 lưu hành rộng khắp trên đàn gia cầm của nhiều địa phương nước ta, 5% gia cầm mang chủng cúm A/H5N1 nhưng không biểu hiện. Đặc biệt các chủng cúm A/H5N1 trên gia cầm của Trung Quốc giống 99% chủng cúm A/H5N1 trên gia cầm của Việt Nam chứng tỏ có sự di chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam. Thời tiết thay đổi thất thường cũng làm giảm sức đề kháng của gia cầm; Hoạt động giết mổ, vận chuyển gia cầm gia tăng vào dip Tết, hoạt động nhập lậu gia cầm vẫn diễn ra.

Một bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 được điều trị tại bệnh viện ở Trung Quốc

Tích lũy từ đầu năm 2003 đến nay, Việt Nam ghi nhận 127 trường hợp mắc cúm A/H5N1, 64 trường hợp tử vong. Số mắc cao nhất là trong giai đoạn 2003 - 2010, từ năm 2011 đến nay ngành y tế ghi nhận rải rác một số trường hợp mắc bệnh tại các địa phương. Vừa qua, trong năm 2014 có hai trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 tại Bình Phước và Đồng Tháp và đều đã tử vong. Cả hai trường hợp này đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh.

Tăng cường phòng chống cúm từ nhiều phía

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng: “Các đơn vị chức năng của ngành y tế cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện tốt việc giám sát, tại cộng đồng, trong các bệnh viện, tất cả các trường hợp có biểu hiện viêm, nhiễm trùng hô hấp đều phải được lấy mẫu xét nghiệm để giám sát; Tăng cường xét nghiệm thú y, nếu xét nghiệm phát hiện virus trên đàn gia cầm hoặc phát hiện các ổ dịch cúm gia cầm thì sẽ ngăn chặn không để lây sang người; Tăng cường truyền thông để người dân nâng cao ý thức phòng bệnh…”.

Tăng cường các biện pháp truyền thông nâng cao nhận thức phòng chống cúm cho người dân

Trước nguy cơ xâm nhập các trường hợp nhiễm cúm gia cầm vào Việt Nam là rất lớn, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế đã ban hành và chỉ đạo các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt thực hiện kế hoạch hành động phòng, chống bệnh cúm A/H7N9 theo 4 tình huống dịch bệnh, bảo đảm việc đáp ứng phòng chống dịch một cách hiệu quả, tăng cường công tác giám sát, xét nghiệm đối với thú y.

Để phòng chống đại dịch cúm gia cầm lây lan sang người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh; Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Ngoài ra, khi có các biểu hiện cúm như: Sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời;  Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.

Vi Dũng H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn