Cách phòng ngừa và xử trí tai nạn hóc dị vật ở trẻ em

Hóc dị vật là một trong những tai nạn nguy hiểm nhất đối với trẻ em

Bảo vệ con khỏi tai nạn bỏng, điện giật trong mùa Hè

Phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ trong mùa Hè

Sơ cứu trẻ đuối nước thoát “lưỡi hái tử thần”

Bỏng nhiệt ở trẻ nhỏ: Đừng dại chữa bỏng bằng rượu, nước mắm

Tai nạn hóc dị vật phổ biến khi vào Hè

Tình trạng trẻ nhỏ bị tai nạn, thương tích có xu hướng gia tăng, nhất là trong thời điểm trẻ được nghỉ Hè, thiếu sự giám sát của người lớn.

Đầu tháng 6, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vừa cấp cứu thành công trường hợp bệnh nhi 18 tuổi nhập viện trong tình trạng ho khan nặng tiếng 2 ngày, rồi dần kéo tràng dài, sặc sụa tím tái. Người nhà nghi ngờ bé ăn hạt đậu phộng rồi bị hóc. Quá trình soi gắp dị vật gặp khó khăn do hạt đậu phộng ở lâu trong đường thở bị ngấm nước nên mủn đi, gắp ra bị bể vụn thành nhiều mảnh.

Lạc và nhiều loại hạt khác là thực phẩm dễ gây hóc cho trẻ

Lạc và nhiều loại hạt khác là thực phẩm dễ gây hóc cho trẻ

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cũng cho thấy, thời gian qua, có rất nhiều trường hợp trẻ nuốt dị vật như hạt nhãn, hạt hồng xiêm, nuốt tăm xỉa răng, thậm chí có trẻ lớn nuốt bàn chải đánh răng… Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp hóc dị vật dẫn đến những di chứng suốt đời, thậm chí không xử trí kịp thời dẫn tới nguy hiểm tính mạng.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hóc dị vật ở trẻ nhỏ, mà điều quan trọng là do sự lơ là, chủ quan, thiếu kiểm soát của người lớn. Trẻ còn nhỏ rất tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh, có thói quen bỏ vào miệng tất cả những gì rơi vào tầm tay như cúc áo, đồ chơi nhỏ.

Trẻ vừa ăn vừa khóc hoặc đùa giỡn khi có thức ăn trong miệng cũng có nguy cơ hóc dị vật đường thở, đường tiêu hóa nguy hiểm. Trẻ cũng chưa thuần thục việc nhai và nuốt, dễ hóc các thực phẩm trơn, đồ ăn có xương hoặc quả có hạt.

Phụ huynh, người chăm sóc hay trông trẻ cần để ý các dấu hiệu hóc dị vật như trẻ đang bú, đang ăn hoặc đang chơi đột nhiên lên cơn ho sặc sụa, mặt đỏ và/hoặc tím tái, vã mồ hôi, thở gắng sức, ý thức trẻ lịm dần... Dị vật gây tắc nghẽn đường thở hoàn toàn có thể ngưng thở ngay lập tức, tiếp đó hôn mê và tử vong.

Cách xử trí khi trẻ hóc dị vật

Khi phát hiện trẻ hóc dị vật, nhiều bậc phụ huynh bối rối và lúng túng, dẫn tới mắc sai lầm khi sơ cứu như: Cố gắng lấy tay hoặc các vật khác vào miệng trẻ để móc dị vật ra; Sử dụng một số mẹo dân gian nuốt cơm, rau... Những việc làm này có thể khiến tình trạng hóc dị vật trở nên nghiêm trọng hơn, làm dị vật chui sâu xuống đường thở.

Chia sẻ với báo Lao Động, BS Nguyễn Cát Phương Vũ - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho hay, nếu trẻ còn hồng hào, khóc thành tiếng, phụ huynh nên để cho trẻ ho nhằm tống dị vật ra.

Thủ thuật Heimlich (lấy dị vật đường thở) cho trẻ em - Ảnh: Stay Well, Kids Health Canada

Thủ thuật Heimlich (lấy dị vật đường thở) cho trẻ em - Ảnh: Stay Well, Kids Health Canada

Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay đầu hơi chúc xuống, tay còn lại hơi khum vỗ mạnh vào lưng trẻ, tại vùng giữa hai xương bả vai.

Đối với trẻ lớn hơn, có thể sơ cứu hóc dị vật bằng cách ấn ngực: Đặt nằm ngửa xuống đất, 2 bàn tay người cứu nạn chồng lên nhau để ở vùng bụng dưới mũi ức (vùng thượng vị) đè ép xuống nhiều lần.

Đối với trẻ trên 2 tuổi (và ngày cả người lớn bị hóc dị vật), người lớn cần thực hiện thủ thuật Heimlich: Đứng phía sau lưng, 2 bàn tay nắm lại vào nhau ấn thốc mạnh vào vùng thượng vị (dưới mũi ức, phía trên rốn). Ấn 5 cái dứt khoát, nhanh và mạnh theo hướng từ dưới lên trên và từ trước ra sau. Đây là một động tác có thể giúp cứu mạng cho nhiều trường hợp ngạt do sặc dị vật.

Nếu trẻ ngưng thở, phụ huynh cần gọi cấp cứu ngay, đồng thời bắt đầu hồi sức tim phổi (hà hơi thổi ngạt và ấn tim ngoài lồng ngực) tỷ lệ 2 lần thổi ngạt và 30 lần ép tim cứ như vậy đến khi nhân viên y tế đến nơi.

Chủ động loại bỏ nguy cơ hóc dị vật tại môi trường sống

Trẻ nhỏ rất hiếu động và chưa nhận thức được những nguy hiểm rình rập. Cha mẹ, ông bà, anh chị lớn cần để mắt tới trẻ thường xuyên; Đồng thời chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa nguy cơ hóc dị vật:

- Cất đặt đồ đạc có nguy cơ thành dị vật đường thở xa tầm tiếp cận của trẻ. Không để cúc áo và các loại pin, ghim cài... trong tầm tay của trẻ. Khóa những ngăn tủ chứa vật dụng nhỏ mà trẻ có thể với tới.

Không để những vật dụng nhỏ và đồ chơi dễ tháo rời trong tầm với của trẻ

Không để những vật dụng nhỏ và đồ chơi dễ tháo rời trong tầm với của trẻ

- Cho trẻ sử dụng đồ chơi phù hợp với độ tuổi, trẻ dưới 3 tuổi không chứa các chi tiết nhỏ có thể tháo rời như đồ chơi xếp hình Lego. Nhắc anh chị của bé cất đồ chơi đúng chỗ, không để những vật dụng nguy hiểm trên trong tầm tay của trẻ nhỏ.

- Dạy trẻ bỏ thói quen ngậm mút.

- Phòng ngừa sặc thức ăn: Luôn cho trẻ ngồi yên một chỗ khi ăn. Không ép trẻ ăn, uống khi trẻ đang khóc, chạy nhảy hoặc nô đùa. Động viên trẻ ăn từ từ và nhai kỹ. 

- Đảm bảo đúng chế độ ăn uống theo lứa tuổi của trẻ: Không cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi ăn thức ăn dễ hóc như các loại  hạt cứng chưa nấu chín, nghiền nát; Thạch rau câu (trơn và có thể trôi xuống họng khi trẻ chưa kịp nuốt); Hoa quả có hạt; Kẹo dẻo; Hạt trân châu...

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ