Sự kiện y tế nổi bật tuần qua

Điểm lại một số sự kiện y tế, sức khỏe nổi bật trong tuần

Dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng gia tăng báo động tại TP.HCM

Bệnh đậu mùa khỉ trỗi dậy ở Châu Âu, phát hiện và điều trị sán lá gan nhỏ

Quy định mới trong phân luồng, sàng lọc COVID-19 tại cơ sở khám chữa bệnh

Bộ Y tế: Không bỏ sót tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cho người dân

Vinh danh trí thức khoa học công nghệ 2022

Sáng 21/5, 106 gương mặt đã được tôn vinh trong Lễ tôn vinh Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2022 được Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng biểu trưng và bằng khen cho các cá nhân tiêu biểu.

Trí thức cao tuổi nhất được tôn vinh là GS.TS.BS Hoàng Bảo Châu (93 tuổi) - nguyên Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam. GS.TS.BS Hoàng Bảo Châu là một bác sỹ, thầy thuốc có nhiều đóng góp cho nền Đông y của Việt Nam. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách về Y học cổ truyền, thể hiện bằng ngôn ngữ hiện đại. Nữ trí thức trẻ tuổi nhất là GS.TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng (41 tuổi) - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Đưa bệnh nhân nhiễm khuẩn tiêu hóa từ Trường Sa về đất liền bằng trực thăng

Các bác sỹ Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu bệnh nhân từ Trường Sa - Ảnh: VnExpress

Các bác sỹ Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu bệnh nhân từ Trường Sa - Ảnh: VnExpress

Bệnh xá đảo Nam Yết (Quần đảo Trường Sa) tiếp nhận một bệnh nhân có triệu chứng đau bụng, nôn ói và đi cầu lỏng nhiều lần, sau đó suy tuần hoàn nặng, mạch chậm. Các bác sỹ đã tiến hành hội chẩn với Bệnh viện Quân y 103 và Bệnh viện Quân y 175, kết quả chẩn đoán cho thấy, bệnh nhân nhiễm khuẩn đường tiêu hóa có biến chứng tim mạch nặng. Bệnh nhân được tiên lượng nặng, suy đa cơ quan nên đề nghị đưa về đất liền để điều trị bằng máy bay trực thăng.

Theo VnExpress, tối 16/5, thời tiết xấu, mưa to, gió lớn, trực thăng không hạ cánh được ở bãi đáp trên nóc tòa nhà Bệnh viện Quân y 175 nên phải chuyển hướng sang sân bay Tân Sơn Nhất. Người bệnh được chuyển tiếp bằng xe cứu thương đến bệnh viện. Hiện bệnh nhân đang được điều trị hồi sức tích cực, tình trạng đã khá dần, nhịp tim gần trở về bình thường.

Những năm gần đây nhiều quân nhân, người dân sinh sống và làm việc tại quần đảo Trường Sa gặp vấn đề sức khỏe được trực thăng vận chuyển về đất liền điều trị, thay vì điều trị tại chỗ hoặc chuyển bằng tàu thủy. Bệnh viện Quân y 175 đã xây dựng một bãi đáp trực thăng trên nóc tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình, khánh thành cuối năm 2020, nhằm rút ngắn tối đa thời gian vận chuyển người bệnh, tăng cơ hội cứu sống kịp thời những bệnh nhân cần can thiệp khẩn.

Khánh thành Bệnh viện Truyền máu huyết học cơ sở 2 tại TP.HCM

Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM cơ sở 2 chính thức đi vào hoạt động

Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM cơ sở 2 chính thức đi vào hoạt động

Theo báo Tuổi Trẻ, Bệnh viện Truyền máu Huyết học cơ sở 2 (TP.HCM) với tổng kinh phí xây dựng hơn 1.000 tỷ đồng đã khánh thành vào ngày 19/5. Đây là trung tâm y tế chuyên sâu của thành phố và là bệnh viện chuyên khoa huyết học đầu ngành khu vực phía Nam.

Ngoài những thiết bị cũ sẵn có, Bệnh viện được trang bị thêm thiết bị giải phẫu bệnh tế bào học, di truyền học, sinh học phân tử, giải trình tự gene. Hiện tất cả kỹ thuật cao bệnh viện đều có và không cần gửi mẫu ra nước ngoài.

TS.BS.CKII Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM cho biết, do bệnh viện thuộc tuyến cuối chuyên khoa huyết học khu vực phía Nam nên sẽ tập trung xây dựng phác đồ điều trị những ca khó, bệnh tái phát, bên cạnh tập trung hóa trị liệu, ghép tế bào gốc... 

Phục hồi tổn thương cho bệnh nhân bị loét da 10 năm

Theo báo Lao Động, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) vừa phẫu thuật thành công một bệnh nhân 67 tuổi bị loét cùng cụt 10 năm sau xạ trị ung thư vùng tầng sinh môn. Bệnh nhân có thời gian dài điều trị ung thư cùng tia xạ, khiến vùng da cùng cụt bị tổn thương. Vết loét đã theo bệnh nhân suốt 10 năm gây đau đớn, khó chịu và kích thước khoảng 8x14cm. 

Người nhà bệnh nhân đã chia sẻ, sau nhiều lần tìm kiếm các phương pháp chữa trị vùng loét nhưng đều thất bại vì không thể liền da. Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, các bác sỹ quyết định phẫu thuật tạo hình, chuyển vạt da có kích thước 10*25cm che phủ lên toàn bộ vùng loét khuyết hổng vùng cùng cụt, giúp bệnh nhân phục hồi. 

TS.BS Nguyễn Văn Thanh -  Phụ trách Khoa Phẫu thuật - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, vạt da sau khi chuyển đã được các mạch máu nuôi tốt và dày đủ chịu được tỳ đè sau này cho bệnh nhân ở tư thế nằm. Từ năm 2021 đến nay, Khoa Phẫu thuật - Tạo hình Thẩm mỹ của bệnh viện đã thực hiện hơn 50 ca chuyển vạt da cân cơ để điều trị các vùng loét nghiêm trọng, phần lớn ở vùng cùng cụt. Phương pháp này giúp che phủ các vết khuyết hổng vừa giúp tạo hình thẩm mỹ khuôn mặt. 

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin