Tin nổi bật trong tuần: Cứu sống người bị cá mập cắn, sản phụ bị ngừng tim

Sản phụ được đặt ECMO, hạ thân nhiệt điều trị - Ảnh: BVCC

Sốt xuất huyết có thể trở thành dịch năm 2022

Tiêu điểm Sức khỏe+ ngày 11/6/2022

Cách phòng ngừa và xử trí tai nạn hóc dị vật ở trẻ em

Teo cơ do đái tháo đường: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Quảng Ninh: Ngư dân bị cá mập cắn nát cẳng chân

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận trường hợp hy hữu, là một ngư dân bị cá mập cắn dập nát nghiêm trọng cẳng chân phải. Người này gặp nạn khi đang khai thác hải sản ở vùng biển Bạch Long Vĩ (Hải Phòng). Các bác sỹ đánh giá vết thương nơi cá mập cắn bị dập nát nghiêm trọng, tiên lượng xấu cần phải chuyển mổ cấp cứu ngay lập tức để cứu chân người bệnh. Sau gần 2 giờ phẫu thuật căng thẳng, ca mổ diễn ra thành công, cẳng chân phải của bệnh nhân đã bắt được mạch, hồng ấm trở lại, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tích cực.

Báo động đỏ liên viện kết hợp kỹ thuật ECMO, hạ thân nhiệt cứu sản phụ bị ngưng tim

Sản phụ 45 tuổi tại TP.HCM may mắn được cứu sống nhờ ekip 2 bệnh viện thực hiện kỹ thuật ECMO kết hợp nhồi tim hồi sức. Sản phụ có tiền sử hiếm muộn, không biết mình có thai, nhầm xuất huyết âm đạo do nhau cài răng lược là chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Để giữ được tính mạng cho sản phụ, các bác sỹ quyết định phẫu thuật khẩn cấp chấm dứt thai kỳ, cắt bỏ tử cung nhưng sản phụ mất nhiều máu, ngưng tim lần 1. Ngay lập tức, bệnh viện tuyến trước liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy, trao đổi chuyên môn, khởi động báo động đỏ và quyết định đặt ECMO cho sản phụ. Sau hơn 10 ngày điều trị, sản phụ đã ổn định sức khỏe, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.

Người đàn ông phải nhập viện cấp cứu do tin dùng thuốc "gia truyền" chữa loét miệng

Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 67 tuổi, nhập viện cấp cứu do bị viêm gan cấp sau khi sử dụng thuốc nam. Được biết trước đó khoảng 1 tuần, bệnh nhân có thấy đau rát lưỡi, loét miệng. Bệnh nhân không đi khám mà nghe một số người mách và dùng theo bài thuốc gia truyền của một thầy lang gần nhà kê. Khi nhập viện, chỉ số men gan của bệnh nhân tăng rất cao gấp 30 - 50 lần chỉ số người bình thường. Nếu không được điều trị kịp thời người bệnh có thể đối mặt với các biến chứng như suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Sau 4 ngày điều trị tích cực bằng các thuốc hỗ trợ tế bào gan, truyền dịch tăng thải độc gan, hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, chỉ số men gan đã giảm rất nhiều. Bệnh nhân được tiếp tục theo dõi và điều trị tại Khoa Nội tiêu hóa của bệnh viện.

Gắp cặp giun rồng dài từ tay người đàn ông

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái vừa tiếp nhận bệnh nhân nam (42 tuổi trú tại xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình) nhiễm bệnh giun rồng. Bệnh nhân có tiền sử uống nước khe suối, ăn gỏi cá… và đã nhiều năm nay không tẩy giun, sán. Một tháng trước, bệnh nhân bị sưng nề từng khối ở vùng ngực, cánh tay, đùi trái. Gần đây phần sưng bị vỡ ra, chảy mủ, kéo ra được 2 con giun dài khoảng 7 - 8cm. Đến ngày 6/6, người bệnh đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái khám trong tình trạng tỉnh, không sốt, không nôn, khó thở, có khối sưng nề ở ngực, cánh tay trái và đùi trái, ấn đau tức, chảy mủ. Tại bệnh viện các bác sỹ tiến hành vệ sinh, gắp hết giun ra, dùng kháng sinh để điều trị bội nhiễm vết loét. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe tốt, đang được theo dõi và tiếp tục điều trị tại bệnh viện.

Mỹ thử nghiệm thành công 100% thuốc chữa ung thư trực tràng

Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering đã thử nghiệm thành công một loại thuốc điều trị mới có tên Dostarlimab trên 18 bệnh nhân ung thư đại tràng.

Theo kết quả của cuộc thử nghiệm được công bố trên Tạp chí Y học New England, trong nghiên cứu thử nghiệm quy mô nhỏ, 18 bệnh nhân ung thư đã sử dụng loại thuốc miễn dịch đơn dòng dostarlimab trong 6 tháng và có tiến triển tốt. Loại thuốc miễn dịch đơn dòng có giá khoảng 11.000USD/liều và được dùng 3 tuần/lần. Sau 6 tháng, 100% số bệnh nhân tham gia thử nghiệm đều không còn tế bào ung thư, căn bệnh không tái phát trong hai năm.

Đạt được thành công bước đầu, các nhà nghiên cứu thống nhất rằng thử nghiệm này phải được nhân rộng trong một nghiên cứu lớn hơn, vì thử nghiệm trước đó chỉ tập trung vào những bệnh nhân có dấu hiệu di truyền hiếm gặp trong khối u của họ. Nhưng tỷ lệ thuyên giảm 100% ở các bệnh nhân là một dấu hiệu ban đầu rất hứa hẹn. Thử nghiệm tiếp theo dự kiến sẽ bao gồm khoảng 30 bệnh nhân, giúp cung cấp một bức tranh toàn cảnh về mức độ an toàn và hiệu quả của loại thuốc mới./

 
Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn